Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tái cấu trúc ngành thép

Tình trạng cung lớn hơn cầu, vừa thừa vừa thiếu, luôn là vấn đề hóc búa, tồn tại trong một thời gian dài đối với ngành thép. Năm nay, sản xuất và tiêu thụ thép khó khăn hơn năm trước, quý I vừa qua, lượng thép tiêu thụ thấp hơn 10% so cùng kỳ. Dự báo năm nay, công suất sản xuất thép lên đến chín triệu tấn (chưa kể năm nhà máy công suất 1,5 triệu tấn sắp đi vào hoạt động), trong khi mức tiêu thụ cả nước chỉ đạt gần sáu triệu tấn/năm. Dư thừa công suất, kinh tế khó khăn, thị trường bất động sản "đóng băng", đầu tư công và dân dụng giảm mạnh khiến nhiều doanh nghiệp thép phải sản xuất cầm chừng để tồn tại, trong đó có không ít đơn vị mấp mé bờ vực phá sản.

Thời điểm hiện tại, mặc dù Chính phủ đã có một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng vẫn còn "độ trễ", các công trình đầu tư công vẫn tiếp tục đình hoãn, giãn tiến độ, cho nên tiêu thụ thép chưa có khả năng tăng đột biến. Trong khi đó, theo cam kết hội nhập, hàng rào thuế quan của nước ta sẽ dần dỡ bỏ, thép nhập khẩu với ưu thế giá rẻ có cơ hội tràn vào, càng tạo thêm áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp thép trong nước.

Chính vì vậy, yêu cầu tái cấu trúc doanh nghiệp sản xuất thép nhằm nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm để tăng khả năng cạnh tranh là vấn đề cấp thiết hiện nay. Ngành thép đã thực hiện cơ chế thị trường khá sớm, hiện đang triển khai mạnh mẽ việc tái cấu trúc. Tuy nhiên, trong tình hình khó khăn hiện nay, không thể chỉ bằng hỗ trợ lãi suất, khoanh nợ,... mà nên chấp nhận theo xu hướng vận động của thị trường. Ðối với các doanh nghiệp đầu tư trước đây, thiết bị, công nghệ lạc hậu, không đủ sức cạnh tranh nên buộc phải dừng sản xuất hoặc bán lại cho các nhà đầu tư có tiềm năng để đổi mới công nghệ. Có thể tính toán phương án liên kết, hoặc sáp nhập doanh nghiệp trở thành liên hợp sản xuất thép từ quặng, nhằm phát triển ổn định, hiệu quả và lâu dài. Từ trước đến nay, với tầm nhìn ngắn hạn, ngành thép đầu tư ồ ạt phát triển hạ nguồn (cán thép) mà không chú tâm tới thượng nguồn (luyện phôi), khiến công suất dư thừa, mất cân đối. Ðể bảo đảm tính cân đối trong phát triển, nên có chính sách khuyến khích, ưu đãi doanh nghiệp đầu tư thượng nguồn hoặc sản xuất thép chế tạo, cán nóng,... Tại nhiều địa phương, do nôn nóng thu hút đầu tư, đã lựa chọn đối tác không kỹ, vừa yếu tiềm lực tài chính, vừa non về công nghệ, cho nên nhiều dự án bị chậm tiến độ, hoặc sử dụng công nghệ bẩn, tiêu tốn năng lượng và gây ô nhiễm nặng. Bản thân các địa phương phải rà soát, quản lý chặt chẽ việc cấp giấy phép đầu tư, kiên quyết thu hồi giấy phép các dự án thép không đủ điều kiện triển khai. Các doanh nghiệp cần nghiên cứu, có kế hoạch đầu tư, đổi mới công nghệ để tự nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm giá thành cũng như tích cực tìm kiếm thị trường xuất khẩu tiềm năng trong khu vực và trên thế giới. Mặt khác, xóa bỏ sự không công bằng về thuế giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước, có cơ chế khuyến khích, ưu đãi doanh nghiệp nội địa; hạn chế nhập khẩu bằng hàng rào kỹ thuật, cùng với một số chính sách tháo gỡ nếu khó khăn còn kéo dài. Ði liền với đó, chú trọng đào tạo công nhân và đội ngũ kỹ sư ngành luyện kim, có cơ chế tận dụng cả kinh nghiệm, "chất xám" của đội ngũ kỹ sư, công nhân đã về hưu. Vấn đề sống còn của ngành thép trong bối cảnh khó khăn hiện nay không phải sản xuất bằng mọi giá, mà tự nâng cao "sức khỏe" cho doanh nghiệp bằng cách tập trung đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ.

Nguồn tin: Nhandan

ĐỌC THÊM