Một quyết định dứt khoát về số phận của Dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 chưa được công bố, song ở góc độ của những nhà đầu tư chuyên nghiệp, không cần mất quá nhiều thời gian phân tích mổ xẻ để có cùng quan điểm: rất khó đạt hiệu quả.
Trả giá
Ông Vũ Hoàng Long, Trưởng ban Đầu tư Kinh doanh, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) nói rằng, ngay khi được yêu cầu xem xét bỏ vốn vào Dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, SCIC đã thấy rất khó để đảm bảo hiệu quả dự án và phải có chỉ định của Thủ tướng Chính phủ, Tổng công ty mới dám rót 1.000 tỷ đồng vào dự án này. Thận trọng hơn, khoản tiền này vẫn được để đảm bảo tại tài khoản của ngân hàng. Nếu Chính phủ chỉ đạo không rót vốn và thoái toàn bộ vốn nhà nước tại doanh nghiệp, khoản tiền trên vẫn được bảo toàn.
Giải thích kỹ hơn vì sao Dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 kém hiệu quả, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hòa Phát, một trong những nhà đầu tư được gợi ý xem xét mua lại dự án này cho biết, vị trí nhà máy xa cảng biển, xa hệ thống đường giao thông lớn, lợi thế nguồn than cốc cũng không còn…
Đây là một ví dụ cho thấy, bản thân Nhà nước cũng rất băn khoăn khi nhìn thấy cửa đầu tư kém hiệu quả ở những dự án dở dang. Nhưng cho đến thời điểm này, câu hỏi Nhà nước có sẵn sàng trả giá không? Có dám đóng cửa các doanh nghiệp nhà nước nếu họ làm ăn không hiệu quả hoặc dừng các dự án nhìn thấy trước tương lai kém hiệu quả không? Vẫn chưa thấy câu trả lời.
Đó có thể là một nguyên nhân dẫn đến kết quả tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp nhà nước chưa đạt được các chuyển biến cơ bản mà Dự thảo Đề án Tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đang được Bộ Kế hoạch Đầu tư lấy ý kiến mô tả rất thẳng thắn.
Đáng chú ý, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước không làm giảm sự can thiệp của Nhà nước vào nền kinh tế, bởi quan hệ thân hữu giữa doanh nghiệp với quan chức nhà nước vẫn được duy trì ngay cả khi doanh nghiệp đã được cổ phần hóa.
Một số doanh nghiệp về thực chất chỉ là chuyển đổi hình thức từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần khi tỷ lệ bán cổ phần ra cho tư nhân rất nhỏ, hoặc không có các nhà đầu tư chiến lược đủ mạnh để thay đổi cơ chế quản trị doanh nghiệp, hoặc các đối tác mua cổ phần lại là những doanh nghiệp nhà nước, tức xét riêng là các doanh nghiệp cổ phần, nhưng xét chung trong hệ thống sở hữu chéo nhau giữa các doanh nghiệp này thì cả nhóm lại là doanh nghiệp nhà nước. Tương tự là kết quả thoái vốn nhà nước, lũy kế từ năm 2012 đến tháng 10/2015 mới thoái được 16.450 tỷ đồng, thu về 22.870 tỷ đồng, bao gồm cả thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Con số này chỉ tương đương 2% tổng giá trị sổ sách của vốn chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước trong cùng thời kỳ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhấn mạnh rằng, hiện tượng một số giám đốc tự trả tiền lương cho mình một cách cao bất thường là điển hình của sự thiếu kỷ cương phép nước, chưa tuân thủ nguyên tắc “lời ăn, lỗ chịu”, chưa áp dụng nguyên tắc thị trường về giá của vốn, không dám chuyển đổi cơ cấu tài sản để sử dụng một cách hiệu quả hơn…
Nếu coi khung quản trị của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) áp dụng cho các doanh nghiệp nhà nước là quản trị hiện đại theo thông lệ tốt thì quản trị thực tế áp dụng đối với các tổng công ty, tập đoàn kinh tế ở nước ta còn rất khác, có chênh lệch lớn so với khung quản trị nói trên. Cụ thể, khung quản trị của OECD có 30 nguyên tắc được khuyến cáo áp dụng thì quản trị hiện nay tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chưa áp dụng đại bộ phận các nguyên tắc đó, chỉ mới áp dụng ở mức độ rất thấp một số ít nguyên tắc còn lại.
Và tái cơ cấu thực chất
Cũng bởi thế, bản dự thảo Đề án đã đề ra 4 mục tiêu cụ thể trong nội dung tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Đó là giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phần của Nhà nước trong phần lớn doanh nghiệp có vốn nhà nước; giảm bớt các ngành nghề được quy định Nhà nước cần nắm giữ đa số cổ phần; thoái toàn bộ vốn nhà nước khỏi các doanh nghiệp không thuộc ngành nghề Nhà nước cần nắm giữ số cổ phần trên 50%; nâng cao hiệu quả kinh doanh của tất cả các doanh nghiệp có vốn nhà nước vượt qua mức hiệu quả trung bình của ngành mà doanh nghiệp hoạt động.
Giới chuyên gia kinh tế nhìn nhận, đó là một tham vọng lớn và không dễ thực hiện nếu không có quyết tâm chính trị và sự dứt khoát, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành. Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, để thay đổi tận gốc khu vực doanh nghiệp nhà nước phải có ý chí chính trị ở cấp cao nhất.
Cần lưu ý là trong các văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII vẫn đề cập kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo, trong khi muốn tái cơ cấu nền kinh tế cần phải nhấn mạnh vào kinh tế tư nhân, để làm sao Việt Nam có được những tập đoàn tư nhân lớn, có khả năng quản lý các quá trình công nghệ và quản lý phức tạp, tận dụng lợi thế quy mô, kiểm soát chi phí, kiểm soát chất lượng và cạnh tranh được trên thị trường trong và ngoài nước.
Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cũng đánh giá cao quan điểm không chia đều vì nền kinh tế cần có mũi nhọn, cần có động lực và tấm gương để noi theo. Tái cơ cấu là phải ưu tiên cho những doanh nghiệp, địa phương làm tốt, có tiềm năng phát triển. Tinh thần này được thể hiện nhất quán trong bản dự thảo Đề án và được ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhắc đến nhiều lần: “Giai đoạn tiếp theo cần tập trung thay đổi cấu trúc nền kinh tế, sản xuất, kinh doanh theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất, chất lượng, làm bệ đỡ cho tăng trưởng lâu dài”.
Còn ở góc độ cải thiện quản trị doanh nghiệp nhà nước, cả Luật sư Trương Thanh Đức, Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam và Chuyên gia Võ Trí Thành đều nói: “Giảm quy mô vốn nhà nước mới có thể nâng chất quản trị được”.
Quyết tâm tái cơ cấu kinh tế, trong đó có trụ cột doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn mới là rất lớn, song để thực hiện được những mục tiêu tham vọng trên, có lẽ cần đến cả sự dũng cảm của các cơ quan xây dựng thể chế. Trong cuộc làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tháng 8 vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nhắc tới vấn đề nhạy cảm, đó là tái cơ cấu và xây dựng thế chế mới có thể đụng chạm đến rất nhiều nhóm lợi ích khác nhau. Lời khẳng định “sẽ không ngại đụng chạm” của Bộ trưởng Dũng đã thể hiện một vấn đề cốt lõi: Liệu chúng ta có thực sự dám đi đến tận cùng của việc tái cơ cấu, thay đổi tư duy và dám đổi mới mô hình tăng trưởng hay không?
Nguồn tin: ĐTCK