Bộ Công Thương cho biết, tiến độ tái cơ cấu dự án gang thép Thái Nguyên, 1 trong 12 dự án của ngành công thương chậm tiến độ và kém hiệu quả đang bị chậm so với tiến độ chung đặt ra cho dự án này và cả trong tổng thể 12 dự án.
Tiến độ tái cơ cấu dự án gang thép Thái Nguyên đang bị chậm so với tiến độ chung đặt ra cho
dự án này và cả trong tổng thể 12 dự án kém hiệu quả ngành Công Thương.
Nguyên nhân của việc chậm trễ được Bộ Công Thương nêu là có quá nhiều vấn đề phức tạp và vướng mắc, trong đó nổi lên 2 vấn đề lớn.
Một là các tranh chấp pháp lý giữa Tổng công ty Thép Việt Nam (VinaSteel) và Công ty gang thép Thái Nguyên với tổng thầu EPC và triển khai thực hiện dự án là tổng thầu của nước ngoài.
Hai là câu vốn nhà nước ra khỏi Tổng công ty thép Việt Nam cũng là cơ quan chủ sở hữu của Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO), đồng thời cũng là chủ dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2.
Bộ trưởng Bộ Công Thương, Trần Tuấn Anh cho rằng, vấn đề tranh chấp pháp lý trong dự án này, có khả năng phải giải quyết bằng các tranh chấp pháp lý quốc tế với tổng thầu, bởi có rất nhiều vấn đề tồn đọng trong suốt quá trình triển khai thực hiện dự án qua nhiều giai đoạn.
Có những việc làm không đúng với trách nhiệm của chủ đầu tư cũng như vai trò của tổng thầu trong quá trình thực thi dự án.
Liên quan đến việc thoái vốn ra khỏi VinaSteel-Tổng công ty thép cũng bị vướng. Cụ thể, liên quan đến phần cam kết bảo lãnh của Tổng công ty thép đối với TISCO-Công ty gang thép Thái Nguyên trong dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, với khoản vay hơn 1.800 tỷ của Viettinbank, nếu tiến hành thoái vốn thì sẽ gây thiệt hại lớn cho tài sản của nhà nước vì Tổng công ty thép đã cam kết 100% bảo lãnh cho khoản vay này đối với dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2.
Theo quan điểm của Bộ Công Thương, cần giải quyết cho xong khoản giải chấp đối với bảo lãnh của Tổng công ty thép đối với dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 thì mới có thể tiến hành thoái vốn một cách có hiệu quả của nhà nước.
“Bộ Công Thương cũng đã chủ động báo cáo với Chính phủ và xin phép triển khai xây dựng phương án thoái vốn mới phù hợp với những quy định của luật pháp nhưng phải đảm bảo hiệu quả của thoái vốn cũng như thực hiện theo đúng quy định của luật pháp. Tới đây Bộ sẽ tiếp tục báo cáo với Thủ tướng và Chính phủ phương án triển khai thực hiện”, Bộ trưởng Tuấn Anh cho biết.
Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 – Công ty Gang Thép Thái Nguyên được phê duyệt từ năm 2005 với tổng mức đầu tư là 242 triệu USD, tương đương 3.943 tỷ đồng. Dự án được khởi công vào tháng 9/2007 nhưng do nhiều nguyên nhân dẫn đến tiến độ dự án bị trì hoãn, kéo dài nhiều năm, đến nay vẫn chưa được tái khởi động.
Theo báo cáo của TISCO, dù dự án bị chậm tiến độ chưa đưa vào sản xuất nhưng TISCO đã phải thực hiện chi trả gốc và lãi của các khoản vay cho dự án. Cụ thể, Dự án dừng từ năm 2013 đến nay, tính đến thời điểm 31/5/2018, Công ty đã phải trả gốc và lãi là 1.313 tỷ đồng. Từ đầu năm 2017 đến nay, mỗi tháng công ty phải trả cho ngân hàng khoảng 47 tỷ đồng.
Nguồn tin: Đầu tư