Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tái cơ cấu kinh tế, đáng tiếc chưa có sự tham gia của khối tư nhân

 Doanh nghiệp đóng vai trò quyết định trong tái cơ cấu, và đi theo quy luật thị trường. Nhưng đáng tiếc trong giai đoạn qua chỉ có Nhà nước và DNNN tham gia tái cơ cấu mà thiếu vắng khối doanh nghiệp ngoài Nhà nước, đại biểu nêu ý kiến tại Quốc hội.

Thảo luận tại Quốc hội ngày 2/11 chủ đề “Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017”, các đại biểu cho nhiều ý kiến về kế hoạch tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2020.

Chuyển biến tái cơ cấu kinh tế ở địa phương còn chậm chạp, có đại biểu khẳng định “5 năm rồi tái cơ cấu kinh tế chưa về đến địa phương”, bởi hầu như kế hoạch đưa ra mang tính chất tượng trưng là chủ yếu, thiếu tính khả thi.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, đoàn Nghệ An bày tỏ lo ngại khi năm 2016 sắp kết thúc mà một số chỉ tiêu kinh tế chưa đạt được như chỉ tiêu về GDP, tăng trưởng xuất khẩu, thu ngân sách gặp nhiều khó khăn, nợ công cao, áp lực trả nợ lớn…

“Dù nguyên nhân nào đó là sự thật cần suy ngẫm để tính toán bước đi tiếp theo”, đại biểu nói.

 

Theo đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, năm 2106 dư nợ công là 64,98% GDP, đã sát ngưỡng 65% GDP; dư nợ Chính phủ ở mức 53,1%GDP; dư nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 45,7% GDP. Dự báo 2017, Chính phủ đề nghị Quốc hội phê duyệt nợ công tương ứng 65% không đúng với việc siết chặt nợ công, phải phấn đấu làm giảm nợ công.

Đại biểu kiến nghị nên để kế hoạch nợ công không quá 65%, đến 2020 không quá 63%, nợ quốc gia không quá 50%, đến 2020 không quá 47% GDP.

Theo đại biểu Cầu, ngân sách đầu tư phát triển còn rất ít chủ yếu là đi vay, trong khi đó hiện nay có nhiều nhà máy đầu tư thua lỗ như nhà máy bột giấy Phương Nam, đạm Ninh Bình, gang thép Thái Nguyên đều nợ, đề nghị CP tập trung xử lý sớm không để tình trạng nợ chồng lên nợ.

Ông cũng kiến nghị cần xem lại việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế khi mà lãnh đạo đã chuyển biến trong khi có nhiều bộ phận thi hành công vụ chuyển biến chậm chạp.

Cũng ý kiến về kế hoạch tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2020, đại biểu Phùng Văn Hùng, đoàn Cao Bằng cho biết nhất trí cao với kế hoạch của Chính phủ đề ra, thể hiện quyết định tái cơ cấu kinh tế là đúng đắn, có đóng góp tích cực giúp kinh tế Việt Nam vượt qua khó khăn. Ông cho rằng những kết quả đạt được trong thời gian qua là tiền đề để bước vào giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, vẫn còn những mục tiêu đề ra chưa đạt được, theo đại biểu cùng với những nguyên nhân Chính phủ đưa ra còn bởi một số nguyên nhân.

Theo ông, nhận thức về tái cơ cấu kinh tế tại địa phương chưa đầy đủ, còn nặng hình thức dẫn đến triển khai chậm. “5 năm rồi tái cơ cấu chưa về đến địa phương, tôi đề nghị Chính phủ cần theo dõi chỉ đạo sát sao hơn để địa phương hiểu đúng về tái cơ cấu”, đại biểu Phùng Văn Hùng khẳng định.

Đại biểu cho rằng tái cơ cấu chưa thu hút được sự tham gia ngoài xã hội nhất là khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Tái cơ cấu là phân bổ lại nguồn lực của Nhà nước trong khi nguồn lực của nhà nước có hạn mà nguồn lực xã hội thì vô cùng lớn nên Nhà nước cần đưa ra các chính sách đòn bẩy thu hút các nguồn lực trong xã hội. Doanh nghiệp đóng vai trò quyết định trong tái cơ cấu, theo quy luật thị trường. Nhưng đáng tiếc trong giai đoạn qa chỉ có Nhà nước và doanh nghiệp nhà nước tham gia tái cơ cấu mà thiếu vắng khối doanh nghiệp tư nhân.

Ông cũng nêu vấn đề hơn 10 triệu tỷ đồng để tái cơ cấu kinh tế một con số không nhỏ và cần có sự tham gia của khối kinh tế ngoài nhà nước để có hiệu quả cao.

Một nguyên nhân nữa, theo đại biểu Hùng đó là công tác tổ chức thực hiện bởi chưa có cơ quan chính thức đủ thẩm quyền đôn đốc chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu từ Trung ương đến địa phương. “Sau khi thảo luận Quốc hội không ra Nghị quyết về tái cơ cấu kinh tế, tôi mong Quốc hội kỳ này ra Nghị quyết riêng về tái cơ cấu và thành lập một cơ quan chỉ đạo, ở Trung ương do Thủ tướng đứng đầu, ở địa phương do Chủ tịch tỉnh, Thành phố đứng đầu”, đại biểu Hùng bày tỏ.

Ông cũng nhấn mạnh trong giai đoạn tới để thực hiện kế hoạch tái cơ cấu kinh tế, cần quyết liệt hơn nữa trong cuộc chiến chống tham nhũng, chống lợi ích cục bộ.

Nguồn tin: NDH

ĐỌC THÊM