Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tái khởi động nhiều dự án thép

Ít nhất 3 dự án nhà máy thép có quy mô lớn đã được khởi động sau thời gian im ắng.Việc tái khởi động dự án thép tấm cán nóng công suất 2 triệu tấm/năm của Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel), với đối tác mới là Tập đoàn Danieli, nhà sản xuất thiết bị lớn cho ngành thép đến từ Italia, được xem là một tín hiệu tốt trong đầu tư vào những mặt hàng lâu nay phải nhập khẩu 100%.

Theo Bộ Công thương, nhu cầu thép cuộn cán nóng hiện tại của nước ta là 8 triệu tấn/năm, vì vậy, nếu đi vào hoạt động với công suất 2 triệu tấn/năm, nhà máy này cũng mới chỉ đáp ứng một phần (khoảng 25%) nhu cầu thép loại này. Tuy nhiên, để dự án đi vào sản xuất là chuyện không đơn giản.

Trước đó, dự án thép tấm cuộn cán nóng này đã được Tập đoàn thép ESSAR (ấn Độ) ký thỏa thuận liên doanh với VNSteel và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam vào tháng 2/2007. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu trong 2 năm qua đã khiến cho ESSAR phải rút lui và VNSteel đã mua lại 65% cổ phần của ESSAR tại dự án này.

Còn ở thời điểm hiện nay, VNSteel đã hoàn tất việc chuyển nhượng 19,5% cổ phần của mình trong dự án này cho Industrielle Beteilingungs SA, một thành viên của Tập đoàn Danieli. Sự có mặt của Tập đoàn Danieli tại dự án thép tấm cuộn cán nóng cũng được xem là bất ngờ, bởi tuy là nhà cung cấp thiết bị lớn cho ngành thép thế giới cũng như Việt Nam, nhưng với cổ phần vừa mua lại của VNSteel, Danieli lần đầu tiên bước vào ngành thép với vai trò là nhà đầu tư.

Khi được hỏi: "Danieli có e ngại không khi đến thời điểm này mới đầu tư vào ngành thép Việt Nam, nơi đang có rất nhiều dự án thép lớn được các nhà đầu tư quan tâm?", ông Antonello Mordeglia, Phó chủ tịch Tập đoàn Danieli trả lời: "Tôi không có gì e ngại, vì đây là dự án đầu tiên tại Việt Nam sản xuất thép cuộn cán nóng. Đó là chưa kể những dấu hiệu phục hồi của ngành thép trên thị trường thế giới đang ngày càng rõ rệt qua các đơn hàng chế tạo thiết bị mà Danieli nhận được".

Còn ông Đậu Văn Hùng, Tổng giám đốc VNSteel cũng rất kỳ vọng vào sự có mặt của Danieli khi ngoài những kinh nghiệm và hiểu biết về thiết bị ngành thép, đối tác này còn cam kết hỗ trợ cho Dự án vay khoảng 300 triệu USD từ các ngân hàng châu Âu, với lãi suất hợp lý, thời gian ân hạn tốt. "Nếu mọi việc tiến triển suôn sẻ, dự kiến vào cuối năm nay, nhà máy sẽ được khởi công xây dựng và hoàn thành vào năm 2013", ông Hùng nói.

Không chỉ có dự án thép tấm cán nóng tìm được nhà đầu tư mới với nhiều triển vọng, VNSteel cũng đang kỳ vọng vào dự án thép liên hợp, ra đời trên cơ sở hợp tác với Tập đoàn TATA của ấn Độ.

Vẫn theo ông Hùng, ngay trong tháng 3 này, các quan chức cao cấp nhất của Tập đoàn TATA sẽ có buổi làm việc với lãnh đạo Chính phủ Việt Nam để trình bày kế hoạch triển khai dự án thép liên hợp đặt tại Hà Tĩnh mà họ đã theo đuổi nhiều năm nay. Trước đó, vào tháng 5/2007, VNSteel và TATA Steel đã có biên bản ghi nhớ về hợp tác xây dựng Dự án nhà máy thép liên hợp quy mô 4,5-5 triệu tấn thép/năm, với vốn đầu tư vào khoảng 4 tỷ USD tại tỉnh Hà Tĩnh. Tuy nhiên, do nhiều lý do, dự án này tới nay vẫn chưa có nhiều tiến triển.

Một dự án thép khác cũng đang có những động thái mới trong triển khai là Dự án nhà máy thép Dung Quất của Tập đoàn E United (Đài Loan). Theo công bố của Tạp chí Steel Business Briefing có trụ sở tại London (Anh), việc xây dựng lò cao của nhà máy này có thể sẽ được bắt đầu khởi công trong quý II/2010. Việc xây dựng nhà máy thép Dung Quất sẽ được hoàn thiện trong 3 năm, với công suất lò cao giai đoạn 1 là 3,5 triệu tấn/năm. Tức là khoảng 2,5 triệu tấn cuộn cán nóng cùng với 1 triệu tấn phôi sẽ ra lò ở đây hàng năm. Dự án này cũng từng thu hút được sự chú ý của dư luận khi trở thành dự án có quy mô đạt con số tỷ USD đầu tiên trong ngành thép được cấp phép đầu tư vào năm 2006. Tuy nhiên, dự án cũng đã nhiều lần chuyển đổi chủ đầu tư, phải dừng lại trong 2 năm vừa qua do khủng hoảng kinh tế và thay đổi hồ sơ liên quan.

Việc tái khởi động lại các dự án thép lớn đã từng "giậm chân tại chỗ" 2 năm qua hay mới đây việc Tập đoàn Kobeseiko (Nhật Bản) muốn đầu tư dự án sản xuất phôi thép có trị giá lên tới 1 tỷ USD tại Nghệ An, trong điều kiện thị trường thép thế giới đang nóng lên cũng chứng tỏ, các nhà đầu tư nước ngoài không thờ ơ với việc sản xuất thép tại Việt Nam.

baodautu

ĐỌC THÊM