Người Mỹ sẽ phải kiên trì trong nhiều năm để ngành tài chính lấy lại sức lực và nền kinh tế từ từ leo lên khỏi hố sâu. Quan điểm của Kenneth Rogoff, Giáo sư Kinh tế học và Chính sách công tại Đại học Harvard, từng là nhà kinh tế trưởng tại IMF.
Khi nền kinh tế Mỹ uể oải bước đến mốc hai năm ngày Lehman Brothers phá sản, tăng trưởng thiếu sức sống vẫn đang khiến tỷ lệ thất nghiệp "sa lầy" ở mức gần 10%, và chắc chắn sẽ không thể cải thiện được bao nhiêu trong một sớm một chiều. Không bất ngờ khi trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ diễn ra vào tháng 10, người dân Mỹ bức xúc lật lại vấn đề, tại sao chính sách kích thích "siêu quyết liệt" của Chính phủ lại không làm xoay chuyển được tình hình. Nước Mỹ, nếu có thể, cần phải làm gì tiếp theo đây? Câu trả lời "thật" nhất - nhưng chắc cũng không cử tri Mỹ nào muốn nghe - là sẽ không có phép màu nhiệm nào cho nước Mỹ ở thời điểm hiện tại. Phải mất hơn một thập kỷ người ta mới đào được "cái hố" như ngày nay, và vì thế, leo ra khỏi đó sẽ cũng phải tốn không ít thời gian và công sức. Như Carmen Reinhart và tôi đã cảnh báo trong cuốn sách chung năm 2009 về lịch sử 800 năm các cuộc khủng hoảng tài chính (với tựa đề châm biếm "This Time is Different" (tạm dịch là Lần này thì khác), phục hồi chậm chạp và kéo dài, với tỷ lệ thất nghiệp luôn duy trì ở mức cao là "chuẩn tắc" sau mỗi cuộc khủng hoảng tài chính sâu. Vậy tại sao lại khó mau chóng vực dậy tình trạng việc làm sau khủng hoảng tài chính đến thế? Dĩ nhiên, một nguyên nhân là hệ thống tài chính vẫn thường phải cần thời gian để hồi phục - và việc tín dụng bắt đầu lưu thông thanh thoát lại cũng phải vậy. Cứ ào ạt đổ tiền của của người đóng thuế vào "con thiêu thân" kếch xù tài chính sẽ không giải quyết được căn nguyên vấn đề đang làm "rách nát" một xã hội nợ nần chồng chất. Người Mỹ vay mượn và mua sắm cho tới khi không thể vay mượn được nữa, vì nghĩ rằng thị trường giá nhà đất không ngừng tăng sẽ xóa đi tất cả những sai sót của hệ thống tài chính. Hơn thế nữa, phần còn lại của thế giới cũng liên tục đổ tiền vào Mỹ, khiến cho cuộc sống nơi đây trở nên giống như một "bữa trưa miễn phí" lớn. Ngay cả hiện tại, nhiều người Mỹ vẫn tin tưởng, giải pháp đơn giản cho vấn đề quốc gia này chỉ là cắt giảm thuế và tăng tiêu dùng tư nhân. Giảm thuế chắc chắn không phải là giải pháp tồi về nguyên tắc, đặc biệt nếu kể tới tác dụng hỗ trợ đầu tư và tăng trưởng dài hạn. Nhưng thuế thấp cũng có những trở ngại của riêng nó. Trước tiên, tổng nợ công (bao gồm cả nợ nhà nước và nợ địa phương) đã gần bằng mức đỉnh điểm 119% GDP sau chiến tranh thế giới thứ hai. Một số người quyết liệt tranh luận, bây giờ không phải lúc để lo lắng về vấn đề nợ trong tương lai; tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, dù đánh giá rủi ro trung hạn ra sao, nước Mỹ vẫn không được phép gạch đi những quan ngại như vậy. Vấn đề thứ hai liên quan tới cắt giảm thuế là nó có thể sẽ chỉ tác động hạn chế lên cầu trong ngắn hạn, do việc lĩnh vực tư chiếm phần lớn quỹ giúp khắc phục tình trạng nợ đọng cao trên các bảng cân đối kế toán. Chưa hết, cũng cần phải nhắc tới vấn đề công bình ở đây nữa. Theo một số thống kê, gần một nửa người Mỹ đã không đóng một đồng thuế thu nhập nào nữa, vì thế, cắt giảm thuế chỉ càng bóp méo thêm phân phối thu nhập vốn đã rất không bình đẳng. Trì hoãn điều chỉnh lại bình đẳng thu nhập là một trong nhiều mất cân bằng hình thành ở nền kinh tế Mỹ trong giai đoạn bùng nổ trước khủng hoảng. Nếu cứ để bất bình đẳng thu nhập gia tăng, hậu quả chính trị có thể sẽ rất nghiêm trọng, như dẫn tới ý định bảo hộ thương mại và thậm chí là cả bất ổn xã hội. Những người cho rằng chính phủ nên thắt chặt chi tiêu tư chỉ ra, có quá nhiều các dự án thúc đẩy tăng trưởng dù rằng cơ sở hạ tầng xuống cấp của Mỹ đang xuống cấp từng ngày. Tương tự, việc chuyển giao cho chính quyền nhà nước và địa phương, nơi theo quy định của hiến pháp, bị hạn chế đi vay, sẽ giúp hạn chế quá trình sa thải giáo viên, lính cứu hỏa, và cảnh sát. Cuối cùng, chính phủ cũng nên mở rộng bảo hiểm thất nghiệp sau cuộc khủng hoảng tai hại nhất trong nửa thế kỷ qua. Nhưng rủi thay, phương pháp quản lý cầu kiểu Keynes cũng không phải là phương thuốc chữa bách bệnh. Chính phủ không phải lúc nào cũng là người sử dụng lao động cuối cùng. Trong khi cắt thuế củng cố năng suất dài hạn, việc mở rộng lĩnh vực công khó có thể được coi là đơn thuốc nhằm khôi phục lại sức sống của nền kinh tế. Chính phủ hoàn toàn có thể lựa chọn tiến hành các hoạt động hữu ích hơn nhiều trong nền kinh tế thị trường, nhưng cứ say sưa chi tiêu kích cầu sẽ không dẫn tới một kết cục như ý. Dĩ nhiên sẽ lại nảy sinh vấn đề tăng nợ quốc gia. Nhìn chung, chính sách của G-20 nhằm ổn định dần tăng trưởng nợ công, đưa nó trở lại phù hợp với tăng trưởng kinh tế quốc gia vào năm 2016, dường như là cách tiếp cận hợp lý nhằm cân bằng kích thích ngắn hại với những rủi ro tài chính dài hạn, ngay cả với cái giá là thất nghiệp kéo dài. Trong khi Mỹ đang vấp phải những khó khăn với chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ hoàn toàn có thể hiệu quả hơn, như Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Fed, nêu rõ trong bài diễn văn mới đây tại Jackson Hole, Wyoming. Với thị trường tín dụng trục trặc, Fed có thể mua thêm trái phiếu chính phủ hay nợ tư. Bernanke cũng lưu ý khả năng tạm thời nâng mục tiêu lạm phát trung hạn. Xét tới vấn để trả nợ công và nợ tư trước mắt, và năng lực của hệ thống chính trị và pháp luật Mỹ trong việc tạo điều kiện ổn định vĩ mô, theo tôi, hai hay ba năm lạm phát nhẹ, có lẽ là lựa chọn tốt nhất trong nhiều lựa chọn, và còn tốt hơn nhiều so với giảm phát. Kết luận, người Mỹ sẽ phải kiên trì trong nhiều năm để ngành tài chính lấy lại sức lực và nền kinh tế từ từ leo lên khỏi hố sâu. Chính phủ chắc chắn có thể góp sức, nhưng hãy thận trọng khi lắng nghe ai đó kêu gọi khắc phục những khiếm khuyết một cách nóng vội.
Nguồn: vinacorp