Thời gian vừa qua, Tổng cục Hải quan liên tục đưa ra cảnh báo và chỉ đạo các cục hải quan địa phương tăng cường công tác quản lý đối với việc khai báo các loại thuế nhập khẩu bổ sung (thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ đối với hàng hóa nhập khẩu).
Cán bộ hải quan kiểm tra quy cách thép nhập khẩu.
Để rõ hơn về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu - Tổng cục Hải quan đã có cuộc trao đổi với phóng viên TBTCVN.
PV: Xin ông cho biết, việc thực hiện áp dụng thuế nhập khẩu bổ sung được cơ quan hải quan căn cứ theo văn bản quy phạm pháp luật nào, thời gian qua việc thu thuế bổ sung này được tiến hành ra sao?
- Ông Nguyễn Ngọc Hưng: Trong bối cảnh tự do thương mại được mở rộng, hàng rào thuế quan được gỡ bỏ, các biện pháp áp thuế để chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa sẽ được cơ quan hải quan áp dụng để bảo vệ sản xuất trong nước, gồm: Thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ (gọi tắt là thuế nhập khẩu bổ sung).
Các loại thuế nhập khẩu bổ sung được quy định tại Pháp lệnh về chống bán phá giá, Pháp lệnh về chống trợ cấp, Pháp lệnh về tự vệ và Luật thuế Xuất khẩu, nhập khẩu (XNK). Theo đó, Bộ Công thương có thẩm quyền ban hành quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và biện pháp tự vệ đối với hàng hóa nhập khẩu.
Hiện nay, Việt Nam đang áp dụng thuế tự vệ đối với các mặt hàng thép nhập khẩu, dầu thực vật và bột ngọt; áp dụng thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu, mặt hàng thép mạ.
Trên cơ sở ý kiến của Bộ Công thương, Bộ Tài chính đã có hướng dẫn về thời điểm tính thuế, thời hạn nộp thuế, miễn thuế, hoàn thuế....
PV: Thời gian qua, dư luận cho rằng mặt hàng thép có dấu hiệu gian lận thuế nhập khẩu bổ sung, vậy vấn đề này ra sao thưa ông?
- Ông Nguyễn Ngọc Hưng: Trên thực tế thống kê cơ quan hải quan cũng cho thấy, có biểu hiện doanh nghiệp (DN) lẩn tránh thuế tự vệ đối với mặt hàng thép nhập khẩu bằng cách khai không đúng mã số hàng hóa. Có hiện tượng tăng nhập khẩu của các mặt hàng thép không chịu thuế tự vệ và giảm nhập khẩu đối với thép chịu thuế tự vệ; có sự chuyển dịch mã số từ mặt hàng này sang mặt hàng khác để lẩn tránh thuế tự vệ.
Có hiện tượng trên, một phần là do chủng loại thép không hợp kim dạng cuộn (thuộc mã số 7213.91.90) có thành phần hóa học và cơ tính có thể đáp ứng để sử dụng như thép cuộn nhập khẩu dùng làm thép cốt bê tông (thuộc mã số 7213.91.20). Do đó, một số DN đã lợi dụng nhập khẩu thép về sử dụng làm thép cốt bê tông nhưng khai báo là thép làm cơ khí chế tạo (thuộc mã số 7213.91.90) để lẩn tránh thuế tự vệ.
PV: Ông có thể cho biết, ngành Hải quan sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp gì để phòng chống gian lận đối với thuế nhập khẩu bổ sung?
- Ông Nguyễn Ngọc Hưng: Để xử lý hiện tượng này, trong tháng 3/2017, Tổng cục Hải quan đã có văn bản chỉ đạo các cục hải quan tỉnh, thành phố tăng cường công tác kiểm tra đối với mặt hàng thép; thực hiện nghiêm các quyết định phân luồng của hệ thống quản lý rủi ro và gửi mẫu phân tích, giám định đúng quy định để xác định đúng bản chất, chủng loại thép.
Trong lĩnh vực, trọng trách được giao, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục có chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát; thường xuyên có những cảnh báo về dấu hiệu gian lận.
Cơ quan hải quan kiểm tra chặt chẽ hồ sơ, giấy chứng nhận xuất xứ, giấy chứng nhận chất lượng, mã số HS và các giấy tờ khác do nhà sản xuất phát hành đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ để xác định nước, xuất xứ, tên của nhà sản xuất, xuất khẩu. Đồng thời, lực lượng hải quan theo dõi kiểm tra tuyến đường vận chuyển, người xuất khẩu lô hàng, tránh việc gian lận thông qua hình thức chuyển tải, chuyển chủ sở hữu để trốn thuế nhập khẩu bổ sung.
Trong quá trình thực hiện, trường hợp có nghi vấn, cục hải quan tỉnh, thành phố xác minh, làm rõ để có cơ sở xử lý; trường hợp có vướng mắc, kịp thời đề xuất hướng xử lý về Tổng cục Hải quan để được hướng dẫn xử lý.
Trường hợp DN khai hải quan cho rằng, sản phẩm nhập khẩu có mã số HS (mã số hàng hóa) không thuộc phạm vi hàng hóa áp dụng áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ, các cục hải quan tỉnh, thành phố hướng dẫn người khai hải quan liên hệ với Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương để được làm rõ.
PV: Xin cảm ơn ông!
Để ngăn chặn gian lận, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính cũng đã có các cuộc làm việc với đơn vị chức năng của Bộ Công thương, kiến nghị nghiên cứu, xem xét bổ sung một số mặt hàng đang có hiện tượng lẩn tránh thuế tự vệ vào Danh mục các mặt hàng chịu thuế tự vệ.
Nguồn tin: Tài chính