Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tăng cường kết nối doanh nghiệp FDI

 Theo ông Trần Quang Hà, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), năng lực và khả năng cung ứng của doanh nghiệp (DN) công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam còn hạn chế.

Sản xuất sản phẩm cơ khí chính xác tại Công ty TNHH Saigon Precision (100% vốn của Nhật Bản, thuộc Tập đoàn Misumi)
, trụ sở tại Khu chế xuất Linh Trung 1, TPHCM

Mức độ tham gia vào chuỗi cung ứng của các DN FDI và chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn còn rất nhỏ giọt. Phần lớn các DN trong nước chỉ là các DN cấp 3, cấp 4; một số ít trở thành nhà cung ứng cấp 1, cấp 2. Sản phẩm chủ yếu là linh kiện, chi tiết đơn giản, có hàm lượng công nghệ và giá trị thấp.

Điển hình đối với CNHT ngành điện tử, năm 2017, Việt Nam xếp thứ 12 thế giới và thứ 3 ASEAN về xuất khẩu điện tử với kim ngạch đạt khoảng 75 tỷ USD. Tuy nhiên, 95% kim ngạch xuất khẩu điện tử đến từ khu vực FDI. Các nhà cung ứng cấp 1 cho ngành cũng phần lớn là DN FDI; các DN trong nước đa phần tham gia vào cấp 2, 3 số lượng không nhiều, chủ yếu là linh kiện cơ khí, nhựa, cao su có giá trị thấp và một số linh kiện vật tư khác (bao bì, khuôn, đồ gá).

Nhằm hỗ trợ các DN CNHT trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, ông Hà cho biết, hiện nay, Bộ Công thương đang triển khai thực hiện các đề án thuộc Chương trình phát triển CNHT năm 2018, trong đó có các nội dung nhằm tăng cường kết nối giữa DN CNHT trong nước với các DN FDI và các tập đoàn đa quốc gia. Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng đang đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế trong các chương trình, dự án nhằm nâng cao năng lực DN CNHT trong nước, đáp ứng yêu cầu và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cụ thể, Bộ Công thương hợp tác với Samsung trong việc phát triển nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng cho Samsung và triển khai chương trình hợp tác đào tạo 200 chuyên gia tư vấn Việt Nam trong lĩnh vực cải tiến sản xuất và chất lượng. Qua đó, tạo tính lan tỏa nâng cao năng lực của các DN CNHT trong nước, để có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia. Đồng thời, hợp tác với Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc đào tạo cán bộ xây dựng chính sách và cán bộ kỹ thuật trong lĩnh vực CNHT.

Bộ Công thương cũng hợp tác với Ngân hàng Thế giới triển khai thực hiện chương trình thí điểm phát triển nhà cung cấp của Việt Nam với mục tiêu nâng cao năng lực của các DN Việt Nam, để có thể đáp ứng yêu cầu và tham gia vào chuỗi cung ứng của các DN FDI. Theo đó, tham gia chương trình có 45 DN CNHT Việt Nam và 8 DN FDI là các tập đoàn đang hoạt động sản xuất tại Việt Nam gồm: Bosch, Canon, Datalogic, Denso, Ford, General Electronic, Panasonic, Toyota.

Theo ông Lê Dương Quang, Chủ tịch Hiệp hội CNHT Việt Nam, muốn hợp tác thành công và tham gia vào chuỗi cung ứng của các DN FDI, DN cần phải hiểu rõ nhu cầu của đối tác tiềm năng, từ đó xác định xem mình có thể làm được gì. Việc nắm bắt thông tin về đối tác có thể qua nhiều nguồn (website, báo cáo tài chính, quảng cáo, các hội chợ - triển lãm, xu hướng của thế giới trong mỗi ngành, thông tin từ các hiệp hội, các DN khác…). DN cũng cần chuẩn bị kỹ để giới thiệu sản phẩm mình có thể cung cấp, như năng lực sản xuất, công nghệ - thiết bị, các tiêu chuẩn mà DN đạt được, trình độ nhân lực, sản phẩm mẫu hoặc sản phẩm tương tự đã sản xuất, các khách hàng đã có…

Nguồn tin: Sài gòn giải phóng

ĐỌC THÊM