Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), giá điện tăng khoảng 15% từ đầu tháng 3 tới sẽ giúp loại bỏ dần các doanh nghiệp sản xuất công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online sáng nay 23-4, ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó chủ tịch VSA cho rằng, tình trung bình tại các nhà máy thép có công nghệ hiện đại, từ khâu sản xuất phôi ra đến thép thành phẩm, tổng mức tiêu hao năng lượng ước khoảng 700 kWh/tấn.
Với giá thành hiện nay khoảng 16 triệu đồng/tấn thì chi phí điện chiếm từ 5-6% trong giá thành. Nói chung, tăng giá điện sẽ ảnh hưởng đến giá thành, nhưng không phải là lớn lắm, đặc biệc đối với doanh nghiệp áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại, tiên tiến thì ít tiêu hao năng lượng.
Tuy nhiên, theo ông Nghi, mối lo ngại nhất của ngành thép hiện nay chính là ngày càng xuất hiện nhiều doanh nghiệp sản xuất qui mô nhỏ, làng nghề làm thép, sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn rất nhiều điện.
Ông Nghi kể gần đây có lần đến tham quan Làng sắt Đa Hội ở thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, chứng kiến cảnh hàng ngàn hộ làm thép, hầu như cả làng đều làm thép. Bình quân ở đây sản xuất một tấn phôi thôi phải mất đến 800 kWh điện vì chủ yếu là lò trung tần mua từ Trung Quốc, có lò ra một mẻ chỉ 0,5 tấn, chẳng cần lọc bụi hay phân tích chất lượng gì cả, chủ yếu làm ra thép giá rẻ.
“Một lần đến tham quan ở làng sắt Đa Hội, ông chủ tịch xã ở đây bảo với tôi là mỗi năm cả làng “xuất” ra khỏi xã khoảng 200 ngàn tấn thép, gần bằng công suất một nhà máy có công suất qui mô lớn”, ông Nghi cho hay.
Theo ông Nghi, việc tăng giá điện sẽ làm đội giá thành thép có công nghệ lạc hậu, do vậy ít nhiều sẽ giúp loại bỏ dần các doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ lạc hậu, không phải là thành viên của hiệp hội thép.
“Đặc biệt theo lộ trình đến năm 2015, khi thuế nhập khẩu thép từ Trung Quốc và các nước vào Việt Nam còn 0%, nếu doanh nghiệp trong nước vẫn còn sử dụng công nghệ lạc hậu, bán với giá thành cao thì chắc chắn sẽ tự tiêu diệt, đóng cửa”, ông Nghi nhận định.
Nguồn: TBKTSG Online