Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tăng giá thép nhưng sẽ không ‘gây sốc’ cho thị trường

Ngành thép là một trong những ngành có ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành kinh tế. Vì vậy, thép vẫn được đưa vào diện Nhà nước quản lý về giá nhằm bình ổn thị trường. Nhưng diễn biến thị trường lại có một lối đi riêng không theo lý trí của các nhà quản lý.



Ông Nguyễn Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam.
 

Năm 2011 cả xã hội như lên cơn “ tăng xông” về giá. Để đối phó với tình hình này, Nhà nước đã đưa ra hàng loạt các chính sách như điều chỉnh tỷ giá, thắt chặt tiền tệ… Hệ lụy của việc này là hàng loạt các mặt hàng liên quan đến nhập khẩu đều tăng giá, kéo theo nhiều ngành hàng khác. Đặc biệt, các mặt chiến lược ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế như xăng dầu, điện… đều tăng giá. Tất cả những điều này đã tác động rất lớn đến ngành thép. Trao đổi về vấn đề này với Nhà báo & công luận, Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam Nguyễn Chí Cường cho biết:

Trong tình hình lạm phát tăng cao, để tránh gây sức ép thêm cho nền kinh tế, ngành thép đã cố gắng kìm hãm để không tăng giá. Nếu có tăng thì cũng chỉ tăng không đáng kể để bù đắp các chi phí thâm hụt. Nhưng thị trường chung đang biến động từng ngày nếu không tăng giá thì doanh nghiệp ngành thép không thể chịu đựng được. Từ đầu năm đến nay, thép đã hai lần tăng giá, mỗi lần tăng từ 500 nghìn đồng/ tấn. Tại thời điểm này, giá thép đã tăng gần 2 triệu đồng/ tấn so với năm 2010. Giá trong tết là 16,5 triệu đồng tấn và hiện nay từ 18,2 – 18,3 triệu đồng/ tấn. Giá bán trên thị trường khoảng 19 triệu đồng/ tấn.

Những nguyên nhân chính tác động đến việc tăng giá của ngành thép là gì, thưa ông?

Hiện nay, giá bán quặng sắt và than cốc trên thị trường thế giới đã tăng cao. Các nước Úc, Brazil chiếm đến 70% thị phần thế giới. Họ gần như độc quyền và mỗi năm đều tăng giá từ 30 – 40%. Than cốc cũng được cung cấp từ Trung Quốc và các nước này, vừa rồi đã tăng đến 70%. Mỗi lần tăng đều làm rung chuyển thế giới vì ảnh hưởng đến giá cả các mặt hàng khác, trong đó có phôi thép.


Ngành thép không nhập khẩu quặng và than cốc nhưng phải nhập khẩu đến 40% phôi thép cho nhu cầu sản xuất trong nước. 60% số phôi tự sản xuất được lại phụ thuộc vào thép phế nhập khẩu đến 70%. Hai loại này đã tăng giá từ cuối năm 2010.


Do việc thắt chặt tiền tệ nên USD khan hiếm mà ngành thép không thuộc diện được ưu tiên mua USD. Để nhập khẩu nguyên liệu, buộc phải mua USD chênh lệch hơn 1.000 đồng so với tỷ giá niêm yết. Do tỷ giá chênh lệch như vậy, mỗi tấn phôi nhập khẩu doanh nghiệp phải trả thêm hơn 1 triệu đồng. Cộng thêm vào đó là phần lãi vay tiền VND từ 16 – 18%/năm khiến ngành thép phải gánh thêm gánh nặng trong năm nay.


Việc tăng giá xăng lên hơn 2 nghìn đồng/ lít cũng khiến cho một tấn thép phải cõng thêm hơn 100.000 đồng. Mỗi tấn thép tiêu hao khoảng 50 lít xăng.


Giá điện tăng từ 1/3/2011 ảnh hưởng không nhiều đến giá thép vì trong cơ cấu giá thành điện chỉ chiếm khoảng 6%. Nhưng ảnh hưởng lớn nhất là việc thiếu điện do điều tiết giảm của ngành điện. Việc này có thể làm gián đoạn sản xuất, gây thiệt hại cho doanh nghiệp sản xuất thép.


Tất cả những yếu tố này khiến việc thép tăng giá là điều tất yếu.


Dẫu sao thì thép vẫn là mặt hàng chịu sự quản lý về giá của Nhà nước. Các cơ quan chức năng không có ý kiến gì sao? Hiệp hội thép có vai trò gì không trong vấn đề giá thép hay để mặc các thành viên của mình tự xoay sở?


Trước diễn biến giá nguyên liệu đầu vào tăng cao như vậy, ngành thép được nới lỏng hơn về giá. Việc can thiệp về hành chính phải thuận theo xu hướng của thị trường. Hiện nay, trong cả nước có 32 doanh nghiệp thép. Bản thân họ đã phải cạnh tranh khốc liệt với nhau. Nếu tăng giá cao quá sẽ khó bán vì lúc đó thép Trung Quốc và các nước khác sẽ tràn vào. Hiệp hội cũng không thể can thiệp vào vấn đề này mặc dù hàng tháng các doanh nghiệp thành viên vẫn thông báo giá bán về cho Hiệp hội. Chỉ khi nào có vấn đề bất thường Hiệp hội mới can thiệp. Trong tình hình này, Hiệp hội hỗ trợ doanh nghiệp bằng định hướng đầu tư; áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến của thế giới, hạn chế tiêu hao năng lượng để cạnh tranh; Bảo vệ môi trường… Việc này đã và tiếp tục được Hiệp hội làm.


Giá cả tăng như vậy thì tình hình tiêu thụ thép có giảm không?


Thông thường, những ngày gần tết thép tiêu thụ chậm. Nhưng năm nay vẫn tiêu thụ ở mức trung bình cao vì nhiều doanh nghiệp tiêu thụ thép nhận định giá sẽ tiếp tục tăng nên đã mua trước để đón đầu. Sau tết, nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục mua vào nhưng chủ yếu là ở các công ty thương mại chưa ra thị trường nhiều.


Hiện nay, Thép Việt nam đã xuất khẩu sang các nước Mỹ, thị trường EURO, Trung Đông, Lào Cam pu chia…kim ngạch năm 2010 là 1,3 triệu tấn bằng 1,3 tỷ USD.


Ông có thể đưa ra dự báo với thị trường thép trong năm nay không?


Rất khó dự đoán vì thị trường thay đổi nhanh quá. Nguyên liệu cho ngành thép lại phụ thuộc nhiều vào thế giới. Gần đây, những biến động về chính trị, thay đổi khí hậu của thế giới tác động lớn đến ngành thép Việt Nam. Dần dần, chúng ta sẽ phải chấp nhận đi theo thị trường chung, chấp nhận những biến động về giá mới. Quan điểm của chúng tôi là cố gắng không “gây sốc” cho thị trường nhưng chúng ta không thể đi bên lề của quy luật.


Cảm ơn ông!

 

Nguồn: Công Luận

 


 

ĐỌC THÊM