Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tăng giải pháp để thúc đẩy hội nhập kinh tế

 Ngày 21/12, Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội đã nghe Chính phủ báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết 1052/NQ-UBTVQH13 ngày 24/10/2015 về một số định hướng, nhiệm vụ và giải pháp thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và thảo luận nội dung này.

10 tồn tại, vướng mắc

Đánh giá của Chính phủ về một năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 1052 cho thấy: Qua thực hiện Nghị quyết, công tác hội nhập kinh tế quốc tế đã được đẩy mạnh trên nhiều lĩnh vực, bao gồm: Thông tin tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; cải cách thể chế, luật pháp phù hợp với các quy định và thông lệ quốc tế; nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm… Trong quá trình này, vai trò điều phối công tác hội nhập của Chính phủ (thông qua Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế và Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế) đã giúp tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, Chính phủ cũng chỉ ra 10 tồn tại, vướng mắc. Trong đó nhấn mạnh đến việc hội nhập kinh tế quốc tế đã góp phần làm bộc lộ những yếu kém cơ bản của nền kinh tế. Hiệu quả đầu tư chưa được cao như mong muốn. Còn có những dự án đầu tư hàm chứa tiêu cực về môi trường, sinh thái... Tăng trưởng thời gian qua phần nhiều dựa vào các yếu tố như tín dụng, lao động rẻ, thiếu sự đóng góp đáng kể của việc gia tăng năng suất lao động hay hàm lượng tri thức, công nghệ. Đây là nhóm vấn đề cần được tiếp tục xử lý trong dài hạn. Cùng với đó, đã xuất hiện các điểm “cổ chai” về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực... gây cản trở cho quá trình phát triển.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh: Cần rà soát, cụ thể hóa bằng các biện pháp mạnh hơn và trường hợp cần thiết đề xuất sửa đổi, bổ sung Quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011 - 2020 trong bối cảnh tác động mạnh của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 đòi hỏi tăng cường nguồn nhân lực có chất lượng trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Ban hành quy định chính thức về bộ chỉ số hội nhập kinh tế phù hợp với chuẩn mực quốc tế và thực tiễn của Việt Nam trong năm 2016. Đẩy mạnh quá trình chuyển dịch lao động sang các ngành kinh tế có giá trị gia tăng cao ngay từ năm nay...

Cần chủ động hơn trong tham gia “cuộc chơi”

Đánh giá cao vai trò của nguồn nhân lực tới quá trình hội nhập, là "chìa khóa" để hội nhập thành công, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cũng băn khoăn khi nhóm nhiệm vụ về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được đánh giá chưa nhiều, trong kiến nghị của Chính phủ cũng vắng bóng nội dung này... Để tiếp tục thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị quan tâm hơn nữa tới việc chỉ đạo chính quyền địa phương tham gia tích cực vào việc triển khai Nghị quyết 1052 như công tác tuyên truyền, phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ DN, quy hoạch phát triển các vùng nguyên liệu…

Phát biểu tại Phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng: Trong hội nhập kinh tế quốc tế có các khâu về đàm phán hiệp định, đề xuất sáng kiến. Chính phủ và Ban Chỉ đạo liên ngành đánh giá tính tích cực và chủ động trong thực hiện có mức độ, tới đây cần cố gắng hơn, lựa chọn xem mình tham gia “cuộc chơi” nào, một cách chủ động hơn.

Trả lời câu hỏi của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ về việc Chính phủ dự báo, đánh giá thế nào về Hiệp định TPP, Phó Thủ tướng cho biết: Cho đến giờ khó có thể nói tương lai TPP thế nào. Nhưng dù có hay không có TPP, Chính phủ cũng đang rà soát lại để hoàn thiện hệ thống pháp luật trong vòng 3 - 5 năm tới, vì Hiệp định chúng ta ký với EU có nhiều tiêu chuẩn cũng tương đồng với TPP.

“Có nhiều ý kiến nói chúng ta đàm phán hội nhập quốc tế khá thành công, nhưng hội nhập trong nước chưa tương thích, tâm thế chuẩn bị hội nhập còn hạn chế. Nên cơ hội chưa khai thác hết, thách thức không vượt qua được, có khi thua ngay trên sân nhà, nên Chính phủ cần nỗ lực hơn để giải quyết vấn đề này”.

Nguồn tin: KT&ĐT

ĐỌC THÊM