Việc gia tăng 51,5% sản lượng thép trong 7 tháng đầu năm so với cùng kỳ 2014, tương đương 610.000 tấn thép có phải là đột biến?
Theo công bố của Hiệp hội Thép Việt Nam vào giữa tháng 8/2015, trong 7 tháng vừa qua, các doanh nghiệp (DN) đã sản xuất khoảng 610 nghìn tấn thép, tăng gần 51,5% so cùng kỳ năm trước.
Thép giá rẻ từ Trung Quốc, Nga... ồ ạt vào Việt Nam, khiến DN thép nội địa lao đao. Vậy tại sao các DN thép Việt Nam lại gia tăng sản xuất?
Chia sẻ điều này, ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thép Việt, đơn vị đang chiếm 14,3% thị phần thép xây dựng cả nước, cho hay, dù đối mặt với thép nhập khẩu giá rẻ, nhưng 7 tháng đầu năm, tình hình tiêu thụ thép tăng khoảng 20% so với cùng kỳ 2014.
Riêng sản lượng sản xuất của các nhà máy thép tăng hơn 50%, điều này không có gì bất hợp lý. "Việc các nhà máy thép gia tăng sản xuất phụ thuộc nhiều vào kế hoạch riêng. Có thể DN nhận thấy nguyên liệu thép đang rẻ nên gia tăng sản xuất để dự trữ", ông Thái nói.
Tuy nhiên, theo ông Thái, điều đáng lo ngại cho các DN thép Việt Nam hiện nay là vấn đề gian lận thương mại thép nhập khẩu từ Trung Quốc.
Cụ thể, loại thép Bo chứa hợp kim vi lượng (0,0008% Bo) của Trung Quốc khai gian để nhập khẩu vào Việt Nam hưởng ưu đãi thuế 0% đã diễn ra trong nhiều năm nhưng vẫn chưa có biện pháp giải quyết.
Hiện nay, các loại thép nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm khoảng 60% thép nhập và việc này ảnh hưởng lớn đến cạnh tranh của thép Việt Nam.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, thời gian qua, dù ngành thép phát triển nhanh, song Việt Nam vẫn phụ thuộc phần lớn vào nguyên liệu nhập khẩu.
Để ứng phó với sự cạnh tranh không công bằng từ các loại thép Trung Quốc, ông Sưa cho rằng, DN phải tạo lợi thế về giá nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng sản phẩm.
Đây được xem là vấn đề rất khó đối với các nhà máy sản xuất thép. Vì theo ông Thái, hiện nay, các nhà máy Việt Nam khi nhập khẩu thép phế liệu bị buộc phải thế chấp 20% tổng giá trị lô hàng.
Bình quân một nhà máy nhập khẩu từ 50.000 - 100.000 tấn nguyên liệu thép/tháng, tương đương 13 - 26 triệu USD/tháng phải có 2,6 - 5,2 triệu USD/tháng để thế chấp. Số tiền này không hề nhỏ đối với các DN Việt Nam hiện nay.
"Chúng tôi phải vay ngân hàng và chi phí sản xuất bị đội thêm. Với quy mô lớn, khoản tiền ký quỹ của Thép Việt không quá khó xoay xở, nhưng đối với những nhà máy quy mô nhỏ và tiếp cận vốn ngân hàng khó khăn, họ đã không còn nhập thép phế liệu về cán phôi nữa mà đã chuyển sang nhập phôi giá rẻ của Trung Quốc. Đây mới là vấn đề đáng lưu ý”, ông Thái phân tích.
Các DN cho rằng, quy định thế chấp khi nhập khẩu thép là bất hợp lý, vì hiện nay cả nước chỉ có khoảng 10 nhà máy sản xuất thép nhập khẩu thép phế liệu.
Nếu mục tiêu nhằm hạn chế việc nhập khẩu thép phế liệu không đúng mục đích sản xuất của các nhà máy sản xuất thép thì các cơ quan quản lý nên rà soát quá trình nhập khẩu của các nhà máy này.
Nếu phát hiện có sự gian lận thì nên khoanh vùng từng nhà máy, chứ không nên đánh đồng và áp dụng chính sách thế chấp chung 20% cho tất cả các nhà máy sản xuất thép.
Chừng mực nào đó, chính sách ký quỹ nhập phế liệu đang gián tiếp làm hạn chế sự cạnh tranh của thép Việt Nam và nguy cơ mất cân bằng giữa các khâu sản xuất, từ luyện phôi đến cán thép thành phẩm là rất lớn.
"Thị trường Việt Nam hiện nay đã bước vào cạnh tranh quốc tế, nên việc áp dụng chính sách thế chấp 20% đối với các nhà máy sản xuất thép đang là một rào cản, không chỉ khiến DN bị hạn chế thị phần nội địa mà còn khiến giảm năng lực cạnh tranh ở thị trường các nước", ông Thái lo ngại.
Trước tình hình này, các DN thép Việt Nam cho rằng, Bộ Công Thương, cơ quan hải quan, thuế quan cần phải điều chỉnh nội dung trong Thông tư 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN về quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu; kiểm soát tốt hơn lượng thép vào Việt Nam từ phía Trung Quốc.
Có như vậy, các nhà máy sản xuất thép trong nước mới có điều kiện cạnh tranh công bằng.
Nguồn tin: Doanh nhân