Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tăng sức lan tỏa của vốn FDI

 Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đang tiếp tục trở thành điểm sáng, tạo ra nhiều đóng góp quan trọng cho phát triển sản xuất công nghiệp, xuất khẩu cũng như tăng trưởng chung của cả nền kinh tế. Tuy nhiên, kỳ vọng về sức lan tỏa của dòng vốn này sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp (DN) trong nước có đủ sức mạnh để vươn lên, nắm bắt cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu thì lại chưa như mong muốn. Thực trạng này đòi hỏi cần thêm nhiều quyết tâm nữa của Chính phủ, các DN FDI và quan trọng nhất là của chính các DN Việt Nam.

Liên kết còn yếu

Sau khi đạt mức kỷ lục về giải ngân trong năm 2016 với 15,8 tỷ USD, sáu tháng đầu năm 2017, vốn FDI tiếp tục tăng trưởng ấn tượng với tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 19,22 tỷ USD, tăng 54,8% so cùng kỳ năm 2016; vốn thực hiện ước đạt 7,7 tỷ USD, tăng 6,5% so cùng kỳ năm trước. Như vậy, sau gần 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, chúng ta đã có được hơn 160 tỷ USD vốn FDI, mang lại nguồn lực to lớn cho phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, khu vực kinh tế FDI cũng đang chiếm khoảng 50% giá trị sản xuất công nghiệp, trong đó dầu khí, điện tử, linh kiện điện tử, thiết bị di động, thức ăn gia súc, đồ uống... có tỷ trọng cao hơn nhiều. Khu vực này cũng đóng góp hơn 72% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, trong đó chủ lực là các mặt hàng chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao. GS, TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng: Những con số thống kê trên đây đã thể hiện quy mô vốn FDI vào nước ta ngày càng lớn, đồng thời chất lượng và hiệu quả kinh tế - xã hội của khu vực kinh tế này ngày càng cao hơn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn trăn trở về tác động lan tỏa chưa nhiều của FDI, trong đó mấu chốt là mối liên kết còn tương đối yếu giữa các DN FDI với cộng đồng DN trong nước, nhất là khu vực DN nhỏ và vừa (DNNVV).

Khảo sát tại tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy, sức tăng trưởng công nghiệp ở địa phương trong những năm qua có công rất lớn của hai DN FDI là Toyota Việt Nam và Honda Việt Nam, đóng góp khoảng 80% GDP của tỉnh. Có thể nói, đây là các DN lớn, sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh cuối cùng, do đó tạo cơ sở tốt để phát triển công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, thực tế hai DN này hiện nay vẫn chủ yếu sử dụng thiết bị, phụ tùng nhập khẩu, tỷ lệ nội địa hóa hầu hết các sản phẩm chính không cao; rất ít DN trong nước tham gia được vào chuỗi sản xuất của Toyota Việt Nam và Honda Việt Nam. Cụ thể, theo khảo sát của Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Vĩnh Phúc, Công ty Honda Việt Nam hiện có khoảng 500 nhà cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, nhưng trong đó đã có hơn 400 DN FDI. Riêng trên địa bàn Vĩnh Phúc, mặc dù chỉ có 35 DN cung ứng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc lĩnh vực công nghiệp ô-tô, xe máy, nhưng đã có đến 34 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 830 triệu USD và chỉ một dự án đầu tư trực tiếp trong nước (DDI) duy nhất là Công ty TNHH Cosmos với số vốn đầu tư đăng ký 48 tỷ đồng. Phó Trưởng phòng Kinh tế đối ngoại (Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc) Phan Tiến Dũng cho biết: Mục tiêu thu hút công nghệ cao, công nghệ nguồn và chuyển giao công nghệ thông qua thu hút FDI của Vĩnh Phúc rõ ràng chưa đạt như kỳ vọng, hiệu ứng lan tỏa của khu vực FDI đối với khu vực DN trong nước chưa cao. Nhiều DN FDI khi đầu tư vào Vĩnh Phúc cam kết sau mười năm được cấp phép sẽ nâng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm từ 30 đến 40%, nhưng đến nay hầu hết chỉ đạt 2 đến 10%. Riêng trong ngành công nghiệp ô-tô, mức nội địa hóa không quá 6%.

Đồng Nai cũng là một trong những tỉnh tập trung nhiều DN FDI nhất cả nước với hơn một nghìn dự án FDI đang hoạt động. Những năm qua, sức lan tỏa từ việc thu hút đầu tư nước ngoài đã tạo ra cơ hội lớn cho nhóm DNNVV trong và ngoài tỉnh tham gia cung ứng sản phẩm theo chuỗi sản xuất cho DN FDI. Tuy nhiên, trên thực tế, chưa nhiều DN nắm bắt được cơ hội này. Phó Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai Mai Văn Nhơn thừa nhận: So với yêu cầu của Đồng Nai đề ra, sự liên kết theo chuỗi trong sản xuất giữa DN trong nước gắn với hoạt động của các DN FDI là chưa như mong muốn. Ít DN trong nước được tham gia cung cấp, gắn kết theo chuỗi sản xuất với các DN FDI đang hoạt động tại tỉnh. Theo số liệu thống kê, do công nghiệp hỗ trợ trong nước chưa đáp ứng tốt yêu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài cho nên các DN FDI ở Đồng Nai vẫn phải nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu, máy móc, trang thiết bị... (chiếm hơn 70% tổng giá trị nhập khẩu của địa phương này).

Quyết tâm từ ba phía

Theo Báo cáo đánh giá mới đây của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), chỉ 21% số DN Việt Nam tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Còn theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tỷ lệ sản phẩm được mua từ các nhà chế biến, chế tạo trong nước chỉ chiếm khoảng 27% tổng giá trị đầu vào của DN FDI. Theo đó, mới khoảng 36% số DN Việt Nam tham gia được vào mạng lưới sản xuất để xuất khẩu của khối FDI, rất thấp so với tỷ lệ 60% ở Ma-lai-xi-a hay Thái-lan. Điều này chứng tỏ, DN Việt Nam đang được hưởng lợi rất ít từ hiệu ứng lan tỏa do dòng vốn FDI mang lại qua quá trình chuyển giao công nghệ, chuyển giao kiến thức và nâng cao năng suất. Về nguyên nhân, Phó Trưởng phòng Kinh tế đối ngoại (Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc) Phan Tiến Dũng cho rằng: Nhiều DN nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam đã có hợp đồng kinh tế và tin tưởng vào các đối tác truyền thống, do đó cơ hội dành cho DN Việt Nam là rất ít, thường chỉ tập trung vào những sản phẩm giản đơn, mang tính gia công thấp, như là một hình thức đối phó các quy định yêu cầu khi cam kết đầu tư vào Việt Nam. Mặt khác, phần lớn DN trong nước lại ít vốn, công nghệ sản xuất lạc hậu, chất lượng lao động chưa cao, kinh nghiệm quản lý, quản trị ở mức độ hạn chế,... do vậy, thường phải đứng ở bên lề của “cuộc chơi” cung ứng sản phẩm cho các dự án lớn.

Từ một góc nhìn khác, Phó Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai Mai Văn Nhơn đánh giá: không phải tất cả DN FDI đều không “mặn mà” với việc sử dụng các sản phẩm hỗ trợ của DNNVV trong nước, mà ngược lại họ rất cần bởi khi nhập khẩu các sản phẩm hỗ trợ sẽ phải chịu thuế nhập khẩu, chi phí vận chuyển,... làm tăng giá thành sản xuất. Tuy nhiên, DNNVV trong nước nhìn chung với quy mô sản xuất nhỏ, yếu về tiềm lực tài chính, công nghệ lạc hậu cho nên sản phẩm làm ra không đáp ứng được yêu cầu. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Nguyên Toàn Phát, một DN “đóng quân” tại TP Biên Hòa (Đồng Nai) chia sẻ: Nhu cầu sử dụng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của các DN FDI tại Đồng Nai là rất lớn. Thí dụ như lĩnh vực sản xuất giày dép, đồ nhựa cần rất nhiều các khuôn bằng thép để sản xuất, nhưng DN trong nước vẫn chưa nắm bắt được cơ hội. Hiện tại, Nguyên Toàn Phát mới chỉ dừng lại ở khâu sản xuất ra phôi thép để làm khuôn, còn muốn đúc thành khuôn cần có vốn đầu tư máy sản xuất. Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai Phạm Thế Linh nhận định: Do hạn chế về tài chính cho nên DN trong nước rất khó đổi mới công nghệ sản xuất. Trong khi đó, máy móc để làm ra những sản phẩm đạt chất lượng cao, đủ đáp ứng yêu cầu của DN FDI thường ít được sản xuất trong nước, nhập ở nước ngoài về thì chi phí quá cao, hầu như nằm ngoài “tầm với” của các DN. Bên cạnh đó, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, nguồn lực đầu tư của Nhà nước còn hạn chế,... Vì vậy, rất cần các cơ quan liên quan có những chính sách thông thoáng hơn để các DNNVV tiếp cận được nguồn vốn, nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành công nghiệp hỗ trợ.

Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá, dòng vốn FDI tại Việt Nam chưa tạo được sức lan tỏa lớn đến nền kinh tế, chưa thúc đẩy khu vực DN trong nước phát triển là do thiếu một mối liên kết chặt chẽ giữa hai khu vực. Việc tăng cường mối liên kết giữa hai thành phần quan trọng của nền kinh tế này là rất cần thiết, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của cả nền kinh tế. Bên cạnh đó, tăng cường liên kết sẽ không chỉ tạo động lực cho DN trong nước phát triển, thêm cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu mà bản thân DN FDI cũng được hưởng lợi. Muốn tăng cường mối liên kết này, không những Chính phủ, DN FDI mà cả DN trong nước đều phải có trách nhiệm phối hợp, trong đó, Chính phủ đóng vai trò "yểm trợ" cho các hoạt động liên kết thông qua việc hoàn thiện các chính sách, pháp luật; đưa ra cơ chế ưu đãi đối với các DN FDI có chiến lược mở rộng quan hệ mua bán phụ tùng và sản phẩm hỗ trợ từ DN trong nước; mở kênh trung gian giúp hàng hóa của DN hai khu vực đến với nhau; tập trung hỗ trợ DN trong nước về vốn, công nghệ, nhân lực chất lượng cao,... để đủ điều kiện vươn lên, bắt kịp với những đòi hỏi khắt khe của DN FDI. Các DN FDI cần chủ động liên kết bằng cách tạo cơ hội cho DN trong nước tìm hiểu những sản phẩm, linh phụ kiện có nhu cầu trong quá trình sản xuất, chủ động chuyển giao công nghệ cho khu vực DN tư nhân tiếp cận chuỗi giá trị. DN trong nước cần mạnh dạn đầu tư máy móc, thay đổi công nghệ, tập trung đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu thị trường,... để tạo ra những sản phẩm đáp ứng tốt nhu cầu của DN FDI, từ đó có được cơ hội trở thành mắt xích trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Các DN trong nước hầu như chưa tham gia được nhiều vào chuỗi liên kết với các DN FDI. Ở đây có sự khúc mắc liên quan việc cung - cầu chưa gặp nhau. DN trong nước mong muốn có hợp đồng bao tiêu với DN FDI để yên tâm đầu tư công nghệ sản xuất, trong khi DN FDI đã có mạng lưới cung ứng riêng và thường mong muốn DN trong nước chủ động chào hàng và chứng minh năng lực cung ứng. Trong khi đó, vai trò trung gian của các cơ quan quản lý nhằm giới thiệu, kết nối nhà cung ứng trong nước với DN FDI lại rất mờ nhạt.

TS Đinh Trọng Thắng Trưởng ban Chính sách đầu tư,

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư

Nguồn tin: Nhân dân

ĐỌC THÊM