Mặc dù đến nay, các doanh nghiệp trong nước đã chủ động được khoảng 70% lượng phôi thép, nhưng vì nhiều lý do nên sức cạnh tranh của phôi nội vẫn chịu nhiều áp lực từ phôi ngoại.
Các doanh nghiệp sản xuất thép đã chủ động hơn về nguồn phôi.
Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), hiện cả nước có 21 doanh nghiệp sản xuất phôi với tổng công suất trên 6 triệu tấn/năm. Chỉ tính riêng năm 2010 sản lượng phôi đạt 4,314 triệu tấn. Trong thời gian tới, lượng phôi sản xuất trong nước sẽ tiếp tục tăng dần về sản lượng khi các dự án đang triển khai đi vào hoạt động.
Như vậy, từ việc phải nhập khẩu 70 - 80% lượng phôi thép thì đến nay các doanh nghiệp trong ngành thép đã chủ động được gần 70% nhu cầu phôi bảo đảm cung cấp đủ cho cán thép trong nước. Từ năm 2005 đến nay, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư sản xuất phôi như Tổng công ty thép Việt Nam (VNSteel), Việt ý, Thép Việt. Đây là những doanh nghiệp lớn có công nghệ hiện đại (được nhập từ các nước công nghiệp hiện đại G7, G8) nên chất lượng sản phẩm không thua kém nước ngoài. Những nhà máy sản xuất phôi này đều có công suất lớn khoảng 500 nghìn tấn phôi/năm.
Như vậy, nguồn cung phôi nội không thiếu song trong năm 2010 Việt Nam vẫn nhập khẩu 30% lượng phôi. Theo số liệu thống kê của hải quan, trong 4 tháng đầu năm 2011, tổng lượng thép và nguyên liệu thép nhập khẩu vào Việt Nam đạt số lượng 2.631.811 tấn, trong đó phôi thép chiếm 319 nghìn tấn.
Lý giải về điều này VSA cho biết, mặc dù công suất sản xuất phôi thép trong nước hiện đã đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất thép nhưng trên thực tế, nhiều doanh nghiệp sản xuất thép, nhất là các công ty liên doanh vẫn chọn cách nhập khẩu phôi thép cho sản xuất và lượng phôi thép nhập khẩu vẫn chiếm khoảng 30%.
Nguyên nhân không chỉ do giá phôi thép trong nước nhiều lúc cao hơn giá phôi thép nhập khẩu mà còn do chất lượng phôi thép sản xuất trong nước chưa thể sánh được với phôi thép nhập khẩu. Hiện chỉ có khoảng 50% lượng phôi thép sản xuất trong nước theo công nghệ tiên tiến là đáp ứng được yêu cầu của nhà sản xuất thép.
Thêm vào đó, giai đoạn mới triển khai nhà máy do công nhân chưa làm chủ được công nghệ nên chất lượng phôi chưa đảm bảo. Điều này cũng khiến nhà sản xuất thép chưa đặt niềm tin hoàn toàn vào phôi nội. Vì thế, nhiều doanh nghiệp trong nước chưa mạnh dạn sử dụng phôi trong nước.
VSA cho rằng, để kích cầu tiêu dùng phôi thép trong nước, đảm bảo ổn định cung cầu thị trường, đồng thời hạn chế nhập khẩu phôi thép nhằm tiết kiệm ngoại tệ và thời gian, chi phí vận chuyển, Chính phủ cần có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư máy móc thiết bị và công nghệ sản xuất tiên tiến để cho ra sản phẩm phôi thép Việt Nam chất lượng cao, tạo niềm tin tiêu dùng cho nhà sản xuất.
Bên cạnh đó, vào những thời điểm giá phôi thép biến động mạnh, cơ quan quản lý có thể sử dụng công cụ thuế để điều chỉnh giá phôi thép bởi hiện nay mức thuế nhập khẩu phôi thép vẫn là 7%. Hơn thế nữa, sử dụng phôi nội doanh nghiệp sẽ có lợi thế về tỷ giá ngoại tệ, chi phí vận chuyển, lưu kho so với mua phôi ngoại.
Doanh nghiệp có thể mua ngắn hạn theo tháng chứ không bị ràng buộc mua theo quý và phải đợi vài tháng phôi mới về đến nhà máy. Ngoài ra doanh nghiệp sẽ được thêm một cái lợi do quay vòng vốn nhanh hơn và không phải chịu thiệt khi giá phôi giữa các quý chênh nhau quá lớn.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là tất cả các dự án sản xuất phôi thép đều phụ thuộc vào nguồn thép phế, trong khi, nguồn thép phế trong nước ngày càng cạn kiệt. Theo VSA, với việc đưa các dự án phôi thép mới vào hoạt động, mỗi năm ngành thép cần từ 1,5 đến 2 triệu tấn thép phế phục vụ sản xuất và lượng thép phế này sẽ phải nhập khẩu hoàn toàn. Trong khi đó, giá thép phế trên thị trường thế giới cũng lên xuống theo giá phôi.
Kinh nghiệm từ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép cho thấy khi có biến động về giá phôi thì nguồn thép phế nhập khẩu cũng trở nên khó khăn hơn. Một khó khăn nữa trong việc nhập khẩu thép phế là Việt Nam có rất ít cảng nước sâu để đón tàu trọng tải lớn, trong khi đó thép phế cần phải nhập số lượng lớn mới có hiệu quả. Do vậy, mặc dù việc đưa các dự án phôi vào hoạt động sẽ giúp ngành thép chủ động hơn về nguồn phôi trong sản xuất nhưng tình hình vẫn chưa thể khả quan ngay được.
Theo các chuyên gia trong ngành luyện kim, để ngành thép phát triển ổn định, bền vững và không phụ thuộc vào thị trường thế giới, giải pháp tốt nhất hiện nay vẫn là đầu tư đúng mức, có trọng điểm vào các dự án khai thác mỏ, các dự án sản xuất phôi từ quặng, tránh đầu tư dàn trải, đặc biệt là chấm dứt đầu tư các dự án cán thép không đi liền với dây chuyền sản xuất phôi.
Nguồn tin: VnEconomy