Đối mặt với hiện tượng thép nhập khẩu bán phá giá và những hành vi gian lận thương mại, sản xuất thép trong nước đang rơi với cảnh khốn đốn. “Bảo bối” xin tăng thuế nhập khẩu lại được giở ra…
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ phản ánh về tình trạng gian lận thép trong nhập khẩu (NK). Cơ quan này cho rằng có hiện tượng thép cuộn đang “biến tướng” thành thép hợp kim, lách luật, trốn thuế vào Việt Nam.
Từ gian lận…
Đầu năm 2009, một lượng lớn thép Trung Quốc thông qua công ty Thép Thành Long (Hưng Yên) được nhập khẩu vào
|
Bao giờ thép trong nước mới có thể cạnh tranh bình đẳng với thép ngoại |
Việt Nam gây biến động thị trường trong nước. Theo số liệu được cung cấp từ Hiệp hội Thép, chỉ trong 2 tháng 1 và 2, Công ty Thành Long đã nhập khoảng 28.839 tấn thép (được khai báo hải quan là “thép cuộn hợp kim”). Theo quy định, mặt hàng thép cuộn hợp kim có mức thuế nhập khẩu là 0% (thuế nhập khẩu thép cuộn thường là 12%). Vì vậy giá bán loại thép này rẻ hơn thép cuộn trong nước từ 1 - 1,5 triệu đồng/tấn.
Tuy nhiên với con mắt trong nghề, các doanh nghiệp thép trong nước cho rằng đây chỉ là loại thép cuộn bình thường, không phải loại đặc biệt (hợp kim) để được hưởng mức thuế nhập khẩu ưu đãi 0%. Để chứng minh, một số doanh nghiệp đã lấy mẫu lô hàng trên đến kiểm nghiệm tại Trung tâm kỹ thuật - tiêu chuẩn - đo lường chất lượng 1 - Tổng cục Tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng Việt Nam. Kết quả thu được cho thấy, loại thép này chỉ là thép các - bon thông thường, chỉ khác là có thêm lượng rất nhỏ (0,002%) hàm lượng Bo. Như vậy, với chút ít hàm lượng chất Bo này, lô thép nhập khẩu của công ty Thành Long đã trốn được số thuế nhập khẩu ước tính khoảng 10 tỷ đồng.
Theo VSA, tại cuộc họp của Hiệp hội thép Đông Nam Á ở Thượng Hải (Trung Quốc) vừa qua, một số nước ASEAN phản ánh, hiện tượng thép cuộn nhập khẩu có thêm chất Bo để biến thành thép hợp kim để trốn thuế cũng đã xảy ra với nước họ.
Liên quan đến việc gian lận trong nhập khẩu, VSA cũng đề cập đến một số trường hợp, nhà nhập khẩu khi làm thủ tục hải quan nhập thép ASEAN (có form D) đã tận dụng sự không rõ ràng giữa quy định mã số hàng hóa 7213 (mức thuế 0%) và mã hàng hóa 7214 (mức thuế 5%) để gian lận thương mại, nên 2 tháng đầu năm 2009, lượng thép cuộn nhập khẩu vào Việt Nam tăng vọt (trên 47.000 tấn), tháng 2, số lượng nhập gấp đôi tháng 1/2009.
9 tháng, 6 lần điều chỉnh * Ngày 19 - 6 - 2008, điều chỉnh tăng thuế xuất khẩu phôi thép từ 2% lên 10% * Ngày 1 - 8 - 2008, điều chỉnh tăng thuế xuất khẩu phôi thép từ 10% lên 20% * Ngày 6 - 10 - 2008, giảm thuế xuất khẩu phôi thép xuống 5% * Ngày 28 -10 - 2008, giảm thuế xuất khẩu phôi thép xuống 0% * Ngày 21 - 12 - 2008, điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu phôi thép từ 2% lên 5%, thép xây dựng từ 8% lên 12% * Ngày 25 - 3 - 2009, điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu phôi thép lên 8% và thuế nhập khẩu thép cán lên 15% |
… đến phá giá?
Bên cạnh đó, theo VSA, nhiều nước xuất khẩu đã bán phá giá phôi thép và sản phẩm thép vào thị trường Việt Nam với số lượng ngày càng lớn. Đặc biệt là Nga, Ukraina, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ. Để minh chứng cho quan điểm này, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch VSA cho biết: giá chào bán phôi thép được giảm hàng ngày đến mức chóng mặt. Hiện mức giá chào bán mặt hàng này đã sụt mạnh xuống dưới 300 USD/tấn (giá FOB). Chào là vậy nhưng các hợp đồng ký kết thực mua vào chỉ còn dưới 280 USD/tấn. Giá cước vận tải từ thị trường Biển Đen về Việt Nam đã giảm từ hơn 100 USD/tấn xuống chỉ còn mức 40-50 USD/tấn. Cộng các chi phí, giá phôi nhập hiện đang thấp hơn giá thành sản xuất phôi thép của các doanh nghiệp Việt Nam. Hiện nay, giá nhập thép phế để làm nguyên liệu sản xuất phôi được chào bán ở mức 255 USD/tấn, cộng với chi phí gia công luyện phôi bình quân là 150 USD/tấn thì giá thành để sản xuất phôi trong nước đã lên tới khoảng 430 USD/tấn, cao hơn giá phôi nhập.
Với mức giá quá rẻ như vậy, các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước (kể cả doanh nghiệp vừa sản xuất phôi, vừa cán thép) cũng... chào thua.
“Cứu” bằng thuế
Trước “tình cảnh” của ngành thép, Bộ Tài chính cũng đã quyết định tăng thuế. Tính toán của cơ quan này cho rằng: chênh lệch giữa mức thuế phôi và thép thành phẩm đã được tính toán kỹ dựa trên các yếu tố như thúc đẩy sản xuất trong nước, khuyến khích nhà đầu tư trong và ngoài nước sản xuất phôi. Do đó nếu tăng thuế nhập khẩu phôi từ 5% hiện nay lên 15% (như đề xuất) thì cũng phải điều chỉnh mức thuế nhập khẩu sản phẩm lên 20-22 % (hiện đang là 12%). Mức tăng khá cao này sẽ ảnh hưởng lớn đến giá thép trên thị trường. Vì vậy cơ quan này quyết định tăng thuế nhập khẩu phôi thép lên 8% (thay vì mức 15% như đề nghị của VSA và Bộ Công thương); thuế nhập khẩu với thép cán là 15%.
Như vậy, với giá nhập khẩu trung bình hiện nay 350 USD/tấn cộng với thuế (8%) giá phôi thép nhập khẩu sẽ vào khoảng 380 USD/tấn, tương đương với mức giá phôi thép sản xuất trong nước. Giá thép trong nước do đang giảm nhẹ nên mức tăng 15% sẽ không ảnh hưởng nhiều đến thị trường.
Rốt cuộc thuế vẫn là giải pháp được lựa chọn để “cứu” ngành thép. Một giải pháp đã được sử dụng tới 6 lần trong vòng 1 năm. Thực tế này cho thấy không chỉ doanh nghiệp mà cơ quan quản lý cũng có thói quen dùng giải pháp tình thế là thuế để điều tiết sản xuất và nhập khẩu thép (thực chất là “bảo hộ” sản xuất trong nước).
Phân tích của các chuyên gia cho thấy, tăng thuế nhập khẩu phôi chưa hẳn sẽ hạn chế được nhập khẩu bởi thép sản xuất trong nước hiện có giá thành khá cao do nguồn phôi nhập khẩu trước đó giá cao, chi phí đầu vào sản xuất phôi trong nước tăng do điều chỉnh giá điện… Dù ít dù nhiều, động thái tăng thuế này sẽ làm tăng giá thép trên thị trường, ảnh hưởng tới giải pháp kích cầu của Chính phủ.
Quan trọng hơn, đã đến lúc cần thay đổi thói quen cứ khó cạnh tranh là tính tới xin “bảo hộ” không của riêng ngành thép, mà nhiều ngành sản xuất khác. Chính sách thuế của Nhà nước đặt mục tiêu đầu tiên là đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng nói chung và quyền lợi của Nhà nước. Vì vậy, không thể vì lợi ích của một nhóm doanh nghiệp mà thường xuyên tăng - giảm thuế.
(diễn đàn doanh nghiệp)