Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tăng thuế VAT: Chuyên gia 'ngược' ý kiến với Bộ Tài chính

  Theo theo Bộ Tài chính, việc tăng thuế VAT là để tái cơ cấu ngân sách và sẽ không ảnh hưởng đến người nghèo, người thu nhập thấp. Tuy nhiên, chuyên gia lại nói ngược lại.

Thông tin báo Vietnamnet đăng tải, tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 30/8, Thứ trưởng Tài chính Vũ Thị Mai đã dành hơn 20 phút trình bày những điểm mới trong thay đổi chính sách thuế, đặc biệt việc sửa đổi luật Thuế giá trị gia tăng (VAT).

Trước ý kiến cho rằng, tăng thuế VAT sẽ khiến người nghèo chịu gánh nặng hơn người giàu, Thứ trưởng Vũ Thị Mai khẳng định tác động không nhiều.


Chuyên gia kinh tế cho rằng tăng thuế VAT tăng sẽ ảnh hưởng đến các loại hàng hóa. Ảnh: Lê Quân/Zing

Theo Zing, ngay sau đề xuất tăng thuế VAT của Bộ Tài chính, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết giải trình mới của Bộ Tài chính có nét mới đó là không đánh thuế vào các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm thiết yếu cho cuộc sống.

Tuy nhiên, ông Phong cho rằng Bộ Tài chính cần công khai rõ các mặt hàng thiết yếu đó là những loại nào, khi đó người nghèo sẽ không bị thu thuế cao.

Theo đó, ông Phong vẫn giữ quan điểm là không nên tăng mức thuế VAT phổ thông lên cao như đề xuất, thay vào đó chỉ tập trung vào một số mặt hàng mà Nhà nước không khuyến khích.


Thứ trưởng Tài chính khẳng định tăng VAT người nghèo không bị tác động nhiều. Ảnh: Vietnamnet

Còn chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển nhắc đến thuật ngữ “domino” khi nói về chuyện tăng thuế VAT. “Tăng thuế ảnh hưởng đến những người trong chuỗi cung ứng hàng hóa với nhau. Không có chuyện 'ngăn sông cắt khúc' các loại hàng hóa. Trong nền kinh tế thị trường, các mặt hàng ảnh hưởng đến nhau”, Zing dẫn lời ông Đinh Thế Hiển.

Ông Hiển đưa ra ví dụ người nghèo có thể không trực tiếp sử dụng hàng hóa bị tăng thuế nhưng có thể chịu ảnh hưởng dây chuyền. Ngoài ra còn có việc tăng thuế với điện, xăng, nước...

Kết luận lại, ông Hiển một lần nữa khẳng định đối tượng tổn thương nhiều nhất khi tăng thuế VAT là người nghèo, cho dù họ không phải là người bị tác động lớn nhất. “Người nghèo không còn dư địa để chống trả lại việc tăng thuế. Họ có thể thu nhập 5 triệu nhưng chi hết cả 5, không còn để gánh thêm nữa dù là rất nhỏ”, ông Hiển nhấn mạnh.

Chuyên gia này khẳng định chỉ có một loại thuế duy nhất không ảnh hưởng đến người nghèo là thuế tài sản, đánh vào người giàu. Nhà nước cần xem xét ban hành loại thuế này.

Bên cạnh đó, nhiều độc giả Zing cho rằng việc tăng thuế dù không trực tiếp thì cũng gián tiếp làm tăng giá nhiều mặt hàng khác.

Theo Dân trí đưa tin trước đó, Bộ Tài chính đã đề nghị nâng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% lên 12% kể từ ngày 1/1/2019. Bộ Tài chính cũng đề nghị chuyển nhiều nhóm hàng hoá, dịch vụ sang áp thuế VAT 10%, trong đó có nước sạch, một số loại máy móc, thiết bị, dụng cụ y tế, giáo dục, những nhóm còn lại tăng lên 6%.

Theo Bộ Tài chính, qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy, trong bối cảnh nợ công tăng cao tại các quốc gia kể cả các nước đã phát triển, các quốc gia có xu hướng cơ cấu lại thu ngân sách Nhà nước theo hướng tăng cường nguồn thu từ thuế gián thu.

Tuy nhiên, trao đổi về vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, tăng thuế VAT trong hoàn cảnh nào cũng sẽ có nhiều tác động tiêu cực tới cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đặc biệt, người có thu nhập thấp sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Nguồn tin: VietQ

ĐỌC THÊM