Thép đang ứ thừa, xuất khẩu được xem là cửa thoát cho các doanh nghiệp sản xuất hiện nay. Tuy nhiên dưới góc độ quản lý vĩ mô, cơ quan chức năng lại không khuyến khích xuất khẩu. Tăng thuế là giải pháp được áp dụng.
Điều mà các doanh nghiệp sản xuất thép cần lo lắng và đối phó chính là giải pháp cạnh tranh để giành lại thị trường ngay trên sân nhà, thay vì loay hoay tìm cách xuất khẩu. Ảnh: LMK |
Theo hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tổng công suất sản xuất thép xây dựng (thép thanh, thép cuộn, thép hình cỡ nhỏ) của cả nước đã đạt 8,99 triệu tấn/năm, trong khi đó, tổng tiêu thụ mới chỉ dừng ở mức 6,32 triệu tấn, tức thừa khoảng 2,67 triệu tấn. Nguy cơ thừa thép dự báo là sẽ nghiêm trọng hơn trong thời gian tới khi có một loạt dự án có công suất từ 250.000 – 500.000 tấn/năm đi vào hoạt động. Tổng công suất ước tính là hơn 2 triệu tấn/năm.
Chính vì thế quan điểm tăng thuế xuất khẩu thép (thép xây dựng lên 1,3 – 2%, phôi thép 3%) của bộ Tài chính khiến các doanh nghiệp thép bất ngờ, hoang mang. Lý do tăng thuế được cơ quan này đưa ra là để điều tiết lợi nhuận của các doanh nghiệp thu được nhờ lợi thế giá thấp của một số yếu tố đầu vào, trong đó có giá điện. Hiệp hội Thép đã phản đối chính sách này. Bộ Công thương cũng cho rằng đối với thép xây dựng, và các mặt hàng thép cán nguội, ống thép hàn, tôn kim loại và sơn phủ màu do lượng tiêu thụ điện rất ít, trong khi cung đang vượt cầu quá nhiều cho nên không nên đánh thuế hoặc tăng thuế xuất khẩu để khuyến khích xuất khẩu.
Tuy nhiên quan điểm của bộ Tài chính rất rõ ràng: đây là giải pháp được đưa ra để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại nghị quyết 11/CP-NQ “điều tiết lợi nhuận kinh doanh xuất khẩu một số mặt hàng thu được việc sử dụng một số yếu tố đầu vào giá hiện còn thấp hơn giá thị trường”.
Cơ quan này cho rằng, mặc dù từ 1.6.2011 giá bán điện được quyết định theo cơ chế thị trường, việc hưởng lợi từ yếu tố giá điện của ngành thép sẽ giảm đi nhưng đây vẫn là ngành sử dụng nhiều điện ( 4,67 tỉ KWh/năm). Một nửa số nhà máy luyện cán thép (18/32 nhà máy) đang sử dụng công nghệ rất lạc hậu, dẫn tới việc tiêu hao năng lượng điện rất lớn (600KWh/tấn so với 350KWh/tấn lò công nghiệp hiện đại). Khả năng cạnh tranh để xuất khẩu của thép trong nước rất thấp, do giá thành cao, công nghệ lạc hậu, dù theo tính toán của bộ Tài chính: thép đang có được lợi thế từ yếu tố giá điện thấp từ 10 – 15 USD/tấn.
Có thể thấy khó khăn của ngành thép không đơn giản chỉ điều tiết bằng biện pháp khuyến khích xuất khẩu. Năm 2010, Việt Nam tiêu thụ 5,6 triệu tấn thép sản xuất trong nước, xuất khẩu chỉ được 1,29 triệu tấn thép, trong khi nhập khẩu tới 6,4 triệu tấn. Như vậy hơn nửa thị phần đang dành cho các sản phẩm nhập khẩu. Thực tế này cho thấy điều mà các doanh nghiệp sản xuất thép cần lo lắng và đối phó chính là giải pháp cạnh tranh để giành lại thị trường ngay trên sân nhà, thay vì loay hoay tìm cách xuất khẩu.
Tình trạng dư thừa công suất không phải đến nay mới đề cập đến mà đã được cảnh báo ngay từ khi quy hoạch phát triển ngành thép được ban hành vào năm 2007. Song từ đó đến nay, các dự án thép vẫn tiếp tục ra đời.
Với thực trạng này, một câu hỏi được đặt ra là có nên khuyến khích các nhà máy có công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng, sản xuất sản phẩm giá thành cao để xuất khẩu? Tính toán bài toán kinh tế thì có nên bỏ tiền đầu tư tăng công suất điện để phục vụ một ngành sản xuất đang tiêu tốn khá nhiều điện như ngành thép hiện nay. Và liệu xuất khẩu thép có đem lại giá trị kinh tế hơn so với việc xuất khẩu các mặt hàng khác?
Mặt khác, để giải bài toán ứ thừa của ngành thép, nếu chọn giải pháp xuất khẩu sản phẩm thì không đơn giản chỉ là không tăng thuế xuất khẩu bởi dù có không đánh thuế, sản phẩm thép trong nước cũng khó có thể cạnh tranh được.
Nguồn tin: SGTT.VN