Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tăng trưởng GDP 6,7% là có cơ sở

 Kinh tế quý II/2017 đã phục hồi ấn tượng với mức tăng trưởng 6,17%. Tuy nhiên, mục tiêu tăng trưởng cả năm là 6,7% vẫn là một thách thức không nhỏ. Ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) khẳng định, khi đã có quyết tâm, cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp vào cuộc, nhất định sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP đã đề ra.

Ông có tin là năm nay, GDP sẽ cán đích ở mức tăng 6,7%?

Ngay sau khi có kết quả tăng trưởng kinh tế quý I/2017 ở mức thấp hơn so với mục tiêu (GDP chỉ tăng 5,15%), tại Phiên họp thường kỳ tháng 4/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 40/NQ-CP, vẫn kiên định mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2017.
Để khẳng định quyết tâm này, mới đây, ngày 2/6/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 24/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2017, với từng chỉ tiêu, nhiệm vụ được đặt ra rất cụ thể, rõ ràng như nông nghiệp tăng trưởng 3,05%; công nghiệp tăng trưởng 7,34%; xây dựng tăng trưởng 10,5%; dịch vụ tăng trưởng 7,19%, trong đó, tăng trưởng khách du lịch trên 30%.


.
Ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê)

Tôi tin rằng, khi đã có quyết tâm, cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp vào cuộc, nhiều khả năng sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng.

Quyết tâm rất quan trọng, nhưng tăng trưởng kinh tế trong còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, thưa ông?

Sau khi có Nghị quyết 19/NQ-CP, Nghị quyết 40/NQ-CP và Chỉ thị 24/CT-TTg, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã thực sự vào cuộc với mục tiêu xuyên suốt là tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Kết quả là, tốc độ tăng trưởng GDP quý II đạt 6,17% nhờ lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,92%; công nghiệp và xây dựng tăng 6,89%; dịch vụ tăng 7,28%. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2017 đạt 5,73%, cao hơn so với cùng kỳ kể từ năm 2012 trở lại đây.

Nền kinh tế Việt Nam có đặc tính là mức tăng quý sau bao giờ cũng cao hơn quý trước. Với đà tăng trưởng bứt phá mạnh mẽ như quý II, thì việc cán đích tăng trưởng cả năm 6,7% sẽ thực hiện được.

Theo ông, lấy gì để bảo đảm tăng trưởng kinh tế của quý III và quý IV tiếp tục đà tăng trưởng như quý II?

Sáu tháng đầu năm 2017, tăng trưởng kinh tế đạt 5,73%, để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,7% thì 6 tháng cuối năm phải tăng 7,42%. Đây là thách thức lớn, tuy nhiên, nền kinh tế có nhiều cơ hội thuận lợi.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào hoạt động xuất - nhập khẩu và vốn đầu tư toàn xã hội. Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm nay tăng gần 20%, cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng 5,9% của 6 tháng năm 2016 và gấp khoảng 3 lần mục tiêu (tăng 6 - 7%); kim ngạch nhập khẩu đã tăng trên 24%, thay vì giảm 0,2% như 6 tháng đầu năm 2016.

Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 6 tháng đầu năm tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2016, nhiều khả năng cả năm đạt 34-35% GDP, cao hơn nhiều so với kế hoạch là khoảng 31,5% GDP. Tín dụng 6 tháng đầu năm tăng cao nhất trong vòng 6 năm qua, đạt 7,54% (cùng kỳ năm 2016 tăng 6,2%), cho thấy khả năng hấp thụ vốn tốt của doanh nghiệp. Tốc độ tăng trưởng tín dụng 6 tháng cuối năm bao giờ cũng cao hơn 6 tháng đầu năm nên khả năng tốc độ tín dụng tăng trưởng tín dụng năm nay đạt trên 18%.

Một số yếu tố nữa góp phần quan trọng để kinh tế 6 tháng cuối năm tiếp tục đà tăng tốc là trong 6 tháng đầu năm có 76.600 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, 89,4% doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, chế tạo dự báo khối lượng sản xuất trong quý III cao hơn hoặc giữ ổn định như quý II; 88,8% số doanh nghiệp dự báo số lượng đơn đặt hàng quý III cao hơn hoặc giữ ổn định như quý II.

Tất cả những số liệu này đều khả quan hơn so với cùng kỳ các năm trước rất nhiều.

Còn dư địa nào để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm nữa không, thưa ông?

Sản xuất, phân phối điện tăng cao vào 6 tháng cuối năm khi EVN đưa 5 tổ máy phát điện vào hoạt động, với tổng công suất tăng thêm 560 MW. Trong 6 tháng cuối năm 2017 sẽ có một số dự án sản xuất thép các loại đi vào hoạt động. Với chính sách nới lỏng về visa và cấp visa điện tử cho du khách nước ngoài, năm nay tốc độ tăng trưởng khách du lịch nước ngoài dự kiến vào khoảng 30% với 13 - 15 triệu du khách, không chỉ thúc đẩy tăng trưởng du lịch, mà các lĩnh vực liên quan khác như nhà hàng, khách sạn, vận tải, thương mại… cũng sẽ tăng trưởng theo.

Bên cạnh đó, Công ty Samsung Việt Nam dự kiến năm nay xuất khẩu 50 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2016. Ngoài ra, một số ngành có khả năng tăng trưởng tốt trong 6 tháng cuối năm như sản xuất thuốc chữa bệnh, sản phẩm hóa dược và dược liệu; sản xuất xe có động cơ, thiết bị điện, sản phẩm từ cao su và plastic…

Sản xuất tăng, nhưng vấn đề là giải quyết hàng tồn kho. Nếu hàng tồn kho lớn, giá giảm thì khó duy trì được sản xuất và mở rộng, đầu tư thêm để tăng trưởng kinh tế?

Chỉ số tồn kho ngành chế biến, chế tạo thời điểm 1/6/2017 là 10,2% (cùng thời điểm 2016 là 9%). Ngành sản phẩm có chỉ số tồn kho cao là xi măng, sắt thép, thiết bị điện, đồ uống, gường tủ, bàn ghế. Ngoài ra, tồn kho than thành phẩm là 8,2 triệu tấn là hạn chế nhất của nền kinh tế hiện nay và trong 6 tháng tới.

Để xử lý vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phương án xử lý, tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ các loại khoáng sản tồn đọng, có giá trị; đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, kiểm soát nhập khẩu một số mặt hàng tiêu dùng không khuyến khích nhập khẩu và các mặt hàng trong nước đã sản xuất được; Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích và tạo điều kiện thông thoáng cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở.

Nguồn tin: Đầu tư

ĐỌC THÊM