Mặc dù quý I năm nay tăng trưởng GDP đạt mức thấp nhất so với cùng kỳ 2 năm trước (5,1%) song các chuyên gia kinh tế dự báo tình hình sẽ khả quan hơn trong quý II và GDP cả năm sẽ đạt 6,2%.
Quý II, GDP sẽ đạt 5,6%
Ngày 5/4, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Tọa đàm “Dự báo kinh tế quý II năm 2017”. Trưởng ban Phân tích và Dự báo (thuộc NCIF) Đặng Đức Anh đánh giá, trong quý I, các yếu tố tiêu cực dường như lấn át yếu tố tích cực.
Tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,12%, thấp hơn cùng kỳ hai năm trước do 2 nhân tố chính tác động: Ngành khai khoáng suy giảm mạnh, bằng 90% cùng kỳ năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng trưởng 8,3%, giảm đáng kể so với cùng kỳ 2015 và 2016. “Nhìn chung, kinh tế vĩ mô ổn định song tăng trưởng ở mức thấp. Mô hình chuyển đổi chậm, nền kinh tế vẫn phụ thuộc vào khai khoáng.
Cơ cấu công nghiệp phụ thuộc vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước chậm. Nền kinh tế vẫn chủ yếu là gia công, công nghiệp phụ trợ chậm phát triển”, ông Anh nói.
Theo đánh giá của NCIF, trong quý II, tăng trưởng kinh tế trong nước sẽ chịu tác động trực tiếp từ các yếu tố như: Kinh tế thế giới được dự báo tiếp tục đà phục hồi, tăng 1,05% so với 0,56% trong quý I; thương mại toàn cầu có mức tăng trưởng khả quan hơn; biến động của giá dầu mỏ cùng diễn biến của thị trường tài chính quốc tế sau việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất dự kiến lần 2 vào tháng 6 tới đây.
Xét về bối cảnh trong nước, niềm tin kinh doanh ổn định, 51,2% doanh nghiệp có đơn hàng quý II cao hơn so với quý I. Đầu tư khu vực tư nhân và doanh nghiệp FDI khởi sắc hơn. Khu vực nông lâm thủy sản mặc dù đã phục hồi nhưng vẫn ẩn chứa nhiều thách thức. Ngoài ra, giải ngân vốn ngân sách và trái phiếu chính phủ đạt thấp. Sức ép lạm phát gia tăng do chịu áp lực từ giá cả thế giới...
Trên cơ sở này, NCIF đưa ra kịch bản cơ sở dự báo một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô. Theo đó, công nghiệp chế biến chế tạo dự báo sẽ tiếp đà tăng trưởng cao hơn quý I, mức sụt giảm công nghiệp khai khoáng thấp hơn; tỷ giá tương đối ổn định, tín dụng tiếp đà tăng trưởng cao; tốc độ giải ngân vốn đầu tư nhà nước cao hơn quý I. Tính chung, GDP trong quý II sẽ tăng khoảng 5,6%, cả năm dự kiến đạt 6,2%.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, đồng tình với dự báo của NCIF. Ông cho rằng dự báo này khả thi bởi động lực tăng trưởng trong quý tới sẽ khá hơn do chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong tháng 3 đạt 54,6 điểm. Điều này chứng tỏ các doanh nghiệp đã mua hàng về để chuẩn bị cho sản xuất.
Nên tăng lãi suất huy động USD
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, thêm vào đó là tác động của sự kiện Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu), việc thực thi các chính sách của chính quyền Mỹ, Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) không được thông qua cũng như những rủi ro từ nền kinh tế Trung Quốc buộc chúng ta phải sát sao với diễn biến kinh tế thế giới, từ đó có bước đi phù hợp để đạt được mục tiêu đề ra. Nguyên Giám đốc NCIF Lê Đình Ân cho rằng, quan trọng nhất là ứng xử của Chính phủ ở những thời điểm thích hợp về hàng hóa, trong khi khâu này chúng ta chưa làm tốt.
Ông phân tích, hiện nhiều nước đã có hàng rào kỹ thuật khi hội nhập và họ làm rất kỹ nên khi thế giới thay đổi chính sách thì họ ứng phó nhanh. Trong khi đó, chúng ta hầu như chưa có rào cản kỹ thuật gì, tức là chưa có cách ứng xử kịp thời với tình hình thế giới, dẫn đến hàng hóa nước ngoài như ô tô Thái Lan được nhập khẩu ồ ạt thời gian qua. Điều này cần sớm được thay đổi.
Ông Đặng Đức Anh đề xuất, trong thời gian tới, cần tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô để tạo lập niềm tin đối với nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách và trái phiếu chính phủ; giám sát tiến độ thực thi các nhiệm vụ đưa ra trong Nghị quyết 19/2016 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Chương trình hành động thực hiện kế hoạch tái cơ cấy lại nền kinh tế giai đoạn 2017 - 2020.
Ông Cấn Văn Lực bổ sung, cần tái cơ cấu kinh tế nhanh, mạnh hơn, đặc biệt trong khối doanh nghiệp nhà nước và xử lý nợ xấu. “Điều này trong quý I hầu như chúng ta chưa làm được”, ông Lực nhận xét. Bên cạnh đó, FED đã tăng mạnh lãi suất, vì vậy, Việt Nam cần xem xét tăng trần lãi suất huy động USD đối với cá nhân lên 0,25% thay vì 0% như hiện nay để huy động được nguồn lực trong dân và góp phần minh bạch hóa nền kinh tế.
Nguồn tin: Tài chính