Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội theo giá hiện hành trong 3 năm 2016-2018 đạt 5.046,2 nghìn tỷ đồng, bằng 33,5% GDP, đạt mục tiêu bình quân 5 năm 2016-2020 bằng khoảng 32% - 34% GDP.
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam dần dịch chuyển sang chiều sâu
Theo Báo cáo Đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang ngày càng ổn định và chuyển dịch sang chiều sâu.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế từng bước được cải thiện, đạt mức tăng khá trong những năm vừa qua. Theo đó, bình quân 3 năm 2016 - 2018 đạt 6,57% (cao hơn tốc độ tăng bình quân 5,91%/năm của giai đoạn 2011 - 2015), đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân ở mức thấp của Kế hoạch 5 năm 2016-2020 (6,5%-7%/năm).
Tính chung cả giai đoạn 2016 - 2020, dự kiến tăng trưởng GDP bình quân đạt 6,71% (mục tiêu kế hoạch 5 năm là 6,5% - 7%). GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành năm 2018 tăng gấp 1,21 lần mức GDP bình quân đầu người năm 2015.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dần dịch chuyển sang chiều sâu, thể hiện ở mức đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng của nền kinh tế ngày một lớn.
Cụ thể, trong 3 năm đầu của giai đoạn 2016-2020, đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế tăng lên đáng kể, đạt 42,18%. Năng suất lao động có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm. Bình quân 3 năm 2016-2018 năng suất lao động tăng 5,62%, cao hơn cao hơn so với mức tăng bình quân 4,3%/năm của giai đoạn 2011-2015 và vượt mục tiêu tăng bình quân 5%/năm trong 5 năm 2016-2020.
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo xu hướng giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản; tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và ngành dịch vụ. Các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng từ 82,6% năm 2015 lên 84,3% năm 2018, tiến sát mục tiêu đến năm 2020 tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm khoảng 85% GDP. Chuyển đổi cơ cấu kinh tế không chỉ diễn ra ở các ngành kinh tế mà xu hướng chuyển đổi trong nội bộ ngành cũng diễn ra tích cực.
Trên thị trường ngoại hối, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, tỷ giá, lãi suất đã ổn định và theo chiều hướng giảm dần, khả năng thanh khoản của các tổ chức tín dụng được bảo đảm.
Cán cân xuất nhập khẩu chuyển dịch từ thâm hụt sang thặng dư và lần đầu tiên, xuất khẩu đạt trên 200 tỷ USD vào năm 2017. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân giai đoạn 2016 - 2018 ước đạt 13,36%/năm, cao hơn mục tiêu kế hoạch 5 năm (10%). Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu bình quân giai đoạn 2016 - 2018 ước đạt 13,52%/năm, cao hơn mục tiêu kế hoạch 5 năm (9,5%). Quy mô các mặt hàng xuất khẩu được mở rộng, tập trung cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực.
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội theo giá hiện hành trong 3 năm 2016 - 2018 đạt 5.046,2 nghìn tỷ đồng, bằng 33,5% GDP, đạt mục tiêu bình quân 5 năm 2016 -2020 bằng khoảng 32% - 34% GDP. Hiệu quả đầu tư có cải thiện, thể hiện qua chỉ số ICOR của nền kinh tế, tính chung cả giai đoạn 2016 - 2018 ở mức 6,32.
Môi trường đầu tư được cải thiện, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tác động tích cực từ những nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện khung khổ pháp lý về đầu tư kinh doanh và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp giúp cho tình hình doanh nghiệp thành lập mới trong hai năm 2016 - 2017 liên tiếp đạt kỷ lục về cả số lượng doanh nghiệp và số vốn đăng ký. Dự báo cả năm 2018 sẽ có khoảng 130.000 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 2,5% so với năm 2017.
Kinh tế các vùng chuyển dịch tích cực trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế so sánh từng vùng và tận dụng cơ hội từ thu hút đầu tư và mở rộng thị trường. Nhiều công trình hạ tầng mang tính kết nối vùng được hoàn thành, khai thác đưa vào sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các hoạt động kinh tế, đẩy mạnh quá trình đô thị hóa cũng như tăng cường liên kết vùng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc đưa vào sử dụng một số công trình, dự án giao thông quan trọng vào đầu giai đoạn 2016-2020 có tác động lớn trong việc nâng cao năng lực vận tải, đáp ứng cơ bản nhu cầu đi lại của người dân, ngay cả đợt cao điểm. Trung bình hàng năm, năng lực vận tải tăng khoảng 10% so với năm trước, lũy kế sản lượng vận tải từ năm 2016 đến đến tháng 7/2018 (sau 2,5 năm) đạt 280% so với sản lượng năm 2016.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, một số công trình, dự án quan trọng, quy mô lớn được tập trung đầu tư hoàn thành sẽ tiếp tục nâng cao năng lực vận tải, khả năng kết nối liên vùng và tăng hiệu quả kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Quy mô nhân lực của nền kinh tế có sự gia tăng rõ nét trong tất cả các ngành, lĩnh vực và cơ cấu nhân lực chuyển dịch theo hướng tích cực. Nhân lực làm việc trong một số ngành/lĩnh vực sử dụng đội ngũ nhân lực chất lượng cao có sự gia tăng nhanh chóng. Nhân lực của một số ngành/lĩnh vực như: giao thông, vận tải; công nghệ thông tin; y tế; công nghiệp xây dựng, cơ khí… đang tiếp cận trình độ khu vực và quốc tế. Công tác đào tạo nhân lực đã có những thay đổi theo hướng tập trung nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu của người sử dụng lao động phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh.
Nguồn tin: VnMedia