Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tạo môi trường cạnh tranh công bằng

Thép không gỉ là mặt hàng đầu tiên bị áp thuế chống bán phá giá (CBPG) tại Việt Nam. Đây là một công cụ hợp pháp và hữu ích để bảo vệ thị trường nội địa. Đó cũng là nội dung chính tại Hội thảo “Vụ điều tra CBPG đầu tiên tại Việt Nam: Kết quả và bài học kinh nghiệm” tổ chức ngày 18/9.

Theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), những năm qua, Việt Nam phải chịu khoảng 100 vụ kiện thương mại, trong đó có gần 50 vụ kiện CBPG và đây là lần đầu tiên Việt Nam sử dụng công cụ này thành công.

Theo kết luận cuối cùng được Cục Quản lý cạnh tranh đưa ra, đã có hiện tượng bán phá giá thép không gỉ nhập khẩu từ 4 nước và vùng lãnh thổ vào Việt Nam gồm Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Đài Loan, gây thiệt hại cho sản xuất trong nước. Do đó, Việt Nam đã chính thức áp thuế CBPG với các sản phẩm nhập khẩu từ 4 thị trường này với Quyết định số 7896/QĐ-BCT của Bộ Công Thương, có hiệu lực thi hành từ ngày 5/10/2014. Tuy nhiên, mức thuế CBPG tương đối thấp, từ 3,07- 37,29%.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Nguyễn Văn Sưa, việc áp thuế CBPG một mặt sẽ mang lại lợi ích cho DN sản xuất trong nước như hạn chế khả năng hàng nhập khẩu chiếm lĩnh thị trường, nhưng mặt khác sẽ tác động bất lợi đến nhà nhập khẩu thép không gỉ, hoặc những nhà sản xuất sử dụng thép không gỉ là nguyên liệu đầu vào.

 Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO (VCCI):

 Ở các quốc gia khác, các DN sử dụng kiện CBPG như một chiến lược kinh doanh, nếu bị cạnh tranh không lành mạnh từ các đối tác nước ngoài. Tại Việt Nam, các hiệp hội, DN nếu muốn sử dụng công cụ phòng vệ thương mại này cần chuẩn bị về nhân lực, lựa chọn người tư vấn để có kết quả tốt nhất.

Đề cập đến những tác động đó, bà Phạm Châu Giang- Trưởng Phòng Điều tra vụ kiện phòng vệ thương mại của DN trong nước, Cục Quản lý cạnh tranh- nói: Mục đích của việc áp thuế CBPG là để lập lại môi trường cạnh tranh công bằng giữa hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam bán phá giá với hàng hóa được sản xuất trong nước. Chính vì vậy, thông qua việc áp thuế CBPG, sản xuất trong nước sẽ có cơ hội để hồi phục, khắc phục những thiệt hại trong thời gian qua.

Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Văn Sưa cũng cho rằng, việc các DN trong nước lần đầu tiên kiện thành công CBPG với hàng nhập khẩu là tín hiệu tích cực cho thấy, các DN đã bước đầu chủ động sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ hàng hóa trong nước trước sức ép cạnh tranh ngày càng lớn của hàng ngoại nhập. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, khi hàng rào thuế quan được cắt giảm về 0% và tình trạng gian lận thương mại ngày càng gia tăng, các DN trong nước cần biết sử dụng nhiều hơn công cụ phòng vệ thương mại.

Ông Đậu Anh Tuấn- Trưởng Phòng Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)- khuyến cáo: DN Việt Nam phải biết rằng, kiện CBPG là một phương cách phù hợp đã được thừa nhận. Nếu có những DN, đặc biệt là những DN lớn, có hành vi không lành mạnh như bán phá giá, các DN Việt Nam hoàn toàn có thể nghĩ đến việc kiện CBPG

Bà Phạm Châu Giang cũng chia sẻ, kiện CBPG không phải là biện pháp phòng vệ mới đối với các DN Việt Nam. Song, điều cần thiết nhất là DN phải chủ động, có sự chuẩn bị tốt đối với hồ sơ, chứng cứ và chủ động hợp tác với các cơ quan điều tra thì việc sử dụng những biện pháp phòng vệ sẽ càng thành công, hiệu quả hơn, cũng như giảm tác động tiêu cực trong sản xuất - kinh doanh do các vụ kiện CBPG đem lại.

Nguồn tin: Công thương

ĐỌC THÊM