Từ một đơn vị chế tạo máy có tiếng, Vina Megastar đang đứng bên bờ vực thẳm với hàng loạt dự án bất động sản bê bối.
Dấu ấn tập đoàn công nghiệp nặng...
Tại nhiều công trường xây dựng dự án thủy điện, nhiệt điện, cảng biển, cái tên Vina Megastar làm chúng tôi khá bất ngờ với những sản phẩm cần trục hạng nặng được sử dụng sức nâng đến 180 tấn.
Càng bất ngờ hơn, khi biết đây là sản phẩm hoàn toàn được sản xuất trong nước tại nhà máy cần trục Megastar (xã Trung Hưng, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Sản phẩm có mặt trên nhiều địa phương, như công trình Thủy điện Bình Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế), Thủy điện Nho Quế 2 (tỉnh Hà Giang), Nhà máy cần trục cảng và kết cấu thép huyện Yên Hưng (tỉnh Quảng Ninh)…
Phối cảnh dự án Megastar Xuân Đỉnh |
Qua tìm hiểu được biết, Vina Megastar khởi đầu với tên gọi Công ty TNHH Thép Techmart, thành lập ngày 6/8/2001 tại Hà Nội với trụ sở đầu tiên tại số 45 - Khâm Thiên (quận Đống Đa).
Ngành nghề kinh doanh ban đầu của Vina Megastar là sản xuất các sản phẩm cơ khí và kinh doanh sắt thép…
Sau hơn 10 năm phát triển trong lĩnh vực công nghiệp nặng, đơn vị này có khả năng gia công dầm thép sử dụng trong nhà cao tầng với công suất 50.000 tấn/năm, sử dụng công nghệ tiên tiến của Italy, Nhật Bản, đảm bảo độ chính xác cao, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà cao tầng đến 100 tầng bằng kết cấu thép.
Ngoài nhà máy cần trục Megastar tại Hưng Yên, Megastar cũng đang sở hữu các nhà máy sản xuất gia công cơ khí tại huyện An Dương (TP. Hải Phòng); nhà máy cần trục cảng và kết cấu thép tại huyện Yên Hưng (tỉnh Quảng Ninh)…
Riêng lĩnh vực công nghiệp, Công ty cổ phần Tập đoàn Vina Megastar hiện có các công ty thành viên, bao gồm: Công ty TNHH Cơ khí và Xây dựng Megastar (Megastar E&C), hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh cơ khí, sản xuất sắt thép, cần trục, nhà khung thép nhẹ…; Công ty TNHH Megastar thương mại (Megastar Steel Trading) hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, xuất nhập khẩu sắt thép, pha cắt thép chuyên dụng và Công ty cổ phần Năng lượng Megastar (Megastar Energy) hoạt động trong lĩnh vực khai thác khí đốt, quặng, xây dựng nhà máy nhiệt điện…
Doanh thu của Vina Megastar năm 2008 đạt 1.864 tỷ đồng, với lợi nhuận hàng chục tỷ đồng. Nhưng đó là câu chuyện của một Vina Megastar 5 năm về trước, khi tập đoàn tư nhân này chưa bước chân vào lĩnh vực bất động sản.
... đến những dự án bất động sản tai tiếng
Năm 2008, khi việc đầu tư vào các sản phẩm công nghiệp cho kết quả khả quan, Vina Megastar chính thức bước chân sang lĩnh vực bất động sản với dự án đầu tiên là Megastar Xuân Đỉnh (dự án này sau đó còn có nhiều tên gọi khác như: Ciri Xuân Đỉnh, Megastar Dominium Hoa Binh Park, C2 Xuân Đỉnh…).
Dự án được khởi công tháng 2/2009 trên diện tích đất hơn 2.500 m2 tại xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm (cạnh Công viên Hoà Bình hiện nay). Công trình cao 25 tầng, với các loại căn hộ diện tích từ 76 m2, 78 m2, 88 m2 đến 92 m2 (có từ 2 đến 3 phòng ngủ) với giá bán 16 - 19 triệu đồng/m2. Vina Megastar khi đó kỳ vọng tạo ra một dòng sản phẩm mới của thị trường bất động sản - căn hộ diện tích trung bình, dành cho các cặp vợ chồng mới lập gia đình, với giá bán vừa túi tiền.
Phải nói rằng, chiến lược trên của Vina Megastar khi đó là hoàn toàn mới, đánh trúng nhu cầu thị trường bất động sản đang thiếu trầm trọng loại căn hộ có diện tích nhỏ. Chỉ có điều, kinh nghiệm của một đơn vị sản xuất - kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp nặng đã không giúp Vina Megastar thực hiện Dự án đến nơi đến chốn. Đó là chưa kể việc lựa chọn một đối tác phân phối sản phẩm đã quá mạnh tay trong việc kêu gọi, huy động vốn của khách hàng (khi mà thủ tục pháp lý của Dự án chưa hoàn thiện) khiến Dự án sau đó gặp nhiều trắc trở, kiện tụng và Dự án Megastar Xuân Đỉnh vẫn là mớ “bòng bong” của Megastar cho đến ngày hôm nay.
Nhắc đến những bê bối của Vina Megastar trong lĩnh vực bất động sản, ngoài Megastar Xuân Đỉnh, còn phải kể đến 3 dự án khác của đơn vị này là: Dự án chung cư 409 - Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai, Hà Nội), Dự án cao ốc Hesco Văn Quán (quận Hà Đông, Hà Nội) và Dự án Khu công nghiệp Yên Mỹ 2 (huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên).
Dự án chung cư 409 - Lĩnh Nam còn có tên thương mại là Vinhhung Dominium tọa lạc trên khu đất rộng hơn 1,2 ha, gồm tổ hợp 2 công trình có chức năng thương mại, văn phòng và nhà ở cao tầng (25 tầng và 35 tầng) và 1 khu nhà thấp tầng nằm giữa 2 toà nhà. Công trình có tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng, được khởi công ngày 22/1/2011.
Từ cuối năm 2010, Công ty Kinh doanh nhà Vĩnh Hưng, công ty con của Vina Megastar đã tiến hành huy động vốn cho Dự án. Rất tiếc, sau khi khởi công một thời gian ngắn, việc thi công Dự án đã bị tạm dừng vô thời hạn. Nhiều khách hàng, nhà đầu tư cá nhân góp vốn vào dự án này đang đứng trước nguy cơ mất trắng khoản tiền đã góp vốn vào dự án khi công trình hoàn toàn bất động gần 3 năm nay.
Một dự án tai tiếng khác của Vina Megastar là Hesco Văn Quán có tên gọi đầy đủ là trung tâm thương mại - chung cư cao tầng Hesco -Megastar do Công ty cổ phần Bất động sản Megastar và Công ty cổ phần Thiết bị thủy làm chủ đầu tư.
Dự án gồm 1 toà tháp đôi 50 tầng và toà nhà 45 tầng với các căn hộ chung cư có diện tích 89 - 118 m2. Theo hợp đồng góp vốn của khách hàng mua căn hộ Dự án Hesco Văn Quán, thời gian bàn giao căn hộ là vào cuối năm 2013, nhưng đến nay, Dự án vẫn chỉ là khu đất trống ngổn ngang. Khách hàng, nhà đầu tư thứ cấp cũng bất lực trong việc đòi lại hàng chục tỷ đồng vốn góp vào dự án này.
Ngoài ra, Vina Megastar còn là chủ đầu tư một dự án bất động sản “khủng” khác là Khu công nghiệp Yên Mỹ 2. Dự án được quy hoạch trên diện tích 200 ha, với tổng vốn đầu tư lên đến 1.500 tỷ đồng đang trong quá trình đền bù, giải phóng mặt bằng đã “bất động” suốt từ năm 2010 đến nay. Với Khu công nghiệp Yên Mỹ 2, Megastar cũng bày tỏ ý định xây dựng một dòng sản phẩm bất động sản công nghiệp “xanh”, hướng đến việc thuê đất của những nhà đầu tư công nghệ cao, nhưng đến nay, ý tưởng đó vẫn chỉ nằm trên giấy.
Câu chuyện của Vina Megastar chưa thể đi đến hồi kết nếu các khách hàng, đối tác, cả pháp nhân và thể nhân có liên quan đến việc mua, bán bất động sản, trái phiếu của công ty này chưa được thỏa mãn quyền lợi.
Quyền lợi, trách nhiệm của từng bên sẽ được cơ quan chức năng làm rõ trong thời gian tới. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, câu chuyện của Vina Megastar sẽ là bài học đáng tham khảo cho các nhà đầu tư có ý định bước chân vào lĩnh vực bất động sản trong tương lai.
Nguồn tin:Baodautu