Việc Tây Ban Nha trở thành nước thứ tư trong khu vực đồng euro cần giải cứu không ly kỳ cho bằng câu hỏi: làm thế nào mà nền kinh tế đứng thứ 12 thế giới này nay phải đến nỗi vỡ nợ?
Một phụ nữ Tây Ban Nha bịt miệng bằng tờ 500 euro giả trong cuộc biểu tình phản đối gói cứu trợ của châu Âu dành cho ngành ngân hàng Tây Ban Nha - Ảnh: Reuters
Thật vậy, tai họa đến cho nền kinh tế tính tới cuối năm 2011 trị giá 1.493,513 tỉ USD (1) này lại từ những thua lỗ của một nhóm ngân hàng bị lún trong bãi lầy địa ốc. Và nay, gói giải cứu đầu tiên 100 tỉ euro là để giải cứu những ngân hàng này.
Báo cáo mới nhất tháng 6-2012 của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá tính ổn định tài chính của Tây Ban Nha (2) tóm tắt quá trình thua lỗ sinh nợ nần của các ngân hàng Tây Ban Nha như sau: “Đáng nói là trong khi các yếu tố khách quan bên ngoài chỉ là thứ yếu, thì sự vỡ nợ của Tây Ban Nha chủ yếu đến từ sự phình to của thị trường địa ốc trong nước, khiến các ngân hàng tiết kiệm cứ thế mà lao vào, trong bối cảnh của một bộ máy chính sách và quy định có tầm nhìn quá ngắn và một sự dựa dẫm thái quá nơi việc tài trợ bán buôn”.
Cũng từ trong bóng địa ốc mà ra!
“Sự vỡ nợ của Tây Ban Nha chủ yếu đến từ sự phình to của thị trường địa ốc trong nước, khiến các ngân hàng tiết kiệm cứ thế mà lao vào trong bối cảnh của một bộ máy chính sách và quy định có tầm nhìn quá ngắn và một sự dựa dẫm thái quá nơi việc tài trợ bán buôn”. |
Thật vậy, theo IMF, Tây Ban Nha nay đang hứng chịu vụ nổ bong bóng địa ốc sau một thập niên lao vào vay thế chấp thái quá. Lĩnh vực xây dựng và tín dụng địa ốc đã tăng vọt từ chỉ 10% GDP năm 1992 lên đến 43% GDP vào năm 2009, trước khi xuống còn 37% vào cuối năm ngoái (3).
Trong giai đoạn mà tính thanh khoản trên toàn cầu còn là lớn lao, đồng thời lãi suất còn thấp, các ngân hàng Tây Ban Nha đã thoải mái liều lĩnh cho vay chủ yếu từ nguồn vốn bên ngoài thay vì từ huy động vốn tiết kiệm.
Đến khi việc đóng băng các thị trường bán buôn và cuộc khủng hoảng nợ khu vực đồng euro bùng nổ, Tây Ban Nha đột ngột “phơi lưng” ra trước sự mất cân bằng tài chính trong nước và ngoài nước, điều đó khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái nghiêm trọng kể từ năm 2009-2010. Nền kinh tế năm 2012 này ước tính sẽ co lại chỉ còn tăng trưởng 1,2% mà thôi, đồng thời thất nghiệp hiện đang lên đến 24% và vẫn còn gia tăng, đặc biệt nơi giới trẻ (4).
Khi lĩnh vực xây dựng và địa ốc chiếm đến 43% GDP, như mới cách đây ba năm, thì một khi quả bong bóng địa ốc phát nổ, tai họa cho cả xã hội là không tránh khỏi!
Các ngân hàng ăn ốc cho đã...!
Trong bối cảnh đó, các ngân hàng Tây Ban Nha cũng chết chìm theo. IMF thuật lại quá trình khủng hoảng của hệ thống ngân hàng này như sau: “Cuộc khủng hoảng tài chính chưa từng thấy trong lịch sử hiện đại nước này đã diễn ra thật chóng vánh, chỉ trong vòng bốn năm qua! (5)”...
Trong giai đoạn thứ nhất, “tác động của cuộc khủng hoảng tài chính còn tương đối nhẹ nhàng. Lĩnh vực ngân hàng Tây Ban Nha đã đương đầu được làn sóng khủng hoảng này nhờ vào các nguồn vốn và quỹ dự phòng vững vàng của mình. Tuy nhiên, các ngân hàng Tây Ban Nha, cũng giống như các ngân hàng quốc tế khác, đã đánh mất khả năng tiếp cận các thị trường cấp vốn bán buôn”.
Sang giai đoạn thứ nhì, “các tác động trở nên nghiêm trọng khi mà hoạt động xây dựng sụp đổ, nạn thất nghiệp gia tăng, cầu nước ngoài quá ít ỏi để có thể tái cân bằng, các quỹ tiết kiệm đặc biệt bị tác động. Điều này phản ánh tính yếu kém trong hoạt động cho vay khi nền kinh tế đổi chiều.
Để đối phó, nhà chức trách phát động một kế hoạch tái cơ cấu và tái cấp vốn, thắt chặt hơn nữa các yêu cầu về vốn tối thiểu, khuyến khích các quỹ tiết kiệm này chuyển đổi thành những ngân hàng thương mại”. Nay Tây Ban Nha đang ở trong giai đoạn khủng hoảng thứ ba, mà theo IMF, nay “liên quan đến các thị trường mua bán nợ công”.
Điều này hoàn toàn dễ xảy ra do lẽ trọng lượng của hệ thống ngân hàng Tây Ban Nha là rất lớn so với nền kinh tế nước này, theo IMF: “Tổng tài sản của các ngân hàng này lên đến 320% GDP, trong đó năm ngân hàng lớn nhất làm chủ đến 70% tổng tài sản đó. Vốn cho vay trong khu vực tư nhân ở Tây Ban Nha lên đến 166% GDP nước này” (6). Một khi số vốn cho vay lên đến chừng đó, một khi rơi vào hoàn cảnh chung không trả nợ được, số nợ xấu còn lớn hơn GDP cả nước, nền kinh tế có “tan xác” cũng là điều dễ hiểu.
Đến lúc này, mọi cố gắng tái cơ cấu hầu như vô phương, IMF mô tả: “Trong bối cảnh khó khăn đó, việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã chỉ nhúc nhích chậm rãi. Và cuộc khủng hoảng cứ thế mà sâu sắc hơn và kéo dài hơn, nhất là khi những thua lỗ tiềm ẩn trong lĩnh vực ngân hàng cũng như trong lĩnh vực địa ốc bị đánh giá thấp hơn thực tế. Trong một vài trường hợp, một số ngân hàng yếu kém bị sáp nhập với những ngân hàng cũng yếu kém khác song lớn xác hơn”.
Đến đây, nảy sinh một vấn đề mà trong bất cứ vụ tái cơ cấu nào của thế giới, từ Air France đến General Mortors hay Boeing... là chuyện giảm tải nhân sự: không ai tái cơ cấu mà không sa thải nhân viên, cắt giảm lương cả, dẹp bớt chi nhánh, trừ phi tái cơ cấu bằng mồm! Thế là lĩnh vực ngân hàng dôi ra đến 11% số nhân viên bị sa thải mà đa số chỉ nội trong năm 2011, số chi nhánh giảm đến 15% (7)!
Thế nhưng, giảm nhân sự, giảm chi nhánh thì được, chớ làm sao giảm số nợ khó đòi được: theo IMF, số nợ xấu liên quan đến lĩnh vực xây dựng và địa ốc là chủ chốt trong việc làm thoái hóa chất lượng vốn các ngân hàng. Thật ra, không phải ngân hàng nào cũng vỡ nợ cả. Trong số bốn nhóm ngân hàng mà IMF phân loại, đặc biệt đáng nói đến dễ “tan xác” và cần nhà nước trợ giúp nhất, trong đó có ngân hàng lớn thứ tư nước này là Bankia.
Thiên hạ phải đổ vỏ!
Chính số nợ xấu đó đã khiến Tây Ban Nha rơi vào cảnh vỡ nợ phải xin giải cứu và gói giải cứu 100 tỉ euro là để tái cơ cấu hệ thống ngân hàng! Thật ra, Tây Ban Nha cũng đã dốc sức tự cứu trước khi ngửa tay xin cứu giúp.
Mới tháng vừa qua, chính phủ nước này đã yêu cầu tăng tỉ lệ vốn dự phòng khi cho vay địa ốc từ 7% lên 30% nhằm giảm thiểu nguy cơ mất chi trả và tăng khả năng trợ giúp khi cần. Một số ngân hàng lớn nhất trường vốn và ít dính dáng đến địa ốc đã góp phần vào nỗ lực này.
Bên cạnh đó cũng may là trong nền kinh tế Tây Ban Nha còn có những ngành công nghiệp ăn nên làm ra đã góp vào Quỹ tái cơ cấu (FROB) 13 tỉ euro, và sẽ nâng lên đến 34 tỉ euro (tương đương 3,2% GDP) sau khi gói cứu trợ của Liên minh châu Âu (EU) được thông qua (8).
Bên cạnh đó, Chính phủ Tây Ban Nha cũng phải hạ quyết tâm đáp ứng yêu cầu EDP (Excessive deficit procedure, tiết giảm thâm thủng ngân sách) đề ra bởi EU, theo đó thâm thủng ngân sách không được vượt qua 3% GDP và nợ công không được lớn hơn 60% GDP.
Cũng may Tây Ban Nha là nền kinh tế lớn thứ 12 thế giới, chủ yếu là tư nhân, nên không phải bao cấp và tương đối cũng có gì để xuất khẩu, mặt khác đồng tiền sử dụng là đồng euro chứ không phải là một đồng tiền không chuyển đổi được nên vẫn còn ít nhiều hi vọng vượt qua. Dẫu sao thì với vụ giải cứu này, hệ số tín dụng của Tây Ban Nha nay cũng đã bị đánh tuột từ hạng “A” xuống còn “BBB” (9) và lãi suất đi vay từ nay tối thiểu cũng từ 6,5%/ năm trở lên.
Nguồn tin:Taichinhthegioi