Cách đây hàng chục năm, khi dòng pin E... mới ra đời và được quảng cáo rầm rộ trên tivi, ai cũng nghĩ đây sẽ là loại pin bán chạy nhất bởi các tính năng ưu việt cũng như mác “ngoại” của sản phẩm này. Thế nhưng, thực tế lại khác và những người đầu tiên dự báo “tuổi thọ ngắn” của dòng sản phẩm này lại là những người bán tạp hóa bình thường, trong đó có mặt hàng pin.
“Pin này sẽ khó bán”, nhiều người nói ngay vào thời điểm đang bán chạy lúc đầu. Lý do được họ đưa ra là: “Tên gọi gì mà dài quá, lại là tên tiếng Anh. Lượng người tiêu dùng không biết tiếng Anh thì rất lớn, làm sao họ nhớ được cái tên ngoại dài dằng dặc để mà gọi, nên gọi sai là chuyện phổ biến. Sau khi truyền hình ngưng quảng cáo, họ ngưng mua hẳn vì sợ gọi sai bị cười”.
Trong khi đó các loại pin như pin con Ó, pin 555,... tiếp tục giữ ngôi vị ưu tiên trong lòng người tiêu dùng, bởi tên gọi dễ nhớ, dễ phát âm, dễ gọi. Bởi cơ cấu dân số VN, người nông dân vẫn chiếm số đông và thời ấy (thậm chí bây giờ), số người biết tiếng Anh cũng không phải chiếm đa số. Riêng pin E... có vẻ thích hợp cho giới chuyên môn nhiều hơn và hiện nay chủ yếu tập trung phân khúc thị trường nhỏ này...
Quan sát thị trường cho thấy, các dòng sản phẩm tiêu dùng thiết yếu nằm trong top các sản phẩm bán chạy nhất so với dòng sản phẩm cùng chức năng cũng đều có tên gọi hết sức giản dị, dù có thể có lẫn chút hơi “tiếng Anh” (tất nhiên chất lượng phải tốt và giá hợp lý), chẳng hạn bột giặt Omo, xe Honda, dầu gội Sunsilk, sữa Vinamilk...; trong khi các sản phẩm có tên gọi “khó phát âm” hơn thì ít được người tiêu dùng chọn mua.
Một cái tên dễ nhớ để họ luôn nhớ trong lòng và khi cần thiết (có nhu cầu sử dụng hàng hóa), tên gọi ấy được bật ra và thế là xác lập được quyết định tiêu dùng.
NLĐ