Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thách thức điều hành chính sách tiền tệ

Để về đích trong việc triển khai các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2011, những tháng còn lại, nền kinh tế nước ta phải đối mặt và hóa giải nhiều thách thức như kiềm chế lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, điều hành các thị trường vận hành lành mạnh... 

Giải pháp nào sẽ được triển khai khi thời điểm cuối năm càng đến gần?

Lạm phát chưa được kiềm chế
Đây là thách thức lớn nhất đối với sự điều hành của Chính phủ và riêng chính sách tiền tệ. Theo TS. Nguyễn Thị Thanh Hương, (NHNN), một đặc điểm khác biệt của nước ta so với các nước khác trong khu vực là lạm phát cao trong khi tốc độ tăng trưởng chỉ ở mức trung bình.
Lạm phát tại Việt Nam hội đủ các nguyên nhân, vừa là lạm phát chi phí đẩy, vừa là lạm phát cầu kéo, vừa là lạm phát kỳ vọng - phát sinh từ các yếu tố tâm lý hoặc đầu cơ. Điều này có  nguyên nhân từ các yếu kém nội tại của nền kinh tế; vừa có nguyên nhân từ “nhập khẩu lạm phát”, tác động của chính sách tiền tệ và yếu tố phi tiền tệ.
Có thể thấy yếu kém nội tại của nền kinh tế được tích lũy từ nhiều năm qua nay bộc lộ rõ như: Mô hình tăng trưởng kinh tế dựa chủ yếu vào mở rộng đầu tư nhưng lại kém hiệu quả, nhất là đầu tư nhà nước; giá các mặt hàng xăng dầu, điện, dịch vụ xã hội thiết yếu phục vụ đời sống dân cư và tỷ giá được bao cấp, nay phải điều chỉnh lại theo cơ chế thị trường; nới lỏng chính sách tiền tệ trong những năm trước đây; thâm hụt ngân sách kéo dài trong nhiều năm…
Theo TS. Lê Anh Tuấn, Giám đốc nghiên cứu Dragon Capital, sự tồn tại trong cơ cấu thị trường, đặc biệt của thị trường lương thực, thực phẩm (như giá gạo, thịt lợn) vừa qua đã ảnh hưởng mạnh đến lạm phát.
Những nguyên nhân trên khiến vòng luẩn quẩn lạm phát - đồng tiền mất giá - lạm phát hình thành nên khó phá vỡ trong thời gian ngắn. Vì vậy, việc kiểm soát, kiềm chế lạm phát ở nước ta cần thời gian dài hơn.
Nhiều chuyên gia cho rằng giải quyết gốc bài toán lạm phát phải giải quyết những yếu kém nội tại của nền kinh tế, như mô hình tăng trưởng kinh tế; chính sách và quản lý tài chính công; chính sách thương mại; chính sách quản lý bất động sản; những bất cập trong quản lý và điều hành ở tầm vĩ mô trước những biến động bất thường của nền kinh tế.
Định vị mặt bằng lãi suất VNĐ và USD
Lãi suất cho vay VNĐ hiện dao động 20-25%/năm, được xem là quá cao so với sức chịu đựng của doanh nghiệp. Điều này cũng kéo theo hàng loạt hệ lụy khác cho nền kinh tế, như hoạt động sản xuất-kinh doanh nhiều doanh nghiệp bị đình trệ gây thiết hụt nguồn cung trên thị trường, đồng thời dẫn đến nguy cơ tăng mạnh nợ xấu trong hệ thống NH.
Theo phân tích của TS. Nguyễn Thị Thanh Hương, nguyên nhân lãi suất quá cao có phần không hợp lý nằm ở 3 vấn đề: Quản trị điều hành yếu kém của một số NHTM, nhất là yếu kém trong quản trị rủi ro tín dụng, quản trị thanh khoản; sự quản lý, điều hành trên thị trường liên NH chưa khơi thông tốt các luồng vốn; sự thắt chặt có phần quá mức của chính sách tiền tệ. Nhiều chuyên gia cho rằng thời gian tới, NHNN nên dùng các công cụ của chính sách tiền tệ để giải quyết vấn đề thanh khoản của các NH, khơi thông thị trường mở và thị trường liên NH, nới lỏng sự thắt chặt tiền tệ... để từng bước được hạ thấp theo mức độ giảm lạm phát của nền kinh tế.
Một vấn đề đáng lo ngại là mức chênh lệch lãi suất giữa VNĐ và USD quá lớn, tạo động lực mạnh mẽ để doanh nghiệp và NHTM tăng trưởng tín dụng ngoại tệ. Trong khi đó, tiền gửi tiết kiệm ngoại tệ có xu hướng giảm vì khách hàng chuyển sang gửi tiết kiệm lại bằng VNĐ. Xu hướng này tạo nên rủi ro thanh khoản ngoại tệ cho hệ thống NH.
Những diễn biến trên thị trường ngoại hối vừa qua cho thấy phản ứng của thị trường khá tích cực đối với chính sách quản lý ngoại hối. Tuy nhiên, lạm phát còn đang ở mức cao và tăng trưởng dư nợ  bằng USD hơn hẳn so với VNĐ, cộng với việc nhập siêu thường cao vào quý IV có thể gây áp lực lớn tới tỷ giá trong thời gian tới nếu không được kiểm soát tốt.
Để kiểm soát dư nợ ngoại tệ tại các NHTM, các chuyên gia đưa ra đề xuất NHNN cần sớm sửa đổi nội dung Thông tư 07/2011/TT-NHNN quy định, cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay là người cư trú, theo hướng thu hẹp hơn nữa đối tượng cho vay ngoại tệ, chỉ cho vay những doanh nghiệp có khả năng tái tạo ngoại tệ; đồng thời NHNN cần nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi ngoại tệ buộc các NHTM phải tăng lãi suất cho vay ngoại tệ để NHNN có thêm nguồn dự trữ ngoại tệ.
Hạn chế bất ổn thị trường
Thị trường chứng khoán trầm lắng, tính thanh khoản thấp, doanh nghiệp khó khăn trong huy động vốn, tạo áp lực tăng trưởng tín dụng NH. Do vậy các chính sách của Nhà nước cần hướng tới việc thu hút những nhà đầu tư có chiến lược đầu tư trung, dài hạn trên thị trường chứng khoán, kể cả nhà đầu tư là cá nhân hay các tổ chức.
Thị trường bất động sản trong cảnh giá giảm nhưng vẫn rất ít giao dịch thành công, lý do cơ bản là dòng vốn FDI vào thị trường này hạn chế, kênh huy động vốn qua thị trường chứng khoán và NH gần như không thực hiện được. Tăng mạnh cung tiền để cứu thị trường bất động sản là giải pháp dễ nhất nhưng cũng có thể sẽ để lại những hậu quả lớn sau này. Năm 2009 là một thí dụ điển hình khi Nhà nước hỗ trợ lãi suất doanh nghiệp quá đà, hậu quả là nợ của các công ty tiếp tục phình to, bong bóng bất động sản càng lớn hơn.
Về thị trường vàng, NHNN cần nhanh chóng ban hành khuôn khổ pháp lý mới để quản lý chặt chẽ thị trường vàng, đồng thời tạo cơ chế thích hợp để có sự liên thông nhanh nhạy giữa thị trường vàng trong nước với thị trường quốc tế để mặt bằng giá vàng trong nước không quá cách biệt so với quốc tế.
Dư luận xã hội cũng cần nhận thức đúng và có sự đồng thuận với Nhà nước trong việc quản lý chặt chẽ thị trường ngoại tệ và thị trường vàng.
 
Nguồn tin: Sài Gòn Đầu Tư

ĐỌC THÊM