Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thái Hưng quần thảo thị trường thép

 Tăng vốn tại Thép Việt Ý và tiếp tục đeo đuổi Thép Thái Nguyên, Thái Hưng đang cho thấy “lợi ích kép” của hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) khi lấn sân vào sản xuất.

Dọn đống thép “ngổn ngang”

Công ty cổ phần Thương mại Thái Hưng đang sở hữu 20% vốn tại CTCP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) và 51,01% vốn tại CTCP Thép Việt Ý (VIS), nhưng chưa dừng lại, mà tiếp tục muốn nâng tỷ lệ nắm giữ cũng như đưa người tham gia vào HĐQT của hai doanh nghiệp thép này. Mới đây, Thái Hưng đã đăng ký mua hơn 10 triệu cổ phiếu của VIS. Nếu giao dịch thành công, Thái Hưng sẽ nắm giữ 65% vốn cổ phần của VIS, tương đương gần 49 triệu cổ phiếu.


Sản xuất thép tại CTCP Thép Việt Ý - doanh nghiệp mà Thái Hưng hiện nắm 51,01% vốn.

Như vậy, sau nhiều lần chào mua công khai, Thái Hưng đã có được VIS. Trong khi đó, Thái Hưng đã từng sang tay 20% cổ phần/vốn điều lệ VIS cho đối tác chiến lược Kyoei Steel (Nhật Bản). Giới phân tích cho rằng, việc Thái Hưng “thò tay” vào đã làm thay da đổi thịt “đống sắt vụn” VIS, mở ra một đường đua mới để VIS tăng tốc phát triển. Không hổ danh khi Tổng công ty Sông Đà tin tưởng Thái Hưng để chọn mặt gửi vàng, thoái toàn bộ phần vốn nhà nước tại VIS. Bởi Thái Hưng là một đối tác phân phối thân thiết của VIS từ ngày đầu thành lập.

VIS ngày chưa có Thái Hưng được biết đến với hoạt động kinh doanh trồi sụt trong giai đoạn 2010-2015. Soi kết quả kinh doanh 3 năm gần nhất, thì năm 2013, tổng lợi nhuận trước thuế, sau thuế của VIS đều âm lần lượt hơn 27 tỷ đồng. Năm 2014, kết quả có khởi sắc với ghi nhận lãi khoảng 22 tỷ đồng. Tới năm 2015, VIS tiếp tục lỗ tới 51,8 tỷ đồng. Sau khi Tổng công ty Sông Đà rời đi, nhường chỗ cho Thái Hưng, đã tạo điều kiện để cổ đông lớn cải tổ nhân sự, thay đổi Chủ tịch HĐQT, kế tiếp là Chủ tịch HĐQT mới đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc, thay mới các Phó tổng giám đốc, Kế toán trưởng… Cuối năm 2016, VIS đã lột xác ngoạn mục với kết quả khả quan khi tổng lợi nhuận trước thuế tới 75 tỷ đồng. Khi thấy tín hiệu tốt cũng là lúc Thái Hưng lên kế hoạch gấp rút thực hiện chiến lược đầu tư cho VIS.

Trong năm 2017, VIS gấp rút triển khai 3 dự án lớn tại Hải Phòng và Hưng Yên là: Nhà máy cán thép công suất 500.000 tấn và Dự án lò điện cảm ứng nâng cao công suất luyện phôi 200.000 tấn/năm tại Hải Phòng; Nhà máy sản xuất phôi thép công suất 500.000 tấn tại Hưng Yên. Tổng mức đầu tư 3 dự án này khoảng 822,5 tỷ đồng.

Năm 2017 cũng là năm VIS có kết quả kinh doanh sáng sủa. Với mảng phân phối thép VIS đạt mức kỷ lục kể từ khi thành lập công ty, đạt 379.781 tấn, tăng 22% so với năm 2016. Trong đó Thái Hưng và các nhà phân phối Thái Hưng chiếm 41% (vượt 5% so với năm 2016), Đất Việt chiếm 22%, giảm 19% so với năm 2016, Lâm Anh và Xí nghiệp Thép vật tư Hà Nội đều chiếm 5%, còn lại các nhà phân phối khác.

Tổng khối lượng phôi sản xuất năm 2017 đạt 452.369 tấn, bằng 108% kế hoạch, gấp 1,7 lần so với năm 2016, vượt 13% so với công suất thiết kế (400.000 tấn/năm); Thép đạt 301.201 tấn, tăng 3% so với năm 2016.

Năm 2018 này, Công ty đặt mục tiêu sản xuất được 500.000 tấn phôi và 410.000 tấn thép thành phẩm. Doanh thu đạt 7.093 tỷ đồng, tăng trưởng 16% so với năm trước. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng trưởng tới 64%, đạt 90,4 tỷ đồng.

Đặc biệt, VIS sẽ nới room cho nhà đầu tư nước ngoài lên tối đa 100%. Động thái này của VIS nhằm nuôi tham vọng trở thành công ty sản xuất, kinh doanh thép tầm cỡ thế giới. Việc Thái Hưng sang nhượng 20% cổ phần VIS cho cổ đông Nhật Bản Kyoei Steel với mức giá thấp hơn giá mà Thái Hưng phải gom mua được coi là sự hy sinh có tính chiến lược. Bởi Kyoei Steel có kế hoạch khởi động lại dự án xây dựng nhà máy cán thanh thép tại miền Bắc với số vốn đầu tư lên đến 200 triệu USD, nhằm nâng công suất và giảm giá thành. VIS sẽ có cơ hội mở rộng thị phần, bơm thêm vốn đầu tư vào các doanh nghiệp Thép của Thái Hưng, mở ra con đường phân phối và gia tăng lợi nhuận của Thái Hưng với “lõi” cơ bản ngành thép.

Sau khi mọi thứ ổn định với VIS, Thái Hưng tiếp tục “vươn tay”, trở thành cổ đông lớn của TISCO. Đây được coi là “con chim đầu đàn”, cái nôi của ngành công nghiệp luyện kim Việt Nam - Khu Gang thép Thái Nguyên, với dây chuyền sản xuất liên hợp khép kín từ khai thác quặng sắt đến sản xuất gang, phôi thép và cán thép. Tuy nhiên, việc sốt sắng xây nhà máy thép quy mô lớn như một “biểu tượng công nghiệp” của TISCO đã để lại di chứng nặng nề, trở thành những “đống sắt gỉ” hoang tàn.

Năm 2017, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã thoái hết 1.000 tỷ đồng vốn góp vào TISCO theo yêu cầu của Chính phủ và Bộ Tài chính. Sau khi SCIC rút lui, cơ cấu cổ đông lớn của TISCO còn Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) nắm 65% vốn, Thái Hưng nâng tỷ lệ sở hữu tại đây lên 20% vốn (từ tháng 5/2017). Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Thái Hưng trở thành Chủ tịch HĐQT TISCO. Không dừng lại ở đó, Thái Hưng muốn thâu tóm nốt số cổ phần của TISCO đang nằm trong VNSteel. Năm 2017, TISCO lãi trước thuế gần 119,7 tỷ đồng, giảm sâu 44% so với năm 2016 và mới hoàn thành 55% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. Lợi nhuận sau thuế thu về gần 98 tỷ đồng.

Lợi ích kép của M&A

Tổng doanh thu của Thái Hưng trung bình đạt 1 tỷ USD/năm, trong giai đoạn 2017 - 2020, Công ty vạch ra thế kiềng 3 chân vững chắc: sản xuất - kinh doanh - dịch vụ, lấy trọng tâm là ngành thép. Ước tính, Thái Hưng đang chiếm khoảng 13% thị phần xuất, nhập khẩu thép cả nước, trở thành nhà phân phối thép lớn nhất miền Bắc. Vậy nên, khi thực hiện các giao dịch gom mua cổ phiếu VIS, Thái Hưng không chỉ có được siêu lợi nhuận đầu tư tài chính với tỷ suất sinh lời không tưởng, mà còn muốn đi đường dài với các công ty sản xuất. Giới phân tích cho rằng, khi đã trở thành công ty phân phối thép lớn nhất miền Bắc, Thái Hưng lấn sân sang sản xuất thép chuyên nghiệp để làm từ gốc tới ngọn.

“Sản xuất là yếu tố cuối cùng doanh nghiệp muốn hướng tới. Bởi làm thương mại chỉ là thuyền lên nước lên, lợi nhuận thấp. Sau 25 năm, Thái Hưng đã có tiềm lực tài chính mạnh, quản lý, công nghệ tốt, tất yếu sẽ chuyển sang làm sản xuất. Hơn nữa, ngành thép vào tay tư nhân sẽ làm nên chuyện hơn”, một doanh nghiệp phân phối thép ở Hà Nội cho hay.

Câu chuyện Hoà Phát tăng trưởng phi mã, với thương hiệu và chất lượng tốt là minh chứng. Hiện đại gia này đang dốc sức để hoàn thành Khu liên hợp sản xuất thép Dung Quất có vốn đầu tư 2 tỷ USD. Dự án đi vào vận hành sẽ tung ra thị trường thêm 2 triệu tấn sản phẩm thép và được kỳ vọng sẽ vẽ lại bản đồ tiêu thụ thép của Hoà Phát. Hoà Phát đang có vị thế không có đối thủ ở Việt Nam, với kế hoạch doanh thu năm nay đạt 55.000 tỷ đồng, lợi nhuận 8.050 tỷ đồng. Đến năm 2020, khi hoàn thành khu liên hợp gang thép, sản lượng thép của Hòa Phát sẽ đạt khoảng 7 triệu tấn, đứng nhất nhì khu vực Đông Nam Á.

Hai năm trước, Hoà Phát cũng muốn mua lại TISCO, dù không quá hứng thú. Theo ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Hoà Phát, TISCO giờ không còn nhiều ưu thế nữa.

Mặc dù vậy, đối với Thái Hưng thì TISCO vẫn là mảnh ghép hoàn hảo để tham gia vào sản xuất. Việc thâu tóm VIS và trở thành cổ đông lớn của TISCO cho thấy kế hoạch mở rộng quy mô và chuỗi giá trị của doanh nghiệp này lên một nấc thang mới.

Thái Hưng được thiết lập bởi bà Nguyễn Thị Cải và chồng là ông Nguyễn Quốc Thái. Hiện quyền lực tại Thái Hưng được chuyển giao cho những người con: ông Nguyễn Văn Tuấn, đảm nhận Chủ tịch HĐQT và bà Nguyễn Thị Vinh (vợ ông Lê Hồng Khuê, Chủ tịch HĐQT VIS) là Tổng giám đốc. Đội ngũ kế cận này được truyền lửa bởi bà Cải, được biết đến là “người đàn bà thép” có khả năng làm sôi sục thị trường nơi “đất thép” (Thái Nguyên). Dự kiến, tên tuổi của đại gia ẩn danh này sẽ lộ diện nhiều hơn trên trận chiến thép Việt trong thời gian tới.

Nguồn tin: Đầu tư

ĐỌC THÊM