Mặc dù Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng buộc phải dừng sản xuất, nhưng những người lao động tại đây sau thời gian nghỉ việc có hưởng lương cơ bản vẫn tiếp tục được bố trí việc làm phù hợp.
Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng buộc phải dừng sản xuất.
Từ nhiều năm nay, câu chuyện đảm bảo quyền lợi của người lao động tại Cty CP Luyện cán thép Gia Sàng chưa lúc nào hết “nóng” tại TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.
Trong Báo cáo số 400/BC- SLĐTBXH ngày 25/8/2017 Sở Lao động thương binh và xã hội tỉnh Thái Nguyên cho biết: Tính đến thời điểm 31/7/2017 tổng số tiền nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) của Cty CP Luyện cán thép Gia Sàng là 6.680.283.006 đồng; nợ người lao động tự nộp trước để chốt sổ BHXH là 1.559.650.069 đồng; nợ tiền bảo hiểm y tế là 73.278.000 đồng; nợ tiền thanh toán tai nạn lao động 163.646.141 đồng; nợ tiền chấm dứt hợp đồng lao động 9.716.150.894 đồng; nợ lương người lao động 16.285.287.657 đồng…
Báo cáo của Sở Lao động thương binh và xã hội tỉnh Thái Nguyên ngày 25/8/2017
Theo Sở Lao động thương binh và xã hội tỉnh Thái Nguyên, nguồn kinh phí bán đấu giá một phần tài sản của Cty CP Luyện cán thép Gia Sàng sau khi đã trả gần 39 tỷ đồng tiền gốc và lãi cho Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Thái Nguyên theo Quyết định của Chi cục thi hành án dân sự TP Thái Nguyên và chi phí liên quan số tiền còn lại là trên 17,4 tỷ đồng, trong đó số tiền lãi chậm thi hành án của Ngân hàng là hơn 8,3 tỷ đồng.
“Tuy nhiên không hiểu vì sao số tiền còn lại (hơn 9 tỷ đồng) là tiền bán đấu giá tài sản Chi cục thi hành án dân sự TP Thái Nguyên vẫn giữ của Cty CP Luyện cán thép Gia Sàng hơn một năm nay mà không rõ lý do khiến Cty đã khó càng thêm khốn vì không có tiền trang trải phần quyền lợi cho công nhân, lao động”, ông Bùi Long Xuyên - Tổng Giám đốc Cty CP Luyện cán thép Gia Sàng cho biết.
Cũng theo ông Xuyên, hiện nay Cty vẫn tiếp tục đề nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết khoản tiền còn “đọng” tại Chi cục thi hành án dân sự TP Thái Nguyên. Trong trường hợp chưa thể giải quyết ngay Cty CP Luyện cán thép Gia Sàng đã đề nghị và Cty CP Thương mại Thái Hưng cũng đã đồng ý cho vay 8 tỷ đồng để Cty thanh toán một phần nợ gốc BHXH, nợ lương, chốt sổ lao động và các khoản trợ cấp (trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm…) nhằm đảm bảo vấn đề an sinh xã hội, đảm bảo quyền lợi cho người lao động xong trước Tết Nguyên đán.
Người lao động vẫn có thu nhập
Như Báo Xây dựng đã phản ánh: Do chi phí sản xuất quá lớn, chất lượng sản phẩm không đảm bảo, ô nhiễm môi trường cao, nguy cơ mất an toàn lao động thường trực tại cơ sở sản xuất cũ nát sau hơn 40 năm sử dụng… buộc nhà đầu tư và lãnh đạo Cty CP Luyện cán thép Gia Sàng phải đi đến quyết định dừng sản xuất.
Dừng sản xuất, đồng nghĩa với hàng trăm công nhân của Cty CP Luyện cán thép Gia Sàng sẽ không có việc làm. Thế nhưng, trên thực tế những người lao động tại đây sau thời gian nghỉ việc có hưởng lương cơ bản tiếp tục được bố trí việc làm phù hợp.
Trao đổi với Phóng viên, ông Bùi Long Xuyên - Tổng Giám đốc Cty CP Luyện cán thép Gia Sàng cho hay: Cty CP Luyện cán thép Gia Sàng ngừng sản xuất từ tháng 1/2013 - tháng 7/2016. Trong thời gian này chỉ tập trung vào công tác bảo vệ tài sản, thiết bị và duy trì bộ máy hành chính, văn phòng, tìm kiếm cơ hội và lựa chọn nhà đầu tư. Do dừng sản xuất kéo dài nên lực lượng lao động có tay nghề xin chuyển công tác, về nghỉ chế độ, tạo ra mất cân đối nghiêm trọng về nhân lực phục vụ sản xuất trở lại. Cty đã phải tìm nhiều biện pháp tuyển dụng để có đủ nhân lực đáp ứng cho dây chuyền sản xuất thép cán mà nhà đầu tư - Cty CP Thương mại Thái Hưng giao.
Tính đến cuối tháng 9/2017, tổng số lao động trên danh sách của Luyện cán thép Gia Sàng là 215 người, nhưng thực tế lao động thường xuyên là 135 người (trong đó có mặt làm việc 117 người, nghỉ thai sản 2 và tạm hoãn hợp đồng lao động 4 trường hợp.)
Tìm hiểu cụ thể chúng tôi được biết: Để tinh lọc bộ máy gọn nhẹ, giữ lại những lao động có tâm huyết, trách nhiệm và phù hợp với tình hình thực tế của doanh nghiệp, Cty đã chủ động xây dựng một phương án sử dụng lao động trong thời gian dây chuyền dừng sản xuất và thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp lên công suất nhà máy 500 nghìn tấn/năm.
Theo đó Cty sẽ lựa chọn khoảng 80 lao động tham gia tháo dỡ, di dời nhà xưởng, bảo dưỡng vật tư, thiết bị, máy móc còn sử dụng được, làm công tác hành chính quản trị… Thời gian nào không bố trí được việc làm cho người lao động, Cty sẽ trả lương tối thiểu vùng. Dự kiến có khoảng 20 lao động sẽ chấm dứt hợp đồng lao động, Cty cũng sẽ chi trả ngay khoản tiền trợ cấp thôi việc (nếu có) theo đúng quy định.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc Cty CP Luyện cán thép Gia Sàng cũng tiết lộ kế hoạch nhân sự: Thực hiện Dự án này, toàn bộ người lao động của Cty CP Luyện cán thép Gia Sàng hiện nay sẽ được ưu tiên việc làm trong quá trình xây dựng và vận hành nhà máy, nhiều người đã được đưa đi đào tạo lại, nhằm vận hành tốt hơn trên dây chuyền công nghệ cán thép hiện đại khi dự án đi vào hoạt động.
Nguồn tin: Xây dựng