Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nhữ Văn Tâm vừa có văn bản giao Ban Quản lý các KCN chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND TP.Sông Công và các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra thực tế việc khắc phục ô nhiễm của Cty CP thép Toàn Thắng, tạo điều kiện để Cty này hoạt động sản xuất trở lại.
Nhà xưởng của Cty CP thép Toàn Thắng.
Trước đó, UBND tỉnh Thái Nguyên nhận được Công văn số 33/CV-TTS ngày 19/7/2017 của Cty CP thép Toàn Thắng về việc báo cáo sự cố môi trường và đề nghị tạo điều kiện cho Cty tiếp tục hoạt động sản xuất. Tại Văn bản số 3194/UBND-CNN ban hành ngày 01/8/2017, UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu Cty CP thép Toàn Thắng thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất; khẩn trương khắc phục sự cố ô nhiễm, đảm bảo bụi, khí thải từ các lò luyện gang, luyện thép, luyện xỉ giàu magan được thu gom và xử lý đáp ứng được quy chuẩn trước khi thải ra môi trường; có phương án cụ thể phòng chống sự cố xảy ra trong quá trình hoạt động, đặc biệt là sự cố từ hệ thống xử lý bụi, khí thải.
Cũng tại văn bản này, UBND tỉnh Thái Nguyên giao Ban Quản lý các KCN chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND TP.Sông Công và các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra thực tế việc khắc phục ô nhiễm của Cty CP thép Toàn Thắng. Tạo điểu kiện để Cty hoạt động sản xuất sau khi đã khắc phục ô nhiễm, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát Cty CP thép Toàn Thắng thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động sản xuất.
Được biết, Cty CP thép Toàn Thắng thành lập năm 2009. Cty này đã đầu tư trên 300 tỷ đồng để xây dựng nhà máy sản xuất phôi thép tại khu B, Khu công nghiệp Sông Công I và chính thức đưa sản phẩm ra thị trường từ năm 2012.
Tuy nhiên, do công nghệ sản xuất thép lạc hậu đã buộc Cty này phải trả giá ngay khi đưa vào hoạt động. Theo đó, Cty phải liên tục dừng sản xuất vì sự cố môi trường, chịu sức ép từ người dân, chính quyền khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh đình trệ.
Trước sự bức xúc của người dân, cuối tháng 6/2016 UBND TP Sông Công, Sở Tài nguyên và Môi trường đã kiểm tra, lập biên bản, ra quyết định xử lý đối với Cty CP Thép Toàn Thắng vì đã nhiều lần xả bụi, khí thải chưa được xử lý ra môi trường gây ô nhiễm khu dân cư.
Các cơ quan chức năng đã yêu cầu Cty dừng ngay hoạt động xả thải tại khu vực lò luyện phôi thép để cải tạo, sửa chữa, nâng cấp hệ thống thu gom, xử lý bụi, khí thải đáp ứng các yêu cầu theo quy định về bảo vệ môi trường. Đồng thời, cũng kiến nghị với UBND tỉnh xử phạt hành chính đối với Cty này.
Mặc dù đã bị cơ quan chức năng xử phạt, nhưng do mức phạt thấp (15 triệu đồng) nên sau khi nộp phạt, Cty CP Thép Toàn Thắng vẫn tiếp tục sản xuất.
Theo phản ánh của người dân, việc xả khí thải chưa qua xử lý của Cty này tiếp tục diễn ra và chủ yếu vào ban đêm. Khí bụi thải ra môi trường của Nhà máy có màu nâu, mùi khét kèm theo rất nhiều bụi bẩn gây khó thở, nhức đầu và buồn nôn.
Đến ngày 13/9/2016, Đoàn thanh tra liên ngành của tỉnh Thái Nguyên đã kiểm tra đột xuất và đã lập biên bản yêu cầu Cty chấm dứt ngay hoạt động xả thải gây ô nhiễm môi trường, buộc doanh nghiệp ngừng sản xuất để xử lý. Tuy nhiên, đến ngày 3/01/2017, theo báo cáo của Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên, Cty CP thép Toàn Thắng chưa xử lý gây ô nhiễm môi trường xả bụi, khí thải.
Tiếp đó, ngày 12/01/2017 UBND tỉnh Thái Nguyên cũng đã có văn bản 124/UBND-CNN giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý các KCN và các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra, hướng dẫn, giám sát Cty CP thép Toàn Thắng thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất; tổ chức lấy mẫu quan trắc khí thải theo chế độ đột xuất để xác định rõ mức độ ô nhiễm và tiến hành xử lý các vi phạm về xả thải của Cty CP thép Toàn Thắng tại KCN Sông Công; đồng thời yêu cầu phía Cty thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, đặc biệt là việc cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý bụi, khí thải của phân xưởng luyện thép; các lò luyện thép chỉ được hoạt động khi hệ thống xử lý bụi, khí thải đảm bảo đáp ứng được Quy chuẩn trước khi thải ra môi trường.
Dư luận rất đồng tình với những động thái của cơ quan chức năng và UBND tỉnh Thái Nguyên về việc bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng nếu ngay từ khi thẩm định, phê duyệt, dự án này bị loại bởi công nghệ lạc hậu thì không chỉ môi trường địa phương được trong sạch mà ngay cả nhà đầu tư cũng không bị thiệt hại về kinh tế.
Nguồn tin: Xây dựng