Các bên liên quan vẫn có thể tiếp tục gửi văn bản trình bày thêm quan điểm của mình cho cơ quan điều tra trong vòng 7 ngày tới.
Ngày 6/6, tại Hà Nội, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) tổ chức buổi tham vấn trong vụ việc điều tra chống bán phá giá một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội xuất xứ từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Đài Loan (Trung Quốc) nhập khẩu vào Việt Nam.
Các bên liên quan tham dự buổi tham vấn gồm đại diện các nhà sản xuất trong nước, đại diện các nhà nhập khẩu, đại diện các doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu nước ngoài là bị đơn hoặc có liên quan trong vụ việc, đại diện Bộ Thương mại và Công nghiệp Malaysia, đại diện Đại sứ quán Malaysia tại Hà Nội, đại diện Đại sứ quán Cộng hòa Indonesia tại Hà Nội, đại diện Văn phòng Kinh tế Văn hóa Đài Bắc, đại diện của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Tại buổi tham vấn này, đại diện của các bên liên quan đã có bài trình bày bày tỏ quan điểm của mình đối với các vấn đề liên quan đến vụ việc. Sau phiên tham vấn, cơ quan điều tra lập biên bản buổi tham vấn và sẽ gửi cho các bên liên quan khi có yêu cầu.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 29 của Nghị định 90/2005/NĐ-CP, trong thời hạn 7 ngày làm việc tính từ ngày tổ chức tham vấn, các bên liên quan có quyền gửi văn bản trình bày thêm quan điểm của mình liên quan đến vụ việc chống bán phá giá cho Cơ quan điều tra.
Trước đó, hồi đầu tháng 12/2013, Cục Quản lý cạnh tranh đã công bố kết luận điều tra của mình trong giai đoạn điều tra theo đề nghị của 2 doanh nghiệp trong nước là Posco VST và Inox Hòa Bình về áp dụng biện pháp chống bán phá giá với sản phẩm trên nhập khẩu vào Việt Nam từ Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia và Indonesia.
Kết luận của cơ quan này là có hiện tượng chống bán phá giá, và đề nghị áp dụng mức thuế tạm trong thời gian 120 ngày, với mức thuế thấp nhất từ 6,45% đến cao nhất là 30,73%.
Ngay lập tức, 18 DN trong nước sản xuất hàng từ nguyên liệu inox nhập khẩu từ 4 thị trường nêu trên đã phản ứng khá quyết liệt với kết luận sơ bộ của Cục Quản lý cạnh tranh vì cho rằng nếu áp thuế sẽ chặn đứng khả năng tiếp cận nguồn nguyên liệu phong phú với giá cạnh tranh, và sẽ đẩy các doanh nghiệp này vào tình thế khó khăn, không thể cạnh tranh được.
Hiện các mặt hàng thép không gỉ có mức thuế nhập khẩu vào Việt Nam từ 0-10%. Trong đó, mức thuế nhập khẩu bằng 0% được áp dụng cho thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ một số nước như Trung Quốc và các nước ASEAN, theo cam kết trong các hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia./.
Nguồn tin: VOV