Vừa ứ đọng trong nước, vừa xuất tăng nhưng vẫn nhập khẩu rất mạnh, nghịch lý của ngành than hiện nay đang khiến dư luận khó hiểu.
Xuất tăng, nhập mạnh, tồn kho cao
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan VN, lượng than đá xuất khẩu trong tháng 5.2017 đạt 360.000 tấn, trị giá 48 triệu USD, tăng 150,9% về lượng và tăng 153,5% về trị giá so với tháng trước. Tính 5 tháng đầu năm, tổng lượng than xuất khẩu của cả nước đạt 877.000 tấn, gấp hơn 3 lần so cùng kỳ năm trước. Trong đó, Nhật Bản và Malaysia là hai thị trường dẫn đầu về nhập khẩu than đá của VN với số liệu lần lượt là 478.000 tấn, tăng 7 lần; 115.000 tấn, tăng 11 lần.
Ở chiều ngược lại, than đá cũng thuộc nhóm hàng có biến động mạnh trong 5 tháng đầu năm. Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, 4 tháng đầu năm, nhập khẩu than đá vào VN tuy giảm 2,4% về lượng, nhưng tăng mạnh trên 72% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2016 (đạt trên 4,6 triệu tấn, trị giá trên 498 triệu USD). Cụ thể, 4 tháng đầu năm nhập khẩu gần 1,6 triệu tấn than đá từ Indonesia, trị giá 108,5 triệu USD, tăng 93% về lượng và tăng 201% về trị giá so cùng kỳ năm 2016. Nhập từ Úc 1,4 triệu tấn, trị giá 166,8 triệu USD, giảm 7% về lượng nhưng tăng mạnh trên 83% về trị giá.
Cần có phương án tái cơ cấu ngành công nghiệp khai thác than, tìm cách nâng cao năng suất, hiện đại hóa công nghệ, nâng cao hiệu quả khai thác, chất lượng sao cho phù hợp với nhu cầu của khách hàng
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh
Xuất tăng, nhập mạnh nhưng than tồn trong nước cũng cực lớn. Báo cáo với Tổ công tác của Thủ tướng ngày 19.6 vừa qua, Tập đoàn công nghiệp than - khoáng sản VN (Vinacomin) thông tin than sạch tồn kho của tập đoàn hiện ở mức 9,3 triệu tấn. Số tồn kho nêu trên chủ yếu là than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện, nhưng trong tháng 5, Tập đoàn điện lực VN (EVN) vừa có văn bản đề nghị giảm lượng than mua xuống còn 17,92 triệu tấn, giảm 2 triệu tấn so với kế hoạch. Đại diện Vinacomin bày tỏ lo lắng, với mức tồn kho lớn như vậy, tập đoàn không thể cân đối được về mặt tài chính và có thể khiến 4.000 lao động mất việc làm, tương đương với một mỏ than hầm lò bị đóng cửa.
Lý giải nghịch lý trên, chuyên gia kinh tế Ngô Đức Lâm phân tích: Than sản xuất nội địa chia làm 2 loại là than cám dùng cho các nhà máy nhiệt điện và than cục có giá trị cao dành để xuất khẩu phục vụ các nhà máy công nghiệp. Về loại than cục, các nước như Nhật Bản, Trung Quốc cũng phải nhập từ VN nên xuất khẩu tăng cao là điều dễ hiểu. Vấn đề là than chúng ta nhập hiện nay chủ yếu làm chất đốt cho các nhà máy nhiệt điện, cũng là loại than gần 10 triệu tấn đang tồn kho hiện nay. Sở dĩ dẫn đến tình trạng trong nước dư thừa mà vẫn phải nhập là do chênh lệch giá. Trong những năm trước, nhờ sự hỗ trợ từ phía nhà nước, giá than trong nước bao giờ cũng thấp hơn thế giới 10%. Tuy nhiên từ năm 2015 trở lại đây, do cách khai thác khiến giá than nội tăng cao hơn giá nhập.
Theo ông Lâm, có 2 lý do khiến khai thác than trong nước giá cao. Thứ nhất do các mỏ than lộ thiên, giá thành thấp đã khai thác hết. Chỉ còn lại các mỏ than yêu cầu các hầm mỏ có độ sâu từ 600 m trở xuống, khai thác khó khăn nên đẩy giá cao hơn. Lý do thứ hai là do công nghệ lạc hậu, khiến năng suất khai thác thấp.
Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cũng cho rằng ngoài vấn đề giá cạnh tranh, áp lực từ phía nhà nước đang thúc giục EVN trả nhanh khoản nợ còn lại cho Vinacomin cũng là nguyên nhân khiến EVN không tiếp tục mua than trong nước.
Ông Lưu Bích Hồ cho rằng: Vinacomin cần xem xét, tái cơ cấu lại ngành. Phải trả lời câu hỏi tại sao một ngành khai thác, sản xuất tài nguyên thiên nhiên có sẵn mà khi thì tồn kho, có khi còn báo lỗ. Từ đó, điều chỉnh sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, đồng thời tận dụng nguồn than khai thác một cách triệt để và hợp lý. Không để tái diễn tình trạng khai thác mà không bán được như hiện nay.
Nhà nước không thể mãi hỗ trợ
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận định tương lai của ngành than VN sẽ càng khó khăn vì nhu cầu của thế giới đang có xu hướng giảm. Những cam kết giảm phế thải CO2 trong các hiệp định kinh tế yêu cầu VN nói riêng cũng như toàn thế giới nói chung không chấp nhận sử dụng điện than - ngành công nghiệp được coi là thảm họa của hành tinh. Về lâu về dài, xu hướng sẽ thay thế điện than bằng các loại năng lượng tái tạo, năng lương mặt trời, gió… “Chính vì thế, cần có phương án tái cơ cấu ngành công nghiệp khai thác than, tìm cách nâng cao năng suất, hiện đại hóa công nghệ, nâng cao hiệu quả khai thác, chất lượng sao cho phù hợp với nhu cầu của khách hàng”, ông Doanh nói.
Về giải pháp trước mắt cho gần 10 triệu tấn than đang tồn kho, ông Ngô Đức Lâm cho rằng số than này không phải không dùng được mà “ế” là do giá cao. Vì thế, nhà nước nên có chính sách trợ giá, hỗ trợ EVN và các doanh nghiệp (DN) có thể mua với mức giá tương đương giá than nhập, giải quyết hết số lượng than dư thừa. “Tuy nhiên đây chỉ là phương án tình thế. Về lâu về dài, ngành than cần đổi mới từ phương thức sản xuất để nâng cao năng suất lao động, thực hiện đúng luật cạnh tranh, không để nhà nước phải đứng ra hỗ trợ”, ông Lâm nêu ý kiến.
Không đồng tình với đề xuất trợ giá, ông Lưu Bích Hồ đặt vấn đề nhà nước lấy tiền đâu để trợ giá? Trong nền kinh tế thị trường, không thể có chuyện các DN cứ làm ăn thua lỗ rồi liên tục cầu cứu. “Phải xử lý theo cơ chế thị trường, nhà nước không đứng ra hỗ trợ, bảo trợ cho bất cứ một DN nào. Cả EVN và Vinacomin đều là DN nhà nước. Bộ Công thương phải tìm cách xử lý việc này. Vấn đề ở giá cả thì giải quyết giá cả. Có thể vận động EVN chấp nhận mua giá cao hơn hay yêu cầu Vinacomin hạ giá bằng giá nhập. Cần có giải pháp xử lý linh hoạt, sao cho vừa phù hợp với nền kinh tế thị trường, vừa đảm bảo lợi ích quốc gia theo định hướng về tổng thể quản lý vĩ mô”, ông đề xuất.
Nguồn tin: Thanh niên