Các doanh nghiệp sản xuất ống thép ở Việt Nam đang gia tăng việc xuất khẩu sản phẩm vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên, trong giai đoạn khởi đầu, doanh số và sự gia tăng các đơn hàng xuất khẩu vào thị trường này được doanh nghiệp cân nhắc một cách thận trọng.
Vì sao kim ngạch tăng đột biến?
Đang chiếm lĩnh thị phần nội địa với mức tăng trưởng ổn định, Công ty TNHH Ống thép Hòa Phát mới đây đã quyết định đẩy mạnh thị phần xuất khẩu sang Mỹ. Thâm nhập thị trường lớn nhất thế giới hồi đầu năm, từ con số xuất khẩu 200 tấn/sáu tháng không đáng kể, Hòa Phát đã ký đơn hàng xuất khẩu 1.000 tấn chỉ trong tháng 7-2010, thu về hơn 1 triệu đô la Mỹ. Mục tiêu xuất khẩu vào thị trường này trong bốn tháng còn lại của công ty là đạt doanh thu từ 800.000 đến 1 triệu đô la Mỹ/tháng.
Các doanh nghiệp sản xuất ống thép thâm nhập thị trường Mỹ từ cuối năm 2007-2008 đến nay như Công ty SeAH (100% vốn Hàn Quốc) sáu tháng đầu năm xuất khẩu 13.920 tấn sản phẩm, Công ty Sun Steel (100% vốn Đài Loan) xuất khẩu 6.492 tấn, Công ty cổ phần Ống thép Việt Đức (100% vốn trong nước) xuất khẩu 2.890 tấn…
Theo số liệu thống kê của ngành hải quan, trong sáu tháng qua, doanh thu xuất khẩu ống thép từ số lượng các đơn hàng đạt hơn 33,139 triệu đô la Mỹ, với mức giá bình quân là 1.371 đô la Mỹ/tấn, chiếm một nửa doanh số xuất khẩu của sản phẩm sắt thép.
Báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương cho biết mức tăng trưởng khá nhanh của mặt hàng ống thép trong sáu tháng đầu năm khiến kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng sắt thép tăng đột biến 243%. Tuy nhiên, quy ra trị giá thì con số hơn 33 triệu đô la (chủ yếu thu từ Mỹ) chưa thấm vào đâu trong tổng giá trị kim ngạch 6,3 tỉ đô/sáu tháng mà Việt Nam thu từ xuất khẩu vào thị trường này.
Có điều, sự có mặt của sản phẩm ống thép trong bảng tính nhóm hàng xuất khẩu thời gian gần đây cho thấy việc mở rộng thị trường theo hướng có sự chuẩn bị, đầu tư kỹ càng đã hình thành trong các nhà sản xuất ống thép ở Việt Nam. Cơ hội của họ là vô cùng lớn vì nhu cầu của thị trường Mỹ đối với mặt hàng này xấp xỉ 3 tỉ đô la/năm. Trong khi đó nhà sản xuất ống thép hàng đầu thế giới là Trung Quốc, vốn chiếm 95% thị phần nhập khẩu của Mỹ, hiện đang chịu mức thuế chống bán phá giá từ tháng 10-2009 là 17,7-39,2% (thời hạn năm năm).
“Theo kế hoạch, mục tiêu xuất khẩu trong năm nay của chúng tôi chỉ chiếm 20-30% sản lượng và 70% trong số này (10.000 tấn) là đi Mỹ. Chúng tôi xem đây là một kênh kinh doanh để cân đối ngoại tệ và lợi nhuận cho doanh nghiệp”, ông Nguyễn Phan Đức, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Ống thép Việt Đức, cho biết. Các doanh nghiệp khác hướng đến thị trường xuất khẩu cũng vì mục tiêu như vậy, dù họ đã có chỗ đứng rất chắc ở thị trường nội địa.
Doanh số không phải là mục tiêu hàng đầu
Cái đích đến nói trên có thể lý giải vì sao sản phẩm ống thép Việt Nam dù đang thâm nhập thị trường Mỹ khá nhanh nhưng đã phải có những bước chuẩn bị khá chắc chắn để ở lại đây được lâu hơn. Ngoại trừ hai doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài là SeAH và Sun Steel chọn Việt Nam làm nơi sản xuất để đáp ứng các kênh phân phối đã khá mạnh ở thị trường Mỹ và châu Âu, các doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam còn lại như Hòa Phát, Việt Đức, Hữu Liên Á Châu... đang tiến ra thế giới, nhất là thâm nhập thị trường Mỹ, một cách thận trọng.
Trong khi SeAH đang chuẩn bị đầu tư nhà máy thứ 3 tại Việt Nam thì Hòa Phát cũng đã đưa nhà máy thứ hai ở Bình Dương vào sản xuất với tổng vốn đầu tư 10 triệu đô la Mỹ từ cuối năm 2009, phục vụ cho mục tiêu xuất khẩu. Việt Đức thì duy trì chất lượng và tiến độ, đẩy mạnh các kênh phân phối để giữ chân các khách hàng ở Mỹ. “Năm ngoái chúng tôi ký nhiều hợp đồng nhưng khả năng đáp ứng có hạn, phải sản xuất cả ba ca. Năm nay chúng tôi không chạy theo số lượng nữa mà tập trung vào chất lượng và tiến độ giao hàng”, ông Đức nói.
“Số lượng đơn hàng cũng không phải là vấn đề hàng đầu với chúng tôi”, bà Đỗ Hải Yến, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty Ống thép Hòa Phát, khẳng định. Những năm trước, Hòa Phát từng từ chối một số đơn hàng xuất khẩu vì giá xuất thấp hơn giá bán trong nước.
Khi ống thép Trung Quốc chịu thuế chống bán phá giá vào Mỹ, thuế suất trừng phạt vào EU và một số thị trường khác, cơ hội đẩy giá xuất khẩu cao hơn đã khiến các doanh nghiệp Việt Nam chú trọng đến kênh bán hàng này. Do đó, nhiều đơn hàng từ Việt Nam có giá bán cùng loại cao hơn giá bán của Trung Quốc khoảng 20%. Một nguyên nhân khác là các sản phẩm ống thép xuất khẩu của Việt Nam hiện vẫn phải nhập khẩu 80% nguyên liệu đầu vào nên việc cạnh tranh về giá không đem lại lợi nhuận.
Vấn đề mà các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm khi vào thị trường Mỹ là yêu cầu chất lượng khắt khe của thị trường này (tiêu chuẩn API và ASTM) giúp họ có cơ hội nâng cao chất lượng sản phẩm, hiện đại hóa quy trình sản xuất. Nhờ đó, toàn bộ quy trình sản xuất, chất lượng phục vụ thị trường nội địa cũng được nâng lên.
Hòa Phát hay Việt Đức đang tích cực đầu tư theo hướng này để có thể “một công đôi việc”, vừa nâng cao chất lượng ở thị trường trong nước, vừa xuất khẩu một cách chắc chắn và bài bản. Bởi hiện giờ, khi các doanh nghiệp Việt Nam nhắm đến thị trường ống thép mạ phục vụ cho ngành xây dựng ở Mỹ thì các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đặt nhà máy ở Việt Nam đã hướng đến thị trường cao cấp hơn là cung cấp ống thép cho các nhà máy lọc dầu trên thế giới. Và đích đến đó, trong tương lai, cũng có thể đang chờ các doanh nghiệp Việt Nam.
Trong bài toán cạnh tranh ở thị trường thế giới, các nhà xuất khẩu ống thép Việt Nam cũng luôn cân đối bài toán doanh số, lợi nhuận với các đối tác trên toàn cầu để làm sao không rơi vào diện điều tra chống bán phá giá như nhà xuất khẩu lớn Trung Quốc đang phải chịu. Tuy nhiên, kể cả mức tăng trưởng đột biến về kim ngạch trong sáu tháng qua cũng chưa có gì đáng kể đối với thị trường Mỹ vì hiện mới chiếm hơn 1% nhu cầu nhập khẩu của thị trường này hàng năm. Nếu chiếm lĩnh thị trường đột biến lên mức 3% trong một khoảng thời gian ngắn, với giá bán thấp hơn nhiều giá bán tại thị trường nội địa và thấp hơn giá bán cùng loại của các đối tác khác thì sẽ bị phía Mỹ đưa vào tầm ngắm.
Nguồn: TBKTSG