Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thận trọng với các dự án thép mới

 Có một nghịch lý với mặt hàng thép không gỉ, đó là nhập khẩu vẫn tăng, dù sản xuất trong nước dư thừa. Thêm vào đó, nhiều dự án thép được đề xuất đầu tư mới khiến nhiều doanh nghiệp trong nước lo lắng về việc giảm hiệu quả đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Thêm đề xuất đối với thép không gỉ cán nguội

Mới đây, các doanh nghiệp sản xuất thép không gỉ lớn của Trung Quốc là TsingShan Iron & Steel và Yongjin Metal phối hợp xin đầu tư dự án thép không gỉ có công suất 300.000 tấn/năm tại tỉnh Đồng Nai.
Thép không gỉ là mặt hàng Việt Nam đang áp thuế chống bán phá giá đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Malaysia và Indonesia để bảo vệ sản xuất trong nước từ năm 2014.

Theo các chuyên gia, việc một số doanh nghiệp nước ngoài chạy sang đầu tư nhà xưởng để sản xuất ở Việt Nam với hai mục tiêu là tránh thuế chống bán phá giá của Việt Nam, đồng thời tránh thuế chống bán phá giá khi xuất sang thị trường Mỹ và một số thị trường khác.

Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Đúc - luyện kim Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, nhiều vụ kiện về thép của Việt Nam diễn ra trong thời gian qua là do các nước nghi ngờ hàng Trung Quốc lấy xuất xứ từ Việt Nam để tránh bị đánh thuế tự vệ. Do đó, Việt Nam cần thận trọng để không rơi vào bẫy xuất xứ hàng hóa.

Năm 2016, Việt Nam đã nhập khẩu 18,4 triệu tấn sắt, thép, trị giá hơn 8 tỷ USD - tăng 18,4% về lượng và 7,2% về trị giá so với năm trước 2015.

Trong quý I/2017, Việt Nam đã nhập khẩu 4,195 triệu tấn sắt, thép các loại, trị giá 2,359 tỷ USD. Trong đó, lượng sắt, thép các loại nhập khẩu về Việt Nam trong tháng 3 so với tháng trước giảm 3% xuống 1.472 triệu tấn, trị giá 873,42 triệu USD.

Được biết, vào tháng 1/2017, Ủy ban châu Âu khẳng định, một số loại thép ống không gỉ của Trung Quốc và Đài Loan đang được bán phá giá tại thị trường này. Do đó, các mặt hàng thép nhập từ Trung Quốc bị áp thuế từ 30,7 - 64,9%, trong khi đó các sản phẩm của Đài Loan bị áp mức thuế 5,1- 12,1%. Trước đó, Mỹ cũng áp dụng thuế chống bán phá giá lên đến 266% đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu từ Trung Quốc.

Theo ước tính, thị trường thép không gỉ cán nguội của Việt Nam tăng trưởng trung bình khoảng 8,6% trong năm qua. Cụ thể, trong năm 2016, nhu cầu thép không gỉ cán nguội tại Việt Nam là khoảng 200.000 tấn/năm, trong đó nhập khẩu từ các nươc là 70.000 tấn. Tuy nhiên, lượng sản xuất thép không gỉ cán nguội tại thị trường trong nước đạt 300.000 tấn/năm, gần gấp đôi so với nhu cầu thực tế.

Báo cáo điều tra áp dụng thuế chống bán phá giá của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cũng chỉ ra, trong giai đoạn điều tra từ tháng 4/2012 - 3/2013, lượng tồn kho sản phẩm thép không gỉ tăng gấp 10 lần so với năm 2009.

Điều này cho thấy, ngành sản xuất trong nước gặp nhiều khó khăn ngay tại thị trường nội địa. Nhiều doanh nghiệp đang phải cạnh tranh khốc liệt hơn, thậm chí giảm công suất sản xuất xuống còn 70% so với năng suất thực tế.

Thận trọng đầu tư mới

Việc áp dụng biện pháp thương mại như chống bán phá giá được xem là một giải pháp để bảo vệ sản xuất trong nước, tuy nhiên, đó không phải là biện pháp dài hạn, khi mà các nước bị áp thuế đang dần chuyển hẳn sang Việt Nam sản xuất.

Ông Cường cũng cho hay, trong thời gian qua, ngành công nghiệp thép của Trung Quốc phải đối mặt với khó khăn vì nguồn cung dư thừa, do đó nhiều dự án thép đã và đang đẩy mạnh sang các thị trường khác bao gồm Việt Nam.

Phải thận trọng đánh giá công nghệ, nhu cầu thị trường ra sao, các giải pháp môi trường thế nào, công suất hợp lý ra sao đối với các Dự án thép mới.

“Phải thận trọng đánh giá công nghệ, nhu cầu thị trường ra sao, các giải pháp môi trường thế nào, công suất hợp lý ra sao đối với các dự án thép mới”, ông Cường kiến nghị.

Đồng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long phân tích, việc cấp phép cho các dự án đầu tư sản xuất thép nói chung và thép không gỉ nói riêng cần xem xét đánh giá cụ thể thị trường khu vực và thế giới, hiệu quả kinh tế và xã hội ra sao.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức yêu cầu tạm dừng đề xuất Dự án Thép Cà Ná, quy mô hơn 10 tỷ USD ở Ninh Thuận. Đây là chỉ đạo hợp lý, hợp tình và hợp lòng dân, trong bối cảnh nhiều dự án đầu tư gây ô nhiễm môi trường, nhất là sau vụ việc Fomosa.

Không ham một cam kết đầu tư lớn, mà quên đi vấn đề bảo vệ môi trường. Cũng không thể không tính tới một cách toàn diện các khía cạnh kinh tế của một dự án đầu tư, bao gồm hiệu quả đầu tư ra sao, khả năng đáp ứng về hạ tầng với dự án đó thế nào… Một quyết định duy ý chí có thể khiến cả nền kinh tế phải trả giá, giống như chuyện về những dự án đầu tư ngàn tỷ nằm đắp chiếu thời gian qua.

Chắc hẳn, không địa phương nào muốn đi vào vết xe đổ như Formosa, cũng như vết xe đổ của những dự án hàng ngàn tỷ đang “án binh bất động”!

Nguồn tin: Đầu tư

ĐỌC THÊM