Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 năm 2017 tăng 0,13% so với tháng trước, tăng 2,62% so với cùng kỳ năm trước và tăng 2,38% so với tháng 12 năm trước. CPI bình quân 11 tháng năm 2017 so với cùng kỳ năm trước tăng 3,61%.
Như vậy, so với tháng 10, có 8 trong tổng số 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính tăng giá, trong đó nhóm giao thông có mức tăng cao nhất 0,68%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,20%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,15%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,14%...
Bình quân 11 tháng, lạm phát cơ bản là 1,42% thấp hơn mức kế hoạch 1,6% - 1,8%,
cho thấy chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định.
Theo nhận định của Vụ Thống kê giá, chỉ số CPI tháng 11/2017 tăng do vừa qua mưa bão đã gây thiệt hại nặng nề về người và vật chất tại các tỉnh miền Trung làm cho chỉ số giá nhóm lương thực, thực phẩm tại các tỉnh này có mức tăng cao hơn các tỉnh khác.
Bên cạnh đó, giá xăng, dầu được điều chỉnh tăng hai đợt vào ngày 4/11 và ngày 20/11 (giá xăng tăng 710 đồng/lít, giá dầu diezen tăng 600 đồng/lít) làm cho chỉ số giá nhóm giao thông tăng 0,68%, góp phần tăng CPI tháng 11 khoảng 0,07%.
Một nguyên nhân khác nữa là do tăng giá dịch vụ y tế và học phí theo lộ trình tại một số địa phương khiến chỉ số giá nhóm dịch vụ giáo dục y tế tăng 0,04%.
Trái lại, một số nguyên nhân kiềm chế CPI như giá thịt lợn giảm 1,78%; tình hình mưa nhiều trên nhiều vùng, thời tiết chuyển lạnh ở các tỉnh phía Bắc nên nhu cầu tiêu dùng điện giảm làm cho giá điện giảm 0,69%, nhu cầu xây dựng và du lịch cũng giảm.
Ngoài ra, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở giảm 0,05% chủ yếu giảm ở mặt hàng sắt thép do giá phôi thép, thép phế liệu trên thế giới giảm nên giá sắt thép tại các nhà máy trong nước điều chỉnh giảm từ 300 - 700 đồng/kg tùy từng chủng loại.
Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 11 năm 2017 tăng 0,06% so với tháng trước, tăng 1,28% so với cùng kỳ; 11 tháng đầu năm 2017 so cùng kỳ tăng 1,42%.
Như vậy, tính bình quân 11 tháng năm 2017 so với cùng kỳ năm trước, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản, điều này phản ánh biến động giá do yếu tố thị trường có mức tăng cao, đó là giá lương thực thực phẩm, giá xăng dầu và yếu tố điều hành giá cả qua việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục.
Mức tăng lạm phát cơ bản từ tháng 1 đến tháng 11 năm nay so cùng kỳ có biên độ dao động trong khoảng khá hẹp từ 1,3% đến 1,88%. Bình quân 11 tháng, lạm phát cơ bản là 1,42% thấp hơn mức kế hoạch 1,6% - 1,8%, cho thấy chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định.
Theo dự báo của Vụ thống kê giá, chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2017 sẽ tăng nhẹ so với tháng 11, do vào dịp cuối năm giá nhiều loại hành hóa thiết yếu như giá lương thực, thực phẩm, giá dịch vụ y tế; giá vật liệu xây dựng; giá gas; giá xăng dầu sẽ có xu hướng tăng nhẹ.
Nguồn tin: ĐTCK