Ngành ngân hàng ở Việt Nam là tiêu điểm kinh tế của năm 2011. Đặc biệt là vấn đề lãi suất của các ngân hàng, trở thành đề tài bàn luận “nóng” và mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp (DN).
Ảnh minh họa: Ts. Võ Trí Thành (ngồi thứ 3 bên trái sang), ông Nguyễn Đức Vinh (ngồi bên phải Ts. Thành) và ông Simon Andrews (ngoài cùng bên phải sang) cùng tham dự buổi tọa đàm Đầu tư 2011- 2012: Cơ hội cho ai?. Ảnh: Thanh Loan |
Từ trước nay, ngân hàng là một trong kênh huy động vốn của DN nhưng những năm gần đây, đặc biệt năm 2011, lãi suất cho vay của các ngân hàng tại Việt Nam quá cao, luôn trên 20% khiến cho nhiều DN đứng trước nguy cơ phải đóng cửa do không có vốn để thực hiện sản xuất và kinh doanh.
“Lạm phát còn tăng thì tất yếu lãi suất ngân hàng chưa thể giảm”, Tiến sĩ (Ts.) Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhận định.
Nhưng cũng theo nhận định của Ts. Thành, lãi suất liên ngân hàng sẽ có khả năng giảm xuống đáng kể trong tháng 9, khi lạm phát chạm mốc đỉnh trong tháng 8. Lạm phát được dự đoán vẫn tiếp tục tăng và sẽ chạm đỉnh 23-25% trong tháng 8 và sau đó sẽ phải đi xuống vào tháng 9. Và tất yếu, khi lạm phát giảm thì lãi suất ngân hàng sẽ giảm.
Theo dự đoán của các chuyên gia kinh tế, lãi suất liên ngân hàng bắt đầu từ tháng 9 có thể giảm từ 22% xuống còn 12%; lãi suất trái phiếu chính phủ giảm từ 14% xuống 12%; lãi suất tiền gửi bình quân giảm 1%; lãi suất cho vay bình quân giảm 1% và thanh khoản ngân hàng sẽ ổn định trở lại.
Tuy nhiên, ông Simon Andrews Giám đốc IFC Khu vựcThái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam cho rằng DN Việt Nam không nên chỉ đổ lỗi cho lãi suất ngân hàng. Lãi suất chỉ như là “giọt nước làm tràn ly”, chứ không phải là nguyên nhân cơ bản làm cho DN gặp khó khăn. Nguyên nhân sâu xa, DN cần phải xem xét lại chính là cấu trúc nội tại của tổ chức mình. “Nếu DN có cấu trúc quản trị tốt, cấu trúc tài chính tốt ngay từ đầu thì dù cho những biến động to lớn bên ngoài, DN không bị tác động đến mức bị “đốn ngã” được”, ông Simon khẳng định.
Đồng quan điểm với ông Simon, Tổng Giám đốc ngân hàng Techcombank Việt Nam- ông Nguyễn Đức Vinh cũng cho rằng một trong những nguyên nhân khiến DN không thể chịu được nhiệt của lãi suất là do cơ cấu vốn của DN rất mong manh. Ông Vinh nói: Có tới 60% DN Việt Nam mất cân đối về vốn trung và dài hạn. Chỉ có 60% lượng vốn trong DN được sử dụng vào hoạt động chính của DN nhưng DN vẫn phải chịu lãi suất cho số vốn nằm im...DN bế tắc là phải rồi!
Do đó, ông Vinh kết luận: Trong thời điểm này, cơ hội sẽ đến với DN nào kiên quyết thay đổi; tích cực đánh giá lại chính mình; cấu trúc lại cơ cấu tài chính, tái cấu trúc DN...