Từ năm 2021 trở đi, triển vọng cổ phiếu ngành thép có thể sẽ phân hóa rõ rệt khi các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép như Hoa Sen (HoSE: HSG) hay Nam Kim (HoSE: NKG) đối mặt nhiều bất lợi.
Năm 2020 là một năm thăng hoa của cổ phiếu ngành thép. Bất chấp dịch Covid-19, cổ phiếu HPG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát đã tăng tới 115% và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Cổ phiếu HSG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen còn gây ấn tượng hơn với mức tăng gấp đôi. Trong khi đó, NKG của Công ty Cổ phần Thép Nam Kim cũng ghi nhận mức tăng lên tới 122%.
Cổ phiếu POM của Công ty Cổ phần Thép Pomina dù ở trong diện cảnh báo nhưng vẫn ghi nhận lợi suất tăng lên tới 145% trong năm 2020.
Bên cạnh yếu tố tích cực từ dòng tiền chung của thị trường, sự khởi sắc trong kết quả kinh doanh là yếu tố cốt lõi đẩy giá cổ phiếu thép tăng chóng mặt trong năm vừa qua. Số liệu 9 tháng năm 2020 cho thấy, Hòa Phát, Hoa Sen và Nam Kim ghi nhận mức tăng lợi nhuận trước thuế lần lượt 47%, 213% và 81% so với cùng kỳ năm 2019; trong khi Pomina giảm lỗ từ (-) 251 tỷ đồng 9 tháng năm 2019 xuống (-) 128 tỷ đồng 9 tháng năm 2020, riêng quý III/2020 đã có lãi 16 tỷ đồng.
Số liệu vừa mới được Tập đoàn Hòa Phát cung cấp cho thấy tín hiệu tích cực tiếp tục duy trì trong quý IV/2020. Riêng trong tháng 12/2020, thép xây dựng Hòa Phát đạt sản lượng 319.000 tấn, tăng 12% so với cùng kỳ. Trong đó sản lượng xuất khẩu đạt 59.000 tấn tăng 48%. Sản lượng phôi thép ghi nhận 90.000 tấn.
Nhờ đó, thép Hòa Phát tiếp tục giữ thị phần số 1 Việt Nam với khoảng 33%, tăng 6,8% trong năm 2020.
Lũy kế năm 2020, lần đầu tiên thép Hòa Phát đạt mức kỷ lục trên 5 triệu tấn, trong đó, thép xây dựng thành phẩm đạt 3,4 triệu tấn, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước. Lượng phôi thép cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước đạt 1,7 triệu tấn. Thép cuộn cán nóng (HRC) của Hòa Phát cũng đạt gần 700.000 tấn, riêng tháng 12 là 171.000 tấn.
Năm 2020 đầy thuận lợi đã khép lại, liệu năm 2021 có tiếp tục dễ dàng với các doanh nghiệp thép lớn tại Việt Nam?
Báo cáo chiến lược đầu tư năm 2021 của Công ty Chứng khoán VNDirect nêu nhận định rằng ngành Vật liệu xây dựng sẽ là ngành được hưởng lợi lớn nhất trong xu hướng đẩy mạnh đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng từ năm 2021.
Theo ước tính của nhóm chuyên gia VNDirect, 40% vốn đầu tư công cho dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ và 11 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam sẽ được giải ngân trong năm 2021 và 60% chi phí xây dựng (23,7 nghìn tỷ đồng) sẽ được phân bổ vào chi phí nguyên vật liệu. Riêng đối với thép xây dựng, giá trị tiêu thụ thép xây dựng có thể đạt 6.400 tỷ đồng trong năm nay. Để hoàn thành toàn bộ các dự án này đến năm 2023, giá trị tiêu thụ thép xây dựng có thể đạt tới 14.800 tỷ đồng.
Công ty chứng khoán này dự báo sản lượng tiêu thụ thép xây dựng năm 2021 sẽ tăng khoảng 10-12% nhờ vào đẩy mạnh đầu tư công, cùng với đó, thị trường bất động sản nhà ở nóng trở lại do lãi suất giảm và nguồn cung mở mới cao hơn.
Về giá nguyên vật liệu đầu vào trong năm 2021, VNDirect ước tính giá quặng sắt bình quân sẽ giảm xuống quanh 85 USD/tấn (tương đương giảm 10,5%). Mặt khác, giá than cốc và thép phế liệu bình quân cả năm sẽ tăng lên 135 USD/tấn (tương đương tăng 12,5%) và 280 USD/tấn (tương đương tăng 3%) trong năm 2021. Do đó, biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp thép xây dựng sẽ tăng 1-1,5 điểm% trong năm nay.
Đáng chú ý, theo nhìn nhận của nhóm chuyên gia, các doanh nghiệp thép xây dựng hàng đầu có thể sẽ giành thêm thị phần trong năm 2021.
"Mặc dù đại dịch Covid-19 đã phủ bóng lên triển vọng thị trường thép nội địa nửa đầu năm 2020, các nhà sản xuất thép lớn với khả năng quyết định giá, sở hữu tài chính tốt và lợi thế sản xuất theo quy mô đã nắm bắt cơ hội này để giành lấy thị phần", báo cáo cho biết, đồng thời bày tỏ quan điểm tích cực đối với Tập đoàn Hòa Phát.
Đối với mảng tôn mạ, VNDirect kỳ vọng sản lượng tiêu thụ sẽ tăng 7-10% trong năm 2021 nhờ vào làn sóng chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam của các doanh nghiệp FDI và sản lượng xuất khẩu cao hơn do nhu cầu thế giới phục hồi.
Dù vậy, VNDirect cho rằng Hoa Sen và Nam Kim sẽ gặp khó khăn về biên lợi nhuận gộp trong năm nay do tình trạng dư cung đến từ sự gia nhập của các doanh nghiệp mới dẫn đến sự cạnh tranh về giá, thêm vào đó là khả năng giảm giá của HRC.
Có phần tương đồng với VNDirect, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng mặc dù nhu cầu xây dựng chung giảm, một số doanh nghiệp vẫn có thể tăng trưởng nhờ tìm thị trường mới hoặc giành thị phần từ những đối thủ yếu hơn.
Nhóm chuyên gia VDSC nhận định ngành thép chuẩn bị bước sang trang mới, trong đó chuỗi giá trị là yếu tố sẽ thay đổi cục diện ngành.
Chuyên gia dự báo cuộc chơi trong mảng thép phẳng sẽ thay đổi đáng kể khi mà các nhà máy trong nước sẽ cải thiện năng lực sản xuất để đáp ứng phần lớn nhu cầu HRC nội địa. Điều này dẫn đến cơ hội gia tăng xuất khẩu thép Việt Nam khi có nguồn gốc xuất xứ không phải Trung Quốc. Đặc biết, thế cân bằng trong cạnh tranh tại thị trường nội địa bị phá vỡ do các doanh nghiệp sản xuất tôn mạ và ống thép không còn tương đồng với nhau.
Cụ thể, Hòa Phát sẽ sản xuất khoảng 3 triệu tấn HRC trong năm 2021, trở thành nhà sản xuất tôn mạ và ống thép duy nhất có năng lực thượng nguồn và tự chủ nguyên liệu. Đây là lợi thế cốt lõi để doanh nghiệp này chủ động giành thị phần tôn mạ và ống thép.
"Dự đoán trên của chúng tôi cũng đồng nghĩa với việc các nhà sản xuất khác sẽ đối mặt với cuộc chơi khắc nghiệt chưa từng có. Biên gộp của các nhà máy tôn mạ, ống thép vốn đã phụ thuộc nhiều vào biến động giá HRC (chiếm trên 70% giá vốn), giờ đang chịu thêm sức ép từ tình huống phải cạnh tranh với chính nhà cung cấp nguyên liệu của mình", nhóm chuyên gia lo ngại.
Do đó, VDSC đưa ra quan điểm thận trọng đối với các cổ phiếu ngành tôn mạ và ống thép.
"Mặc dù tăng trưởng ngành trong dài hạn vẫn được hỗ trợ bởi các yếu tố vĩ mô, khả năng sinh lời của nhóm nhà sản xuất hạ nguồn này nhiều khả năng sẽ chịu sức ép. Cơ hội đầu tư vào cổ phiếu vẫn có trong những quý mà kết quả kinh doanh hưởng lợi do tăng sản lượng bán hàng hoặc diễn biến giá nguyên liệu thuận lợi. Tuy nhiên, trong dài hạn, các nhà đầu tư vẫn cẩn theo dõi diễn biến vể cạnh tranh ngành để có quyết định đầu tư phù hợp", nhóm chuyên gia khuyến nghị.
Đối với mảng thép dài, VDSC nhận định rằng thị phần của các công ty sử dụng lò cao như Hòa Phát, Formosa sẽ liên tục cải thiện do biên lợi nhuận ít phụ thuộc vào diễn biến giá nguyên liệu (so với các doanh nghiệp sử dụng lò điện) và lợi thế về quy mô. Đặc biệt trong điều kiện thị trường như hiện nay, nhu cầu thép không tăng trưởng mạnh, cạnh tranh gay gắt hơn, lợi thế của các nhà sản xuất như Hòa Phát sẽ càng được phát huy.
Không chỉ VNDirect và VDSC, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng cùng quan điểm rằng các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép như Hoa Sen hay Nam Kim sẽ đối mặt với nhiều rủi ro trong cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn so với triển vọng tăng trưởng.
Các rủi ro có thể kể đến là: rủi ro ngành xây dựng trong nước vẫn chịu nhiều tác động tiêu cực, rủi ro giá thép điều chỉnh giảm, rủi ro bảo hộ thương mại tại các quốc gia xuất khẩu, rủi ro áp thuế nhập khẩu thép HRC... Trong đó, VCBS đặc biệt nhấn mạnh đến rủi ro dư cung và áp lực cạnh tranh lớn đến từ Hòa Phát, đồng thời khẳng định đây là rủi ro lớn nhất trong dài hạn.
Nguồn tin: Vietnam Finance