“Công cuộc hội nhập kinh tế là việc của doanh nghiệp, của doanh nhân. Chính phủ chỉ tạo môi trường, góp phần định hướng, hỗ trợ, còn việc thành bại trong hội nhập là trọng trách của doanh nhân”.
Đó là nhận định của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về vai trò của doanh nhân trong công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay khi trả lời phỏng vấn báo TG&VNnhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10).
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI. (Ảnh: DL) |
Chào ông, sau 30 năm cải cách mở cửa, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã có sự trưởng thành lớn mạnh. Ông nhận định thế nào về vai trò của cộng đồng doanh nhân trong hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay?
Đúng vậy, 30 năm qua, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã có sự trưởng thành nhanh chóng. Việc hình thành cộng đồng doanh nhân đông đảo là một trong những thành quả quan trọng nhất của công cuộc đổi mới. Nếu so với những năm trước đây thì doanh nhân hiện nay đã dày dạn thương trường hơn. Cải cách và mở cửa hội nhập đã buộc các doanh nghiệp (DN) Việt phải cạnh tranh với các DN quốc tế ngay tại thị trường trong nước chứ không phải ở nước ngoài.
Thành tích về tăng trưởng kinh tế cao của Việt Nam trong những năm qua cũng có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ doanh nhân. Theo tôi, doanh nhân Việt hiện nay đầy năng lượng và có tinh thần sáng tạo. Những phẩm chất này rất phù hợp với yêu cầu của giai đoạn phát triển mới - giai đoạn của nền kinh tế thông minh, sáng tạo trên nền tảng internet.
Tôi hy vọng rằng đội ngũ doanh nhân Việt sẽ có bước phát triển đột phá trong thời gian tới, với sự dẫn đường của công cuộc cải cách thể chế và quá trình hội nhập.
Đứng trước xu thế toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0), theo ông, đâu là cơ hội của DN Việt Nam hiện nay?
Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên mới của nền kinh tế thế giới. Sự phát triển hết sức mạnh mẽ của CMCN 4.0, đặc biệt là công nghệ số, internet, thương mại điện tử, đang tạo nên môi trường kinh tế mới, phương thức kinh doanh mới, mang lại nhiều lợi ích cho DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME).
Trước đây, tại Việt Nam, việc giao thương với thị trường thế giới chỉ nằm ở một số DN lớn. Trong giai đoạn đầu mở cửa, cũng chỉ có vài chục công ty xuất nhập khẩu của Bộ Ngoại thương tham gia hoạt động này. Còn hiện nay, chúng ta có hàng ngàn DN tham gia vào thương mại thế giới. Nhưng, tương lai của nền kinh tế sẽ là hàng vạn, hàng triệu MSME tham gia vào cuộc chơi này. Với sự trợ giúp của internet, thương mại điện tử thì một DN siêu nhỏ, 1 hộ kinh doanh ở một nơi xa xôi, vùng Tây Nguyên hay Tây Bắc, cũng có thể tương tác với thị trường thế giới, có thể tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu, cung ứng hàng hóa ra thế giới.
Thương mại điện tử đang là một nền tảng để MSME lớn lên, có được những lợi thế trong thâm nhập thị trường toàn cầu.
Lễ vinh danh doanh nhân nữ ASEAN tiêu biểu năm 2016. (Nguồn: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp) |
Là người sát cánh với cộng đồng DN Việt Nam, theo ông, DN Việt Nam, trong đó có tới gần 98% là MSME, đang gặp khó ở đâu?
Có thể nói, tài chính là một trong những khó khăn điển hình của MSME, không chỉ với MSME Việt Nam mà còn trên phạm vi toàn cầu. Nguồn vốn của MSME hiện nay dựa khá nhiều vào ngân hàng, vốn tự có thấp, vốn huy động trên thị trường chứng khoán còn tương đối hạn chế. Thêm vào đó, MSME lại rất khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn này, bởi họ không có tài sản thế chấp trong khi nguyên tắc cho vay của ngân hàng là cần có tài sản đảm bảo.
Ngoài vốn, liệu có phải DN Việt đang thiếu một hướng đi bền vững?
Tôi nghĩ, đầu tư vào phát triển bền vững là một cơ hội thị trường lớn cho các DN và cũng là cơ hội để DN có thể huy động nguồn vốn đầu tư. Nếu 1 DN không phát triển bền vững thì rất khó tiếp cận thị trường, khách hàng và ngược lại. Đây là một chân lý rút ra từ thực tiễn hoạt động của các DN trên thế giới.
Phát triển bền vững không phải là “phú quý sinh lễ nghĩa” mà đấy chính là vì lợi ích của chính các DN, là giấy thông hành cho DN có thể vào thị trường thế giới trong tương lai.
Tuy nhiên, cái khó hiện nay đối với các DN là họ có thể nhận thức được yêu cầu hội nhập, yêu cầu phát triển bền vững, yêu cầu về thực hiện trách nhiệm xã hội nhưng các DN không biết làm thế nào để thực hiện điều đó.
Vậy, với tư cách là tổ chức đại diện cho cộng đồng DN Việt Nam, VCCI đã làm gì để tháo gỡ những nút thắt này?
Để tháo gỡ khó khăn về tài chính, một trong những nội dung thảo luận trong các hội nghị của DN tại Tuần lễ cấp cao APEC 2017 là làm thế nào để tạo điều kiện cho các MSME có thể tiếp cận được nguồn tài chính, làm thế nào để có được mô hình phát triển bao trùm về mặt tài chính, đặc biệt là tài chính vi mô cho MSME.
Chính phủ cũng đã có nhiều biện pháp thúc đẩy quá trình này, có chính sách khuyến khích các ngân hàng ưu đãi vốn cho MSME. VCCI cũng đang thúc đẩy hướng cho vay dựa trên cơ sở tín chấp. Tất cả những động thái này đang góp phần thúc đẩy sự phát triển của MSME trong thời gian tới.
Về mục tiêu phát triển bền vững, VCCI cùng các doanh nghiệp đã và đang tổ chức những hội thảo, những cuộc gặp gỡ, giới thiệu những mô hình cụ thể mà DN có thể áp dụng ngay được, bởi việc học tập qua các mô hình thực tiễn chính là con đường đi ngắn nhất.
Tuy nhiên, bản thân các DN cũng cần phải làm gì để bắt nhịp xu hướng toàn cầu hóa hiện nay?
Xu thế hội nhập là tất yếu, muốn tham gia vào chuỗi giá trị thế giới, muốn quốc tế hóa thì DN cần phải vươn tới chuẩn mực quốc tế và có sự độc đáo, bản sắc của riêng mình.
Để làm được điều đó, giới doanh nhân Việt Nam cần sáng tạo hơn, nỗ lực vượt bậc trong tái cấu trúc, quản trị DN. Theo tôi, điều mà doanh nhân cần làm trước hết là nâng cao trình độ quản trị, công nghệ, hướng DN theo mô hình phát triển bền vững, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội ngay từ những bước đi đầu tiên.
Với sự phát triển của thương mại điện tử, internet, tương lai, sẽ có hàng vạn doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào giao thương quốc tế. (Nguồn: VOV) |
Theo ông, năm APEC Việt Nam 2017, sự kiện đối ngoại lớn nhất trong năm, giới doanh nhân Việt Nam sẽ học tập được gì?
Với vai trò là chủ nhà Năm APEC 2017, Việt Nam đã và đang chuẩn bị rất tốt cho sự kiện này. Tháng 11 tới, tại Đà Nẵng, Việt Nam sẽ trở thành nơi hội tụ của những người kiến tạo nền kinh tế khu vực, những nhà lãnh đạo, những CEO hàng đầu trong khu vực và trên thế giới.
Đây là cơ hội tốt để các doanh nhân Việt Nam tiếp cận, học hỏi, tham gia vào các thảo luận về chính sách trên phạm vi khu vực và toàn cầu, từ đó nâng cao nhận thức, tăng cường khả năng kết nối với các DN toàn cầu.
Ông kỳ vọng gì ở năm APEC 2017 đối với sự phát triển của DN Việt Nam?
Còn nhớ, cách đây 11 năm, khi Việt Nam tổ chức thành công Năm APEC 2006, nền kinh tế đã có bước tăng trưởng khá mạnh trong những năm sau đó. Tôi rất hy vọng là Hội nghị Thượng đỉnh DN APEC 2017 (CEO APEC Summit) cũng như Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam 2017 trong Tuần lễ cấp cao APEC sẽ thực sự góp phần tạo nên động lực cho một giai đoạn phát triển mới.
Đây là cơ hội tuyệt vời cho DN Việt tham gia góp phần định hình mô hình phát triển, hội nhập của khu vực trong thời gian tới. Đây cũng là cơ hội cho chúng ta tham gia, tận dụng những cơ hội mở ra từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Nguồn tin: Thế Giới & Việt Nam