Ước tính, sản lượng thép tiêu thụ tháng 3/2010 là 450.000 tấn, tăng 147.476 tấn so với tháng trước, và tăng 51% so với cùng kỳ 2009. Như vậy, nếu tính bình quân giá thép trong tháng 3/2010 tăng 1 triệu VND/tấn, thì người tiêu dùng cả nước đã phải chi thêm ít nhất trên 400 tỷ VND cho lượng thép tiêu thụ trong tháng này.
Sản lượng thép tiêu thụ trong tháng 3/2010 được xác định là tăng đột biến. Và việc giá thép tăng cũng là đột biến, người tiêu dùng nghi ngờ có dấu hiệu thép bị “làm giá”. Trả lời câu hỏi này, như thường lệ, một đoàn thanh tra giá thép được thành lập, với thời gian thanh tra tại mỗi DN là 5 ngày. Có 6 DN đã “được” thanh tra việc đăng ký, niêm yết giá bán thép trong đợt này. Kết quả, theo báo cáo của đoàn thành tra, có 5/6 DN đã vi phạm quy định về đăng ký, niêm yết giá. Và bị xử phạt các vi phạm này với tổng số tiền phạt là 31,5 triệu VNĐ.
Dù báo cáo thanh tra không khẳng định thép tăng giá đột biến là do đầu cơ, nhưng vi phạm trong kinh doanh thép của các DN là có thực, và phổ biến. Tuy nhiên, số tiền phạt các DN chỉ là 31,5 triệu đồng, trong khi số tiền các DN thu thêm từ hành vi tăng giá thép là trên 400 tỷ đồng. Khoảng chênh lệch khổng lồ này cho thấy, chẳng có điều gì ngăn cản các DN không tăng thêm giá thép, nếu có… cơ hội.
Cơ hội ấy được chính đoàn thanh tra xác định. Theo đó, giá nguyên liệu, giá phôi thép thế giới tăng đã khơi mào cho màn tăng giá thép trong nước. Nhưng là tăng giá đón đầu. Vì trong tháng 3 chủ yếu các DN vẫn sản xuất bằng nguyên liệu, phôi thép đã nhập với giá thấp từ những tháng trước.
Còn nhớ, chỉ dăm năm trước, việc chưa tự chủ được về nguồn phôi sản xuất trong nước được xem là nguyên nhân chính khiến giá thép trong nước không ổn định, gây thiệt hại cho sản xuất và tiêu dùng. Nhưng đến nay, phôi sản xuất trong nước đã đáp ứng được 60% nhu cầu cán, thì đến lượt việc không tự chủ về nguyên liệu sản xuất phôi (quặng, thép phế) được xem như nguyên nhân khiến giá thép vẫn chưa được bình ổn, mà vẫn tiếp tục phụ thuộc giá thép thị trường thế giới…
Cứ theo cách tư duy này, thì có thể hiểu, trong vài năm nữa, khi khả năng sản xuất trong nước có thể đáp ứng 100% nhu cầu phôi cho cán, thì giá thép trong nước vẫn có thể lên xuống thất thường vì nguyên nhân phụ thuộc vào giá thép phế (hay quặng) nhập khẩu. Hoặc cũng có thể phụ thuộc vào sự thất thường của chính giá quặng khai thác trong nước...
Nói cách khác, thị trường thép Việt Nam đang được nhìn nhận, cũng như có khả năng sẽ luôn luôn bất ổn với những nguyên nhân ngoại sinh, và chỉ được quản lý bằng những cuộc thanh tra đột xuất về giá. Và mức phạt vi phạm, nếu có, cũng ở mức phạt như… đùa. Nhưng thiệt hại của người tiêu dùng toàn xã hội với màn múa của giá thép thì luôn có thực, và cũng luôn ở mức độ rất lớn.
Thế thì cứ thanh tra giá thép để làm gì ? Khi kết luận thanh tra và xử lý hiện tượng tăng giá thép lần nào cũng nhợt nhạt, không hiệu quả như mọi lần ? Sự tương phản giữa con số 31,5 triệu tiền phạt vi phạm về giá, và hơn 400 tỷ VND tiền chênh lệch do thép tăng giá chỉ trong 1 tháng dường như chỉ mang tính chất tham khảo. Chứ chưa trở thành nỗi nhức nhối với cơ chế, hay nhà quản lý.
Hãy nhớ rằng, trong thực tế ấy, chỉ có DN và nhà quản lý được lợi. Trong đó, nhà quản lý thì có thành tích vì đã “nhanh chóng tìm hiểu tình hình và ban hành các biện pháp bình ổn thị trường thép”. DN chỉ chịu mức phạt “ruồi muỗi”, để thu lợi ở mức khổng lồ.
Chỉ có nhà nước và người tiêu dùng bị thiệt hại ! Đó có là thành tích hay không ?
DĐDN