Trong bối cảnh đã có 11 thị trường khởi kiện ngành thép Việt Nam, các doanh nghiệp cần tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về pháp luật phòng vệ thương mại.
Theo đó, doanh nghiệp nên thường xuyên có hoạt động trao đổi thông tin với hiệp hội và cơ quan quản lý nhà nước, nhằm nắm bắt được những thông tin cảnh báo sớm về khả năng bị khởi kiện tại thị trường xuất khẩu để lên phương án điều chỉnh hoạt động kinh doanh.
Ngành thép đương đầu với nhiều khó khăn
Ngày 30/8, tại hội thảo “Thực trạng và thách thức của ngành thép Việt Nam trong bối cảnh các nước gia tăng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại”, lãnh đạo Cục Phòng vệ thương mại (thuộc Bộ Công Thương) đã đánh giá năng lực sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại Việt Nam còn yếu so với đối thủ nước ngoài.
Ông Nguyễn Phương Nam - Phó cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết năng lực sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại Việt Nam còn “khiêm tốn”. Trong thời gian tới, xu thế tự vệ chống lẩn tránh thuế sẽ được áp dụng mạnh hơn so với chống bán phá giá. Đây sẽ là vấn đề rất đáng lo ngại trong tình hình khả năng tự phòng vệ thương mại của các doanh nghiệp thép Việt Nam vẫn còn kém.
Lãnh đạo Cục Phòng vệ thương mại (thuộc Bộ Công Thương) đã đánh giá năng lực sử dụng
các công cụ phòng vệ thương mại Việt Nam còn yếu so với đối thủ nước ngoài
Chia sẻ về những khó khăn, thách thức của ngành thép trong thời điểm hiện tại, ông Chu Đức Khải - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng ngành hàng này đang tiếp tục bị ảnh hưởng lớn bởi biến động của thị trường thế giới về nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất. Mặt khác, sản phẩm thép Việt Nam đang phải cạnh tranh khốc liệt khi xuất khẩu để vượt qua những rào cản kỹ thuật và thương mại nhằm bảo vệ sản xuất trong nước của các nước. Ngành thép đang phải đối mặt với các vụ kiện từ EU, Canada, Mỹ, Indonesia... và một số đang xem xét khởi kiện như Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ, Đài Loan...
Ông Khải cho hay ngành thép Việt Nam và các nước khác đang phải đối mặt với điều luật 323 của Mỹ với mức thuế 25% cho sản phẩm nhôm, thép nhập khẩu vào Mỹ mặc dù Việt Nam chỉ xuất khẩu thép xây dựng và chỉ chiếm 1,6% trong tổng lượng thép nhập khẩu của Mỹ.
Trang bị kiến thức phòng vệ thương mại cơ bản, tham gia công tác kháng kiện
Để gỡ “nút thắt” về những khó khăn của doanh nghiệp thép Việt Nam trong bối cảnh các nước gia tăng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, ông Nguyễn Phương Nam cho biết điều cần thiết đối với các doanh nghiệp thép hiện tại là kết nối các văn phòng tư vấn luật để có thể đưa ra các công cụ phòng vệ thương mại hợp lý và hiệu quả. Doanh nghiệp thép cần đa dạng hoá thị trường, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới và nghiên cứu kỹ khi có ý định khi mở rộng công suất.
Doanh nghiệp thép Việt Nam cần tự trang bị cho mình kiến thức cơ bản về pháp luật phòng vệ thương mại
Cùng chia sẻ giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp thép Việt Nam, ông Lương Kim Thành – Cục Phòng vệ thương mại cho rằng để hạn chế thấp nhất việc bị khởi kiện phòng vệ thương mại, các doanh nghiệp nên tự bảo vệ mình bằng cách trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về pháp luật phòng vệ thương mại.
Song song, doanh nghiệp nên thường xuyên có hoạt động trao đổi thông tin với hiệp hội và cơ quan quản lý nhà nước, nhằm nắm bắt được những thông tin cảnh báo sớm về khả năng bị khởi kiện tại thị trường xuất khẩu, từ đó lên phương án điều chỉnh hoạt động kinh doanh để tránh bị khởi kiện.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tham gia vào công tác kháng kiện, hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra để tránh trường hợp cơ quan điều tra sử dụng dữ liệu sẵn có bất lợi để tính toán biên độ phá giá, trợ cấp.
"Doanh nghiệp Việt Nam cần phải củng cố quan hệ với các bạn hàng, đối tác bên phía nước ngoài, các hiệp hội vì nhóm những đối tác này cũng là một bên có lợi ích bị ảnh hưởng bởi vụ việc điều tra phòng vệ thương mại", ông Thành cho hay.
Nguồn tin: Thế giới thiếp thị