Hiện tỷ lệ đóng góp vào IMF của Trung Quốc là 3,65% - mức lớn nhất trong số các nước đang phát triển, trong khi Mỹ nắm giữ 17,09%, Nhật 6,13%.
Trung Quốc có thể không đòi hỏi phần đóng góp nhiều hơn trong Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) trong hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới, nhưng muốn có tiếng nói lớn hơn trong nền kinh tế thế giới thông qua việc củng cố quan hệ với các nước, đặc biệt là Châu Phi, cố vấn Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) cho biết.
Những thay đổi về chỉ tiêu đóng góp của IMF sẽ là chủ đề trọng tâm tại hội nghị G20 tổ chức tại Seoul vào tháng 11 tới khi Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi đòi hỏi một hạn mức lớn hơn trong IMF để chứng tỏ tầm ảnh hưởng gia tăng của họ trong nền kinh tế thế giới.
Các thành viên IMF được chỉ định phần đóng góp cụ thể chủ yếu dựa trên quy mô của nước đó trong tổng thể nền kinh tế toàn cầu. Quy mô đóng góp sẽ quyết định quyền hạn cũng như cam kết của nước thành viên đó đối với IMF.
Chắc chăn sẽ có sự thay đổi từ từ nhưng mang tính chất nền tảng trong hệ thống tiền tệ quốc tế sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, và sự thay đổi này sẽ giúp Trung Quốc tăng ảnh hưởng của đồng Nhân dân tệ trên thị trường tài chính thế giới, một thành viên thuộc ủy ban chính sách tiền tệ của PBoC nhận định. Và do vây, một hệ thống tiền tệ đa cực là điều không thể tránh khỏi.
Các chính sách kích thích kinh tế của Mỹ và các nước Châu Âu có thể dẫn đến tình trạng dư thừa tính thanh khoản của thị trường, mà trong dài hạn sẽ làm suy yếu đồng nội tệ của họ.
Trái lại, Trung Quốc lại đang tăng cường quốc tế hóa Nhân dân tệ - một động thái cho thấy Trung Quốc muốn giảm phụ thuộc vào đô la Mỹ, trong khi làm tăng tầm ảnh hưởng của NDT trên thị trường tài chính quốc tế.
Năm ngoái, Thống đốc PBoC từng kiến nghị để NDT thay thế USD trở thành đồng tiền dự trữ chính với Quyền Rút Vốn Đặc Biệt
Tuy nhiên, giới phân tích vẫn cho rằng, NDT còn phải trải qua một chặng đường khá dài nữa mới có thể trở thành đồng tiền dự trữ của thế giới.
Nguồn: ChinaDaily