Kinh tế thế giới lại trải qua thêm một tuần với nhiều bài toán chưa tìm được lời giải. Hai mối họa lớn nhất lúc này là trần nợ của Mỹ và nợ công châu Âu vẫn hiện hữu, song song với những cảnh báo về nguy cơ chiến tranh tiền tệ.
Giới phân tích dự báo, các thị trường hàng hóa quốc tế trong tuần này có thể sẽ lặp lại diễn biến trong tuần qua, do cuộc tranh cãi trong việc nâng cao trần nợ của Mỹ vẫn chưa có những bước tiến mới và tình hình nợ công châu Âu chưa tìm được lối thoát.
Mỹ: Nút thắt chưa giải
Bất chấp những cảnh báo về các nguy cơ có thể xảy đến nếu trần nợ không được nâng lên trước hạn chót 2/8, Quốc hội Mỹ và Nhà Trắng vẫn chưa đạt được một thỏa thuận nào. Các cuộc họp diễn ra hầu như hàng ngày nhưng nút thắt vẫn chưa được cởi.
Hôm 15/7, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố, “không còn bao nhiêu thời gian để đạt thỏa thuận về mức nợ trần”, bởi hạn chót 2/8 đang ngày càng tiến gần, và những lo lắng đang ngày một tăng lên, hiển hiện rõ ràng trong kết quả từng phiên giao dịch chứng khoán.
Theo giới phân tích, nếu đến ngày 2/8 tới, trần nợ không được nâng, Chính phủ Mỹ sẽ không hoàn trả được các món nợ đáo hạn, kinh tế có thể bị rơi vào tình trạng suy thoái trầm trọng, tiền lương của các nhân viên và binh sỹ sẽ không được chi trả, nhưng quan trọng hơn cả là uy tín quốc tế của Mỹ sẽ giảm sút.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner từng cảnh báo về một thảm họa kinh tế khi các thị trường trái phiếu rơi vào hoảng loạn và nguy cơ lãi suất tăng cao đột biến nếu mức trần nợ công không được nâng lên.
Còn theo Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Ben Bernanke, việc Mỹ bị vỡ nợ sẽ gây ra những tác động tàn phá đối với nền kinh tế nước này cũng như toàn cầu. Chủ tịch FED nhấn mạnh nó sẽ tạo ra một cơn sốc tài chính cực kỳ nghiêm trọng.
Bế tắc trong thỏa thuận trần nợ cũng còn là nguyên nhân khiến hai tổ chức định mức tín nhiệm quốc tế là Moody's và Standard & Poor's liên tục cảnh báo sẽ hạ bậc xếp hạng tín dụng của Mỹ, gây ra không ít lo ngại và bất an trên các thị trường hàng hóa.
Theo cảnh báo đưa ra ngày 13/7 của Moody's, Mỹ có thể mất bậc xếp hạng tín dụng cao nhất trong vài tuần tới nếu các nhà làm luật nước này không tăng mức trần nợ và chính phủ không thanh toán được nợ vay.
Moody’s cho biết trong một tuyên bố cơ quan này nhận thấy “khả năng tăng trần nợ sẽ không đúng thời hạn, dẫn tới tình trạng không thể thực hiện nghĩa vụ trả nợ đối với trái phiếu của chính phủ Mỹ”.
Còn theo cảnh báo của Standard & Poor’s đưa ra một ngày sau đó, Mỹ có nguy cơ mất thứ hạng tín nhiệm AAA trong ba tháng tới đã tăng đáng kể, thậm chí ngay cả khi Quốc hội Mỹ đạt được thỏa thuận nâng trần nợ vào cuối tháng này.
Chủ tịch công ty xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's, ông John Chambers, cho rằng đây là "thời điểm" để Mỹ đạt được một thỏa thuận đáng tin cậy về ngân sách để giải quyết các vấn đề nợ dài hạn của Mỹ. Nhưng, "nếu chỉ đạt được thỏa thuận không đáng kể, điều này sẽ dẫn tới việc hạ thứ hạng".
Châu Âu: Bom chưa tháo ngòi
Tương tự như Mỹ, vấn đề nợ công của châu Âu cũng được ví như quả bom nổ chậm của kinh tế thế giới chưa được tháo ngòi. Theo cảnh báo đưa ra hôm 15/7 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), một trong các nguy cơ đẩy nền kinh tế thế giới rơi trở lại suy thoái là khủng hoảng nợ ở châu Âu.
Trước đó, ngày 13/7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 13/7 khẳng định Hy Lạp cần có thêm gói cứu trợ khoảng 100 tỷ Euro (gần 150 tỷ USD) từ Liên minh châu Âu (EU) và các nhà cho vay tư nhân để tránh rơi vào tình trạng vỡ nợ.
Trong báo cáo đề cập đến việc cứu trợ Athens, IMF cho biết thể chế tài chính đa phương này sẽ tiếp tục thực hiện chương trình cứu trợ tài chính cho Hy Lạp, song cảnh báo nước này sẽ trải qua một cuộc suy thoái trầm trọng hơn trong năm 2011 với nền kinh tế được dự báo sẽ giảm tới 3,9% GDP, cao hơn nhiều so với ước tính 3% trước đó.
Mặc dù Athens đã đáp ứng được một số tiêu chí trong chương trình khắc khổ theo yêu cầu của EU và IMF, nhưng núi nợ khổng lồ 350 tỷ Euro vẫn đang được xem là thách thức lớn đối với nền kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn này.
Hôm qua (17/7), Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tới thủ đô Athens để thảo luận với Chính phủ Hy Lạp về cuộc khủng hoảng nợ đang diễn biến ngày một tồi tệ và nhiều rủi ro.
Theo một quan chức ngoại giao cấp cao Mỹ, bà Hillary muốn bày tỏ sự ủng hộ đối với Thủ tướng George Papandreou trước các nỗ lực nghiêm túc của Athens nhằm giảm thâm hụt ngân sách và khôi phục khả năng cạnh tranh.
Tuy nhiên, vấn đề nợ của Hy Lạp giờ chỉ là một yếu tố nhỏ trong chuỗi mắt xích các quốc gia có nguy cơ vỡ nợ ở Eurozone. Trong đó đáng lo hơn cả là Italy, nợ công hiện tại của quốc gia này là 1.600 tỷ Euro (bằng 120% GDP) so với con số 330 tỷ Euro của Hy Lạp, 168 tỷ của Ireland và 142 tỷ Euro của Bồ Đào Nha.
Vì vậy, bất kỳ khoản vay nợ nào cũng sẽ làm trầm trọng thêm số nợ này. Mặt khác, nếu các nước châu Âu phải cho Italy vay thì Đức và Pháp mỗi nước phải trích ra số tiền tương đương 10% GDP của mỗi nước. Hôm 15/7, Hạ viện Italy đã thông qua dự luật ngân sách khắc khổ, nhằm giảm thâm hụt ngân sách từ nay tới năm 2014.
Bài toán nợ nần của Hy Lạp, Italy, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ireland là lý do khiến các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) quyết định tổ chức hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp vào ngày 21/7 tới tại Brussel (Bỉ) để thảo luận về cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng nợ.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy cho biết, ông đã yêu cầu Bộ Tài chính các nước EU xúc tiến công việc chuẩn bị. Hội nghị tới sẽ bàn về sự ổn định tài chính của khu vực sử dụng đồng euro và việc cung cấp gói cứu trợ mới dành cho Hy Lạp.
Nguồn tin: Vneconomy