Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thế giới tuần 16-22/8: Sự trỗi dậy của châu Á

Trong lúc Mỹ và châu Âu tiếp tục trượt dài vì nỗi lo chậm phục hồi hoặc suy thoái kép, khu vực châu Á vẫn tăng trưởng mạnh mẽ. Đây cũng là điểm nhấn quan trọng trong bức tranh kinh tế thế giới tuần qua.

Mỹ - Âu tuột dốc. Theo Ủy ban ngân sách Quốc hội Mỹ, ước tính thâm hụt ngân sách năm 2010 của nền kinh tế đầu tàu thế giới có thể vượt 1.300 tỷ USD, mức cao thứ 2 tính từ năm 1965. Trong khi đó, các chuyên gia đồng loạt dự báo đà phục hồi của kinh tế Mỹ sẽ vẫn diễn ra với tốc độ chậm chạp.

Bên cạnh đó, số liệu mới công bố của Văn phòng hành chính tòa án Mỹ, trong thời gian từ tháng 4 -6/2010, quốc gia này đã có khoảng 422.061 vụ phá sản, cao hơn 9% so với con số 388.148 trong khoảng thời gian 3 tháng trước và cao hơn 11% so với con số 381.073 cùng kỳ năm trước.

Số liệu cho chính phủ cho thấy số lượng các vụ phá sản tại Mỹ đã lên mức cao nhất từ năm 2005 bởi kinh tế tăng trưởng chững lại và tỷ lệ thất nghiệp ở quanh mức 2 con số.

Chưa hết, với phiên giao dịch chốt tuần trước, tính chung, thị trường chứng khoán Mỹ mất điểm tuần thứ hai liên tiếp, do số liệu kinh tế công bố trong tuần quá nghèo nàn cộng thêm nạn thất nghiệp tiếp tục gia tăng làm ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư.

Tính cả tuần, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,9%, S&P 500 mất 0,7% còn Nasdaq tăng 0,8%. Sau khi lên sát 10.700 điểm vào đầu tuần trước, chốt tuần này, Dow Jones về sát 10.200 điểm. Từ đầu năm 2010 đến nay, Dow Jones hạ 3,16%, S&P 500 hạ 4,83% còn Nasdaq hạ 4,87%.

Cùng với thị trường chứng khoán Mỹ, các thị trường châu Âu cũng rực sắc đỏ. Chỉ số Stoxx Europe 600 giảm 1,3% xuống 252,15 điểm. Chỉ số chính của 16/18 thị trường chứng khoán khu vực Tây Âu đi xuống. Chỉ số CAC 40 của thị trường Pháp hạ 2,4%, chỉ số DAX của thị trường Đức hạ 1,7%, chỉ số FTSE 100 của thị trường Anh hạ 1,5%.

Á châu vươn mình. Các thị trường chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương là khu vực duy nhất trên thế giới giữ được màu xanh trong hầu hết các phiên giao dịch tuần qua, ngoại trừ phiên chốt tuần lung lay do tác động từ châu Âu và Mỹ.

Tính cả tuần, chỉ số MSCI khu vực châu Á – Thái Bình Dương tăng 0,4% lên 118,29 điểm, sau khi giảm 3,7% trong tuần trước. Chỉ số hiện giảm 8,4% so với mức đỉnh của năm thiết lập ngày 15/04/2010. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc tăng 1,4%. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,8%. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 1,7%.

Mặc dù kinh tế Nhật Bản xuống dốc trong quý 2, nhưng lại là cơ hội tạo đà để Trung Quốc vượt lên dẫn trước. Theo số liệu được Nhật Bản công bố hôm 16/8, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản là 1.286 tỷ USD, thấp hơn so với con số 1.335 tỷ USD của Trung Quốc.

Cùng với sự đổi ngôi của hai nền kinh tế Nhật, Trung, một số quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á tuần qua cũng nổi lên mạnh mẽ. Thống đốc Ngân hàng trung ương Malaysia, Zeti Akhtar Aziz cho biết, kinh tế nước này đã tăng trưởng 8,9% trong quý 2/2010 so với cùng kỳ năm ngoái và dự đoán sẽ tăng trưởng 6% trong năm 2010.

Còn theo cơ quan thống kê vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), GDP quý 2/2010 của khu vực này đã tăng trưởng 12,53% so với cùng kỳ năm trước. Quý 1/2010, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Đài Loan đạt 13,71%. Xuất khẩu của Đài Loan có thể tăng trưởng hơn 30% trong năm nay.

Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva hôm 20/8 tỏ ý tin tưởng rằng, khu vực xuất khẩu sẽ giúp tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong năm nay lên ít nhất 7%. Ông Abhisit cho biết, kinh tế Thái Lan tăng trưởng 10% trong 6 tháng đầu năm 2010 chủ yếu nhờ xuất khẩu tăng mạnh.

Quý 2/2010, kinh tế châu Âu tăng trưởng 1%; tăng trưởng kinh tế Mỹ quý 1/2010 theo số liệu công bố lần đầu là 2,4% và có thể bị điều chỉnh xuống 1,4% vào cuối tuần tới, có thể khẳng định kinh tế châu Á sẽ là đầu tầu tăng trưởng của kinh tế toàn cầu năm 2010.

Nhật báo Telegraph của Anh mới đây đã nêu một loạt số liệu thống kê rất khả quan về tăng trưởng của các quốc gia Đông Nam Á. Theo đó, trong năm 2010, Singapore sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế kỷ lục là 15%, tiếp đó là Malaysia 7%, Indonesia 6,6% và Philippines 6%.

Tờ báo này cho rằng, sau cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu 2008-2009, một số quốc gia Đông Nam Á đã phục hồi nhanh chóng. Khu vực này ngày càng trở nên hấp dẫn giới đầu tư trong bối cảnh Việt Nam và Thái Lan đang vươn lên bên cạnh những nền kinh tế được đánh giá là phát triển trong khu vực như Singapore.

Theo nhật báo trên, các quỹ đầu tư quốc gia và các nhà đầu tư riêng lẻ hiện đều muốn chọn châu Á và Đông Nam Á để tăng cường đầu tư bởi khả năng đạt lợi nhuận cao. Năm ngoái, Quỹ đầu tư Fidelity đã dành tới 25% đầu tư cho khu vực Đông Nam Á, trong khi các Quỹ Aberdeen và First State lần lượt dành 35% và 25% đầu tư vào khu vực.

Trong khi đó, hôm 19/8, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã công bố một báo cáo khẳng định tầng lớp trung lưu (gồm những người tiêu dùng từ 2-30 USD/ngày) đang mở rộng nhanh chóng của châu Á sẽ có thể đóng vai trò là người tiêu dùng hàng đầu và giúp tái cân bằng các nền kinh tế.

Báo cáo này nằm trong một chương đặc biệt của ấn bản Những chỉ số chính cho châu Á và châu Á - Thái Bình Dương 2010. Theo đó, nghiên cứu cho thấy người tiêu dùng châu Á đã tiêu dùng khoảng 4.300 tỉ USD, tương đương 1/3 mức tiêu dùng của các nước công nghiệp phát triển (OECD).

Nguồn: vneconomy

ĐỌC THÊM