Sự phục hồi nhanh chậm của nền kinh tế đầu tàu tiếp tục chi phối tâm lý nhà đầu tư khắp nơi, và điều đó đã thể hiện rõ nét qua sự thăng giảm của các hàn thử biếu kinh tế thế giới 7 ngày qua. Tuy nhiên, bên cạnh những mảng trầm màu của kinh tế Mỹ, cũng có một vài "đốm lửa nhỏ" đáng chú ý.
Lạc quan thận trọng. Tính cả tuần giao dịch vừa qua, tại thị trường Mỹ, chỉ số công nghiệp Dow Jones và S&P 500 đều tăng 1,8%, còn chỉ số Nasdaq tăng 1,5%. Như vậy, S&P 500 và Dow Jones đều đã tăng nhẹ so với đầu năm.
Chỉ số Stoxx Europe 600 tăng 1,3% lên 258,71 điểm. 55% công ty thuộc chỉ số này đã công bố lợi nhuận ròng tốt hơn so với dự báo. Chỉ số chính của các thị trường chứng khoán 18 nước Tây Âu lên điểm. Chỉ số DAX của Đức tăng 1,8%; chỉ số FTSE của tăng 1,4% còn chỉ số CAC 40 của Pháp tăng 2%.
Trong khi đó, chỉ số MSCI của khu vực châu Á – Thái Bình Dương tăng 2,8% lên 122,4 điểm, mức cao nhất trong 3 tháng qua. Chỉ số này đã có chuỗi thời gian tăng điểm dài nhất kể từ tháng 4/2009. Trong số các chỉ số chính ở châu Á, đáng chú ý trong tuần, Hang Seng tăng 3,1%, Kospi tăng 1,4%, Nikkei 225 tăng 1%.
Buộc bụng thành công. Hy Lạp đã thành công trong việc thắt chặt chi tiêu để giảm thâm hụt ngân sách, và nhiều khả năng quốc gia này sẽ nhận được tiếp 9 tỷ Euro, tương đương 11,8 tỷ USD, trong gói cứu trợ khẩn cấp.
Phát biểu tại Athens, Trưởng phái đoàn kiểm toán của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Poul Thomsen cho biết, việc cắt giảm chi tiêu của Hy Lạp đang đi đúng hướng, đủ tiến bộ để Athens có thể nhận được 9 tỷ Euro, dự kiến được giải ngân vào ngày 13/9.
Mặc dù đánh giá cao tiến trình thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng của Hy Lạp khi đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong nỗ lực đối phó với khủng hoảng nợ công, song phái đoàn kiểm toán cũng cho rằng, Hy Lạp vẫn đối mặt với nhiều thách thức lớn.
Lợi nhuận khả quan. Ngân hàng Standard Chartered của Anh công bố đã thu được hơn 3/4 doanh thu từ thị trường châu Á. Lợi nhuận ròng 6 tháng đầu năm của ngân hàng này đã tăng được 11% lên 2,15 tỷ USD, cao hơn mức 1,93 tỷ USD cùng kỳ năm 2009 và vượt dự báo 2,08 tỷ USD của giới phân tích.
Trước đó, ngân hàng HSBC công bố lợi nhuận ròng nửa đầu năm 2010 tăng gấp đôi lên mức 6,76 tỷ USD, dự phòng nợ xấu giảm, lợi nhuận tại Hồng Kông và khu vực châu Á – Thái Bình Dương tăng. Ngân hàng lớn thứ 2 của Pháp, Societe Generale, cũng công bố lợi nhuận quý 2/2010 tăng hơn gấp 3 lần.
Ngân hàng Hoàng gia Scotland (Royal Bank of Scotland), ngân hàng lớn thuộc kiểm soát của chính phủ Anh, đã kinh doanh có lãi lần đầu tiên từ năm 2007, dự phòng nợ xấu giảm. Cụ thể, lãi ròng đạt 9 triệu bảng tương đương 14 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2010, trong khi đó cùng kỳ năm trước ngân hàng này thua lỗ 1,04 tỷ bảng.
Nhẹ gánh thua lỗ. Fannie Mae, tập đoàn cho vay thế chấp bất động sản hàng đầu của Mỹ, công bố thua lỗ 1,2 tỷ USD trong quý 2/2010, thấp nhất trong 3 năm. Tuy nhiên Fannie Mae vẫn yêu cầu chính phủ Mỹ hỗ trợ thêm 1,5 tỷ USD.
Mức thua lỗ trên cho thấy sự suy yếu trên thị trường nhà đất sẽ tiếp tục, nhưng đã cải thiện hơn rất nhiều so với mức thua lỗ 14,8 tỷ USD cùng kỳ năm trước. Quý 2/2010 đánh dấu quý thứ 12 liên tiếp tập đoàn cho vay thế chấp bất động sản này thua lỗ.
“Tình hình trên thị trường nhà đất và tín dụng đã cải thiện theo hướng tốt hơn cho tương lai”, Michael Williams, cựu Giám đốc điều hành Fannie Mae, nhận định. Việc Fannie có thể khắc phục được tình trạng thua lỗ hay không sẽ phụ thuộc vào những khoản vay mà tập đoàn này đã cấp hay đảm bảo trong 2 năm qua, cũng như diễn biến của kinh tế Mỹ.
Nguồn: vneconomy