Nguy cơ phóng xạ chưa được giải trừ tại Nhật Bản, chiến sự tại Lybia và khủng hoảng nợ công dai dẳng ở châu Âu vẫn là ba chủ điểm chính trong tuần qua, khi mà các thông tin xung quanh những vấn đề này liên tục được cập nhật và có sự nhiễu loạn.
Đây cũng là ba yếu tố tác động nhiều nhất tới diễn biến các thị trường vàng, dầu, chứng khoán trong bảy ngày qua và thậm chí là tuần này.
Hư thực chuyện phóng xạ
Hôm 27/3, hãng tin AFP dẫn lời các quan chức Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) cho biết, nồng độ phóng xạ đo được tại khu vực nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 đã lên tới 1.000 millisievert/giờ. Đây là mức cực kỳ nguy hiểm, buộc phải tiến hành sơ tán khẩn cấp các công nhân đang vận hành tuabin tại các lò phản ứng.
Tuy nhiên, ngay sau đó, các quan chức TEPCO lại ra tuyên bố mức phóng xạ cực kỳ cao và vô cùng nguy hiểm được phát hiện hôm 27/3 là một sai sót. Theo lời phát ngôn viên công ty này, ông Takashi Kurita, phát biểu tối cùng ngày, "con số này là không đáng tin". "Chúng tôi rất xin lỗi", ông Kurita nói. Hiện mức độ phóng xạ tại nhà máy này đang được kiểm tra lại.
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yukio Edano thừa nhận, những tiến triển trong nỗ lực ngăn chặn một thảm họa hạt nhân tại nhà máy này là còn chậm. Ông Edano đã cam kết sẽ đưa ra những báo cáo công khai về quá trình khắc phục sự cố, giữa lúc những mối nghi ngờ về việc bưng bít thông tin ngày một tăng lên.
Tuy nhiên, sự chậm chạp trong nỗ lực khắc phục sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 đã đánh bạt mọi thông tin về nỗ lực khắc phục hậu quả của vụ động đất, sóng thần. Hiện những đám mây phóng xạ đang lan rộng ở Thái Bình Dương, trong khi nồng độ iodine phóng xạ trong nước biển khu vực gần nhà máy cao gấp 1.850 lần mức cho phép.
Những thông tin liên tiếp về phóng xạ ở Nhật Bản không chỉ reo rắc nỗi sợ hãi đối với cư dân sống gần khu vực nhà máy, mà thậm chí còn lan ra khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Một số nước như Liên minh châu Âu, Singapore, Mỹ, Trung Quốc đã ngừng nhập khẩu nông sản và sữa từ các vùng bị ảnh hưởng bởi phóng xạ tại Nhật Bản.
Thêm một Iraq?
Vai trò của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong chiến dịch tại Lybia và việc có triển khai bộ binh hay không cũng hư hư thực thực. Một quan chức giấu tên thuộc NATO cho biết, hôm 27/3, khối này đã nhất trí tiếp quản hoàn toàn quyền chỉ huy các chiến dịch quân sự tại Lybia từ liên quân do Mỹ đứng đầu.
Theo quan chức này, quyết định trên đồng nghĩa với việc NATO hiện nắm quyền kiểm soát hoàn toàn mọi phương diện của chiến dịch quân sự này, chấm dứt gần một tuần thương lượng căng thẳng về bộ máy chỉ huy. Còn theo tướng Charles Bouchard người Canada phụ trách các chiến dịch, NATO đã bắt đầu thực thi các chiến dịch vùng cấm bay" và cấm vận vũ khí tại Lybia.
Trước đó, ngày 26/3, Đại sứ Nga tại NATO Dmitry Rogozin đã nhận định, tổ chức quân sự này có thể bị sa vào một cuộc chiến tranh toàn diện ở Lybia, giống như ở Iraq và Afghanistan.
"NATO đang bị lôi kéo sâu hơn và sâu hơn vào cuộc chiến tranh ở Bắc Phi. Những tuyên bố mà chúng ta nghe thấy hôm nay (26/3 - PV) từ các thành viên NATO cũng như của khối này nói chung có thể kéo NATO vào một chiến dịch toàn diện trên lãnh thổ Lybia", hãng thông tấn Interfax dẫn lời ông Rogozin.
"Về cơ bản, điều đó có nghĩa Mỹ và các đồng minh thân cận nhất có thể bị kéo vào một cuộc chiến tranh thứ ba, ngoài hai cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan".
Trong khi đó, hôm 26/3, hãng thông tấn RIA-Novosti của Nga dẫn lời một quan chức tình báo cấp cao nước này cho biết, lực lượng liên quân đang chuẩn bị chiến dịch trên bộ ở Lybia. Theo nguồn tin trên, liên quân đang tích cực vạch kế hoạch mở chiến dịch trên bộ ở Lybia và chiến dịch này có thể sẽ bắt đầu vào cuối tháng 4, đầu tháng 5 tới.
Nguy cơ vỡ nợ mới
Tờ WSJ hôm 25/3 dẫn lời các chuyên gia phân tích kinh tế của Mỹ cảnh báo, cuộc khủng hoảng kinh tế châu Âu đã bước vào giai đoạn mới với nguy cơ vỡ nợ của nền kinh tế Bồ Đào Nha.
Giới phân tích thuộc Citigroup cho rằng, việc Quốc hội Bồ Đào Nha bác bỏ chương trình khắc khổ của Chính phủ Thủ tướng Jose Socrates có nguy cơ đẩy nước này lâm vào cảnh vỡ nợ, buộc phải xin cứu trợ từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hàng chục tỷ Euro.
Nếu thực vậy, Bồ Đào Nha sẽ là nước thứ ba trong số 17 nền kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu, sau Hy Lạp và Ireland, phải nhận cứu trợ của EU và IMF. Theo kế hoạch, Bồ Đào Nha phải thanh toán khoản nợ 4,23 tỷ Euro trong tháng 4/2011, nhưng dự trữ của nước này hiện còn chưa tới con số đó.
Trước đó, tại hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels (Bỉ) hôm 24/3, các quan chức tổ chức này cho rằng, kế hoạch cắt giảm chi tiêu ngân sách của Bồ Đào Nha, vừa bị Quốc hội nước này bác bỏ, vẫn là điều cần thực hiện. Hầu hết các ý kiến cho hay, Bồ Đào Nha nên tiếp tục kế hoạch "thắt lưng buộc bụng," ngay cả khi đã xin cứu trợ vỡ nợ.
Theo Thủ tướng Đức Angela Merkel, việc Lisbon bám vào các mục tiêu trong chương trình này để kiểm soát thâm hụt ngân sách nhà nước là "rất quan trọng". Còn Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso thì cho rằng kế hoạch cắt giảm chi tiêu ngân sách của Bồ Đào Nha, vừa bị Quốc hội nước này bác bỏ, vẫn là "tối cần thiết".
Trong bối cảnh EU phải hoãn quyết định tăng Quỹ cứu trợ vỡ nợ từ 500 tỷ Euro lên 710 tỷ Euro, các nhà kinh tế Viện Brookings của Mỹ cảnh báo nguy cơ vỡ nợ của Bồ Đào Nha là dấu hiệu cho thấy tình trạng này không còn chỉ giới hạn trong các nền kinh tế nhỏ mà có thể bắt đầu ảnh hưởng đến các nền kinh tế lớn hơn.
Nếu Bồ Đào Nha mất quyền tiếp cận các nguồn tài chính thị trường, nền kinh tế tiếp theo vỡ nợ có thể là Tây Ban Nha - nền kinh tế lớn thứ 4 trong khu vực đồng tiền chung châu Âu, do những yếu kém nghiêm trọng trong hệ thống ngân hàng nước này.
Nguồn: vneconomy