Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thế giới tuần 22-28/11: Căng như dây đàn

Không còn nghi ngờ gì nữa, mối lo khủng hoảng nợ công dây dưa kéo dài ở châu Âu và tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên là những tin tức đáng chú ý nhất trong tuần qua, ảnh hưởng trực tiếp và sâu rộng tới đời sống kinh tế thế giới. Tình thế chính trị kinh tế quốc tế trong tuần có thể nói là "căng như dây đàn".

Hôm 28/11, các quan chức châu Âu đã chính thức thông qua kế hoạch giải cứu trị giá 85 tỷ Euro (113 tỷ USD) dành cho Ireland. Trong đó, 10 tỷ Euro được dùng để tái cấp vốn trực tiếp, 25 tỷ hỗ trợ khẩn cấp cho các ngân hàng và 50 tỷ đáp ứng các nhu cầu về ngân sách.

Thur tướng Ireland Brian Cowen cho biết, gói giải cứu này hết sức cần thiết đối với quốc gia của ông, đồng thời khẳng định, thuế doanh nghiệp tại nước này sẽ không có bất cứ sự thay đổi nào xuất phát từ kế hoạch cứu trợ này.

Trong tổng số giá trị của khoản cứu trợ, 67,5 tỷ Euro dưới dạng các khoản vay từ Liên minh châu Âu, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và 3 quốc gia Anh, Đan Mạch, Thụy Điển. Số còn lại sẽ từ nguồn dự trữ và hưu bổng của Ireland. Mức lãi suất mà Ireland phải trả là 5,8%.

Chương trình giải cứu sẽ bao gồm các khoản vay kỳ hạn từ 3 - 7,5 năm. Ngoài ra, Ireland cũng được kéo dài thêm một năm để hạ thâm hụt ngân sách về mức 3% GDP theo quy định của Liên minh châu Âu, tức là vào năm 2015.

Như vậy, mối lo về khủng hoảng nợ công của "con hổ" vùng Celtic đã tạm thời lắng dịu. Tuy nhiên, trong lúc này, nhà đầu tư đã "nhanh chân" chuyển dịch nỗi lo sang các quốc gia khác thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha.

Cuối tuần qua, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Tây Ban Nha đã tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay. Hợp đồng bảo hiểm nợ (CDS) kỳ hạn 5 năm của trái phiếu chính phủ Tây Ban Nha lên tới 312 điểm phần trăm, cũng cao nhất từ trước tới giờ.

Theo đó, với 10 triệu Euro nợ dài hạn của Tây Ban Nha sẽ mất 312.000 Euro phí bảo lãnh. Trong khi đó CDS của Bồ Đào Nha là 510 điểm % và CDS Ireland là 595 điểm %.

“Nếu chúng ta tiếp tục theo dõi xu hướng lợi suất trái phiếu chính phủ Tây Ban Nha, khủng hoảng hoàn toàn có khả năng xảy ra đối với nền kinh tế đang chiếm 11,7% GDP của Eurozone”, Gary Jenkins, trưởng bộ phận nghiên cứu thu nhập cố định tại Evolution Securities, nhận xét.

Các nhà phân tích cho rằng, nếu khủng hoảng xảy ra, tình hình ở Tây Ban Nha sẽ nghiêm trọng hơn Ireland rất nhiều. Quốc gia này hiện có 17 bang, mỗi bang hoạt động như vùng tự trị và được phát hành trái phiếu riêng nhằm hỗ trợ chi tiêu.

Theo giáo sư Javier Diaz Gimenez thuộc trường kinh doanh IESE, ở một quốc gia phân tán quyền lực như Tây Ban Nha, nếu chính phủ kiểm soát giá cả thì sẽ gây ra nhiều rắc rối. Năm 2009, có tới 14 bang không đáp ứng được chỉ tiêu giảm thâm hụt ngân sách đặt ra.

Trong thời kỳ bong bóng nhà đất xảy ra, nhiều chính quyền địa phương tăng cường đầu tư xây dựng nhà cửa. Tuy nhiên, khi công trình triển khai và hoàn tất, giá cả nhà đất giảm, nhiều địa phương không thể tìm ra tài chính để thanh toán cho các công trình.

Đứng trước những lời đồn về tình hình nợ nần của Tây Ban Nha, Thủ tướng nước này Jose Luis Rodriguez Zapatero vẫn khẳng định, Tây Ban Nha sẽ không phải vay nợ như các nước khác và tỉ lệ nợ của Tây Ban Nha đối với GDP vẫn thấp hơn mức trung bình của Liên minh châu Âu.

Trong lúc đó, người đứng đầu Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso hôm 27/11 cũng lên tiếng bác bỏ tin Bồ Đào Nha sẽ đứng vào cùng hàng ngũ với Ireland và Hy Lạp để tìm kiếm sự hỗ trợ của châu Âu.

Ông Barroso cho biết, những tin đồn rằng Eurozone và Ngân hàng Trung ương châu Âu đang thúc giục Bồ Đào Nha xin cứu trợ tài chính từ Liên minh châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, không không đúng sự thật.

Về phần mình, Bồ Đào Nha cũng đã bác bỏ tin trên. Quốc hội nước này vừa thông qua một ngân sách cắt giảm mạnh chưa từng thấy nhằm giảm thâm hụt ngân sách từ mức 7,3% GDP năm nay xuống 4,6% vào năm 2011.

Trước đó, ngày 25/11, Ủy ban châu Âu cũng khẳng định, không có bất kỳ cuộc thảo luận nào về việc có thêm các quốc gia phải tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính của Liên minh châu Âu, sau khi tờ Financial Times Deutschland cho hay, một số nước trong Eurozone muốn Bồ Đào Nha xin cứu trợ.

Có vẻ như những tuyên bố bác bỏ của các quan chức châu Âu chưa đủ mạnh, bởi thực tế là, nhà đầu tư quốc tế vẫn đang tiếp tục lo lắng và bày tỏ sự hoài nghi của họ về vấn đề nợ công châu Âu qua kết quả giao dịch trên các sàn chứng khoán, vàng và ngoại tệ.

Tuy nhiên, giới phân tích chính trị lại cho rằng, điều ảnh hưởng lớn hơn nợ công châu Âu tới kinh tế thế giới tuần qua, lại là những diễn biến căng thẳng đang có phần leo thang tại bán đảo Triều Tiên, sau vụ nã pháo qua lại giữa Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên.

Vụ việc bắt đầu hôm 23/11 khi CHDCND Triều Tiên bất ngờ nã pháo vào đảo Yeonpyeong mà Hàn Quốc đang quản lý, cũng như vùng biển phía tây bán đảo Triều Tiên. Ngay lập tức Hàn Quốc cũng phản ứng lại bằng loạt pháo nhằm vào CHDCND Triều Tiên.

Thông tin này ngay lập tức làm các sàn chứng khoán thế giới tụt dốc liên tiếp hai phiên 23 và 24/11. Tuy thị trường có phần khởi sắc lại đôi chút vào ngày 25/11 sau, nhưng sau đó lại quay đầu giảm điểm thêm một phiên chốt tuần, kéo lùi kết quả chung cả tuần của nhiều chỉ số chứng khoán quan trọng.

Sáng hôm qua (28/11), Hàn Quốc và Mỹ đã bắt đầu cuộc tập trận chung kéo dài 4 ngày ở ngoài khơi bờ biển phía tây bán đảo Triều Tiên, bất chấp sự phản đối và cảnh báo sẽ đáp trả của CHDCND Triều Tiên.

Cuộc tập trận này, phía Mỹ có tàu sân bay USS George Washington cùng các tàu chiến USS Cowpens, USS Shiloh, USS Stethem và USS Fitzgerald. Phía Hàn Quốc có hai tàu khu trục, một tàu tuần tiễu hải quân, máy bay chiến đấu chống tàu ngầm.

Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap dẫn lời một quan chức thuộc Văn phòng Tổng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cho hay, cường độ cuộc tập trận lần này mạnh hơn so với kế hoạch đã định, các binh sĩ sẽ thực hiện diễn tập bắn đạn thật và ném bom.

Cùng ngày, hãng thông tấn KCNA của CHDCND Triều Tiên cũng khẳng định, Bình Nhưỡng sẽ tiến hành các cuộc tấn công quân sự nếu Mỹ và Hàn Quốc vi phạm lãnh hải nước này. KCNA phát tuyên bố của Ủy ban tái thống nhất hòa bình bán đảo Triều Tiên, cảnh báo rằng sự gia tăng đối đầu có thể dẫn tới chiến tranh.

Trước đó, ngày 27/11, Trung Quốc đã bày tỏ sự lo ngại và phản đối cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hong Lei, tuyên bố: "Chúng tôi phản đối bất kỳ hành động nào làm phương hại tới hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên".

Mặc dù không có ảnh hưởng trực tiếp và sâu rộng tới kinh tế quốc tế tuần qua như tình hình châu Âu và bán đảo Triều Tiên, nhưng việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này, cũng ít nhiều làm dư luận chú ý.

Trong báo cáo công bố hôm 23/11, cơ quan này dự báo kinh tế Mỹ sẽ chỉ tăng 2,4 - 2,5% trong năm nay, giảm mạnh so với mức dự báo 3 - 3,5% đưa ra hồi tháng 6. Năm 2011, kinh tế Mỹ được dự báo tăng 3 - 3,6%, cũng giảm nhiều so với lần dự báo trước.

Theo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp năm 2010 tiếp tục dao động ở mức 9,5 - 9,7%. Cơ quan này thừa nhận, những nỗ lực giảm bớt thất nghiệp diễn ra chậm chạp. Tỷ lệ thất nghiệp năm 2011 được dự báo ở mức 8,9 - 9,1% và năm 2012 là 7,7 - 8,2%.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cũng lưu ý, nền kinh tế đầu tàu thế giới có thể phải mất khoảng 5, 6 năm mới hoàn toàn phục hồi như trước khủng hoảng, nhưng đó là trong trường hợp "không xảy ra thêm một cú sốc nào mới"

Nguồn: Vneconomy

ĐỌC THÊM