Nỗi lo về khả năng vỡ nợ của Hy Lạp kéo theo một cuộc khủng hoảng tài chính mới ở châu Âu đã dịu bớt nhanh chóng. Trong khi, tăng trưởng của Trung Quốc có dấu hiệu giảm tốc ngày càng rõ nét và kinh tế Mỹ vẫn còn đầy rủi ro khó lường.
Giông tố đã qua
Hôm qua (3/7), các bộ trưởng bộ tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã thông qua đợt giải ngân thứ 5 cho Hy Lạp. Như vậy, Hy Lạp sắp nhận được 12 tỷ Euro tiếp theo trong gói cứu trợ 110 tỷ Euro nhận được năm 2010 để tránh khả năng bị vỡ nợ đang đến gần.
Thông tin này đã giúp chỉ số tín nhiệm của Hy Lạp tăng lên đáng kể. Quyết định của Eurozone được đưa ra sau cuộc họp trực tuyến kéo dài hơn hai giờ. Theo đó, Eurozone sẽ chịu trách nhiệm giải ngân 8,7 tỷ Euro vào 15/7, sau khi IMF thông qua kế hoạch giải ngân 3,3 tỷ Euro cho Hy Lạp vào ngày 8/7.
Theo phát ngôn viên của IMF, bà Caroline Atkinson, tổ chức này hoan nghênh quyết định trên của Eurozone dành cho Hy Lạp, đồng thời khẳng định chiến lược tài chính này sẽ giúp Hy Lạp thanh toán những khoản nợ đáo hạn vào tháng 7/2011, trong bối cảnh ngân sách đã cạn kiệt và nguy cơ phá sản đang cận kề.
Ngoài ra, các bộ trưởng Tài chính Eurozone cũng đã bàn bạc về gói cứu trợ thứ hai trị giá 85 tỷ Euro cho Hy Lạp. Nội dung thảo luận sẽ được đưa ra xem xét tại cuộc họp của Eurozone ngày 11/7. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng có thể mất nhiều tuần hoặc nhiều tháng mới bàn thảo xong chi tiết của kế hoạch này.
Trước đó, để nhận được đợt giải ngân mới, Hy Lạp đã phải cam kết thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng nhằm tiết kiệm 28 tỷ Euro và cổ phần hóa một số tài sản quốc gia để thu về 50 tỷ Euro từ nay đến năm 2015.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, việc thực hiện các biện pháp này sẽ không dễ bởi sự phản đối của người dân. Để có thể thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay, Hy Lạp cần lấy lại đà tăng trưởng kinh tế, nhưng biện pháp cắt giảm đầu tư và sa thải lao động nhiều khả năng sẽ khiến nhiệm vụ này trở nên khó khăn hơn.
Từ nóng sang nguội
Theo hãng tin BBC, khu vực sản xuất của Trung Quốc đang mở rộng với tốc độ chậm nhất kể từ 28 tháng sau các chính sách của chính phủ nhằm ngăn chặn tình trạng quá nóng của nền kinh tế, theo một khảo sát chính thức cho biết.
Chỉ số quản lý mua bán của Trung Quốc (PMI) hạ xuống mức 50,9 vào tháng 6 so với mức 52 trong tháng 5. Chỉ số PMI là một chỉ dấu chủ chốt về các điều kiện hoạt động của khu vực kinh tế này, vốn là một thành tố lớn cho sự phát triển của Trung Quốc.
Mặc dù chỉ số ở trên ngưỡng 50, cho thấy có mở rộng phát triển trong khu vực này, thì mức sụt giảm so với tháng trước đã cho thấy phát triển đang chậm lại. Chính phủ Trung Quốc vẫn cố tìm cách làm chậm mức phát triển được thúc đẩy qua tín dụng trong một nỗ lực ngăn chặn giá bất động sản bị quá nóng.
Giới phân tích nhận định, các chính sách của Chính phủ Trung Quốc đang bắt đầu có ảnh hưởng xấu tới khu vực sản xuất. Thêm vào đó, các yếu tố bên ngoài cũng góp phần vào việc khiến sản xuất của Trung Quốc giảm tốc.
Theo một quan chức thuộc Cơ quan thông tin kinh tế tại Bắc Kinh, việc đà phục hồi chậm chạp của nền kinh tế Mỹ, khủng hoảng tại châu Âu đã ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu thụ hàng hóa Trung Quốc ở những khu vực này. Tuy nhiên, theo ông, kinh tế của Trung Quốc vẫn khá mạnh.
Vẫn nhiều bất ổn
Hôm 30/6 vừa qua đã đánh dấu thời điểm kết thúc chương trình mua trái phiếu chính phủ trị giá 600 tỷ USD (QE2) mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đưa ra nhằm hỗ trợ phục hồi nền kinh tế sau khủng hoảng. Tuy nhiên, theo giới phân tích, chương trình này không đạt kết quả như mong đợi.
Tháng 11/2010, FED bắt đầu chương trình mua vào 75 triệu USD trái phiếu chính phủ mỗi tháng cho đến hết tháng 6/2011. Mục đích của chương trình này là tăng tính thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, giúp các doanh nghiệp được tiếp cận tín dụng dễ dàng, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm.
Theo hãng tin CNBC, QE2 đã mang lại một số thành công, như giúp thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh, nâng giá các loại hàng hóa cơ bản, mang lại lợi ích cho các nhà xuất khẩu Mỹ, giúp nền kinh tế đầu tàu thoát rủi ro giảm phát kiểu Nhật cũng như tạo ra hiệu ứng thịnh vượng cho nhà giàu ở Mỹ.
Ngược lại, chương trình này không cứu được thị trường địa ốc Mỹ, thất nghiệp vẫn cao chót vót. QE2 cũng khiến lạm phát tại Mỹ tăng vọt. Tuy mang lại lợi ích cho các nhà xuất khẩu, nhưng USD mất giá mạnh và lãi suất thực tế ở Mỹ cao hơn.
Trên thực tế, sau nửa năm thực hiện, hiệu quả của chương trình này vẫn còn rất khiêm tốn. Tỷ lệ thất nghiệp trong quý 1 vẫn ở mức 9,1%, còn tăng trưởng GDP chỉ đạt 1,9%. Trong khi, chỉ số giá tiêu dùng lại vọt lên 3,6%. Điều này đã làm gia tăng gánh nặng nợ đang đè lên vai nhiều người dân Mỹ.
Nhiều chuyên gia cho rằng, chính việc FED liên tục bơm tiền vào nền kinh tế là nguyên nhân đẩy lạm phát tăng cao; đồng thời, chương trình này cũng đã bơm thêm những bong bóng tài sản tại các nền kinh tế đang nổi như Trung Quốc và Brazil, tạo ra những nguy cơ cho kinh tế toàn cầu.
Thậm chí, nhiều nền kinh tế đang nổi khác đã cáo buộc rằng, chương trình của FED chẳng khác gì việc in thêm tiền, khiến cho USD mất giá. Do đó, năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Mỹ trở nên mạnh hơn so với hàng hóa của các nước khác.
Nguồn tin: VnEconomy