Dẫu rằng nhiều chuyên gia đã cố gắng phủ nhận, nhưng những động thái gần đây cho thấy, nguy cơ hai cuộc chiến Thương mại và Tiền tệ là có thật và vẫn đang xảy ra âm thầm ở mọi ngóc ngách của đời sống kinh tế quốc tế.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung
Hôm 27/9, Mỹ đã đưa ra quyết định cuối cùng về việc áp thuế chống bán phá giá lên mức 61% đối với ống đồng nhập khẩu từ Trung Quốc. Động thái này được coi là diễn biến tiếp theo trong những căng thẳng thương mại gần đây giữa 2 nước.
Giá trị nhập khẩu ống đồng của Mỹ từ thị trường Trung Quốc đạt mức 233 triệu USD. Các mức thuế mới này sẽ có hiệu lực từ tháng 5 năm sau. Thông báo được Bộ Thương mại Mỹ đưa ra một ngày sau khi Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo sẽ áp thuế chống bán phá giá từ 50,3% đến 105,4% đối với các sản phẩm thịt gà nhập khẩu từ Mỹ.
Trung Quốc áp thuế với lý do các công ty Mỹ đã bán phá giá sản phẩm gà quay vào thị trường Trung Quốc và gây thiệt hại lớn cho ngành công nghiệp chế biến gà của nước này. Các mức thuế sẽ được áp dụng từ ngày 27/9 và có hiệu lực trong 5 năm.
Thông tin trên đã được đăng tải trên trang web của Bộ Thương mại Trung Quốc. Theo đó, nước này sẽ áp các mức thuế chống bán phá giá là 50,3%, 51,8%, 53,4% đối với các sản phẩm thịt gà sản xuất tại 35 công ty Mỹ; các mức thuế cao hơn sẽ áp dụng với tất cả các công ty chế biến thịt gà còn lại của Mỹ khi xuất sang thị trường Trung Quốc.
Theo Tân Hoa xã, năm 2008, Mỹ xuất sang thị trường Trung Quốc 584.000 tấn thịt gia cầm, tăng 12% so với năm 2007. Chỉ trong sáu tháng đầu năm 2009, Mỹ đã chiếm 89% tổng lượng thịt gia cầm nhập khẩu của Trung Quốc, với 305.000 tấn.
Như vậy là chỉ trong 1 tháng qua, đã xảy ra 4 vụ tranh chấp thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ. Trước đó, hôm 21/9, Bộ Thương mại Mỹ công bố nước này đã đưa ra quyết định cuối cùng về việc áp thuế chống bán phá giá lên giấy tráng nhập khẩu từ Trung Quốc. Theo đó, mức thuế chống bán phá giá mà các sản phẩm của Trung Quốc phải chịu sẽ tăng 7,6% lên 125,83%.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết trong một tuyên bố rằng, các nhà sản xuất và xuất khẩu Trung Quốc bị áp thuế đúng bằng mức được hưởng trợ cấp từ chính phủ. Theo số liệu của Chính phủ Mỹ, giá trị nhập khẩu mặt hàng giấy tráng từ Trung Quốc vào khoảng 279,4 triệu USD.
Lần áp thuế này của Mỹ là vụ việc tiếp theo 2 trường hợp gần đây Văn phòng đại diện Thương mại Mỹ kiện Trung Quốc ra Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Washington kêu gọi WTO tiến hành điều tra hành vi của Trung Quốc được cho là đối xử không công bằng với các nhà cung cấp thép và các dịch vụ thanh toán điện tử của Mỹ.
Trong đơn kiện, phía Mỹ cáo buộc Bắc Kinh đang tạo cho các doanh nghiệp trong nước những lợi thế không công bằng thông qua các khoản trợ cấp, khiến nhiều lao động Mỹ có nguy cơ mất việc làm. Đây là bước đi đầu tiên hướng tới việc áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc.
Trong khi đó, theo Báo cáo rà soát chính sách thương mại của WTO, Mỹ là một quốc gia có cơ chế đầu tư, thương mại thông thoáng nhất. Tuy nhiên, báo cáo cũng cảnh báo các biện pháp bảo hộ mà Mỹ áp dụng với các đối tác thương mại.
Tính đến tháng 12/2009, Mỹ đã có 247 vụ áp thuế chống bán phá giá có hiệu lực, tăng 22 vụ so với tháng 12/2007, và ảnh hưởng đến 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Báo cáo cũng đề cập đến các biện pháp ngăn chặn suy thoái kinh tế của Mỹ, bao gồm những điều khoản nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà cung cấp hàng hóa và dịch vụ trong nước.
Đại sứ Trung Quốc kiêm Đại diện thường trực của Trung Quốc tại WTO tỏ ra lo ngại về mặt trái của chính sách tiền tệ cũng như vai trò của Mỹ tại vòng đàm phán Doha. Nhiều thành viên WTO đã quy trách nhiệm cho Mỹ đã làm trì trệ vòng đàm phán, đồng thời kêu gọi Mỹ sớm thực hiện đúng vai trò của mình.
Chiến tranh tiền tệ quốc tế
Theo lời Bộ trưởng Bộ Tài chính Brazil, Guido Mantega, cuộc chiến tiền tệ quốc tế đã nổ ra, bởi chính phủ nhiều nước đang đua nhau hạ giá đồng nội tệ để tạo thế cạnh tranh không lành mạnh. "Chúng ta đang rơi vào một cuộc chiến tiền tệ thế giới mà các bên tham chiến đua nhau làm yếu đồng tiền của mình", ông nói.
Phát biểu của ông Mantega đã khiến thế giới một phen sốc nặng và gần như ngay lập tức Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn đã lên tiếng phủ nhận. Theo ông Strauss-Kahn thì không thấy có nguy cơ nào xảy ra chiến tranh tiền tệ, dẫu rằng đây quả là điều đáng quan ngại.
Tuy nhiên, thực tế là vấn đề tiền tệ đang là chủ đề nóng trên nghị trường quốc tế. Hôm 29/9, Hạ viện Mỹ đã tiến hành bỏ phiếu thông qua dự luật cho phép trừng phạt hành động định giá thấp tiền tệ nhằm trợ cấp cho xuất khẩu của Trung Quốc. Theo dự luật này, Bộ Thương mại Mỹ được phép áp đặt các loại thuế đối kháng lên các mặt hàng của Trung Quốc nhằm bù đắp cho việc hạ thấp giá trị đồng Nhân dân tệ.
Hôm 30/9, Bộ Thương mại Trung Quốc đã ra tuyên bố nói rằng, dự luật mà Hạ viện Mỹ vừa thông qua là vi phạm các nguyên tắc về thương mại tự do. Giới quan sát cho rằng, động thái của hai bên đã đẩy căng thẳng tiền tệ song phương vốn đã âm ỉ lâu nay, lên một nấc mới, tiến gần hơn tới một cuộc chiến tiền tệ.
Trong khi đó, số liệu thống kê của Bộ Tài chính Nhật Bản cho thấy, trong tháng 9, quốc gia này đã bơm 2.120 tỷ Yên, tương đương 25 tỷ USD, vào thị trường tiền tệ để chặn đà tăng giá của đồng Yên so với USD và một số ngoại tệ khác. Ông Koji Fukaya, chuyên gia tiền tệ chủ chốt của tập đoàn Credit Suisse ở Nhật Bản cho rằng, khoản tiền hơn 2.000 tỷ Yên này gần bằng con số dự báo.
Chính phủ Nhật Bản có thể sẽ tiếp tục can thiệp vào thị trường ngoại hối. Tuy nhiên, việc Nhật Bản đơn phương can thiệp làm suy yếu đồng Yên sẽ khó khăn hơn trong thời gian tới. Từ đầu năm 2010 đến nay, đồng Yên đã tăng giá 12% so với USD và ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong nhóm 16 đồng tiền của các nước lớn.
Hôm 15/9, đồng Yên đã leo lên mức 82,88 Yên/USD, cao nhất trong 15 năm. Điều này đã khiến Nhật Bản quyết định can thiệp vào thị trường ngoại hối thông qua nghiệp vụ bán Yên, mua vào USD và các ngoại tệ khác lần đầu tiên trong vòng hơn 6 năm qua. Sau quyết định này, tỷ giá đã tăng nhẹ lên mức 85 Yên/USD. Tuy nhiên, những ngày gần đây, đồng Yên đã tăng giá trở lại, tỷ giá này hiện ở mức khoảng 83 Yên/USD.
Không chỉ có Nhật Bản, vài tháng qua, đồng nội tệ của Hàn Quốc, Thái Lan và Singapore đều ghi nhận đà tăng đột biến khiến chính phủ các nước này đang tìm cách ngăn chặn, bằng cách mua vào đồng USD. Tờ Business Week dẫn lời một doanh nhân kinh doanh tiền tệ ở ngân hàng Busan, Yun Se Min, nói rằng, việc Nhật Bản sẽ can thiệp vào tỷ giá đồng Yên cho tới khi đạt được tỷ giá 88 Yên/USD sẽ khuyến khích Hàn Quốc mạnh dạn can thiệp vào đồng nội tệ.
Thậm chí, chuyên gia tài chính Raphael Martello thuộc Tập đoàn tư vấn Tendencias (Brazil) cũng cho rằng tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Tài chính Brazil về "cuộc chiến tiền tệ", là dấu hiệu cho thấy chính phủ nước này sẽ tiến hành các biện pháp mạnh hơn nhằm làm suy yếu đồng Real. Trong vòng nửa tháng qua, mỗi ngày Ngân hàng trung ương Brazil mua vào hơn 1 tỷ USD, gấp 10 lần mức bình quân vài tháng trước. Nhưng điều này chưa thấm vào đâu so với lượng trái phiếu khổng lồ mà hãng dầu khí quốc gia Petrobras chào bán tuần trước, lên tới 67 tỷ USD.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành Viện tư duy kinh tế mới của Mỹ (INET), ông Robert Johnson, cho rằng các nước đang phát triển lớn nên cho phép tiền tệ của mình tăng giá từ 20-25% để kinh tế toàn cầu ổn định hơn và các nước trong nhóm G20 cần nỗ lực thương lượng về vấn đề này. Theo ông, ngay cả khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) dùng một loạt biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ mới cũng không thể cứu được nền kinh tế Mỹ.
Ông Johnson cho biết, biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ của FED sẽ chỉ làm trầm trọng thêm những tác động của cuộc cạnh tranh phá giá tiền tệ, làm cho các nền kinh tế phát triển nhanh chóng nhưng cũng khiến tình trạng bong bóng kinh tế có thể xảy ra nhiều hơn. Nếu các nước đang phát triển tăng giá nội tệ 20-30%, nhiều mặt hàng nhập khẩu sẽ rẻ hơn, người dân có thể cải thiện được mức sống.
Nguồn: Vneconomy