Những tin tốt cuối tuần đã vực dậy niềm tin của giới đầu tư quốc tế về khả năng phục hồi kinh tế sau khủng hoảng, xoa dịu những nỗi lo về một cuộc suy thoái lần hai. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng vẫn còn đầy rẫy những dự báo bi quan. Vậy thực sự, kinh tế thế giới đang mạnh hay yếu?
Mạnh
Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Pascal Lamy ngày 2/9 tuyên bố các số liệu thương mại mới nhất của WTO cho thấy thế giới đã vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Các số liệu do WTO công bố khẳng định xu thế tăng mạnh của thương mại toàn cầu trong bối cảnh nền kinh tế thế giới tăng trưởng ngày càng ổn định.
Tổng hợp số liệu thống kê của 70 nền kinh tế chiếm 90% thương mại toàn cầu cho thấy giá trị thương mại hàng hóa toàn cầu trong quý 2 vừa qua đã tăng 25% so với quý I, trong đó xuất khẩu tăng 26% và nhập khẩu tăng 25%. Giá trị thương mại hàng hóa tăng mạnh nhất là ở châu Á (37,5%) và khu vực Bắc Mỹ (28,5%).
Trong một báo cáo về tình trạng việc làm đưa ra cùng ngày, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) nhấn mạnh thế giới đang đứng trước thách thức lớn về tạo đủ việc làm để có thể duy trì tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. Tuy nhiên, báo cáo cũng nêu rõ, nền kinh tế thế giới đã có dấu hiệu phục hồi.
Trước đó, hôm 31/8, tờ Financial Times nhận định lạc quan về triển vọng kinh tế châu Âu và cho rằng tương lai tươi sáng đã đến với khu vực kinh tế lớn thứ tư thế giới này. Bài báo dẫn các số liệu cho thấy tăng trưởng kinh tế của các nước trong Liên minh châu Âu (EU) đã tăng mạnh trong ba tháng tính đến tháng 6 vừa qua.
Tỷ lệ thất nghiệp của EU được giữ ổn định liên tục từ tháng 2 và sẽ được giữ vững đến hết năm nay. Theo thông báo của Ủy ban châu Âu ngày 30/8, chỉ số lạc quan về kinh tế của Khu vực đồng Euro đã tăng đột biến trong tháng 8. Người tiêu dùng đã tỏ ra lạc quan nhất kể từ cuối năm 2007.
Yếu
Theo chuyên gia kinh tế đoạt giải Nobel, Paul Krugman, nước Mỹ cần thêm một gói kích cầu tương tự như chương trình mà Tổng thống Barack Obama đã đưa ra Quốc hội hồi tháng 2/2009. Ông Krugman nhận định, “mọi thứ đang ám chỉ cần thiết phải chi tiêu nhiều hơn. Nền kinh tế Mỹ hiện vẫn rất khó khăn và trì trệ”. Gói kích cầu lần trước đã có ảnh hưởng mạnh nhất trong quý 4 năm ngoái và nay, những tác động từ kế hoạch này đang phai dần.
Trong một bài viết sau đó đăng tải trên tờ The Economist, ông Krugman cho rằng, “đây chưa phải là phục hồi”. Phản bác những tuyên bố hôm 27/8 của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang, chuyên gia kinh tế Krugman nhận định, “nước Mỹ trông ngày càng giống như đang ở trong trạng thái trì trệ và thất nghiệp cao vĩnh viễn. Đã đến lúc thừa nhận rằng chúng ta chưa hề phục hồi và làm mọi cách có thể để thay đổi tình thế hiện nay”.
Chưa hết hỗn loạn. Tỷ phú truyền thông Mỹ, Rupert Murdoch, cho rằng kinh tế thế giới hiện vẫn trong trạng thái bất ổn và ngành truyền thông sẽ trải qua giai đoạn thay đổi khó đoán trước. Theo ông, “tôi không tin chúng ta đã có thể thoát ra khỏi những biến động hiện nay”.
“Áp lực nợ công tăng cao, thâm hụt ngân sách nặng nề và tỷ lệ thất nghiệp Mỹ ở mức cao là cản trở lớn nhất đối với sự phục hồi của kinh tế toàn cầu. Nhiều người khác có thể nhìn thấy những dấu hiệu tích cực, tuy nhiên cho đến khi các vấn đề được giải quyết, hành vi của thị trường, chính phủ, người tiêu dùng và biến động của các đồng tiền rất khó đoán trước”.
Nguồn: vneconomy