Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thế giới tuần 6-12/12: Chóng mặt với dự báo năm 2011

Có vẻ như năm 2011 vẫn chưa có chỗ cho những kỳ vọng tốt đẹp, khi liên tục những dự báo đánh giá gần đây cho thấy, kinh tế thế giới tiếp tục ảm đạm. Tất nhiên, một vài khu vực sẽ khởi sắc, nhưng đó không phải là bức tranh tổng thể, chưa kể những nét chấm phá đó còn đang gây tranh cãi.

 

Điểm sáng Trung Quốc

Theo "Sách xanh kinh tế" của Viện Khoa học xã hội Trung Quốc (CASS), kinh tế nước này sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng tương đối nhanh với GDP đạt 10% trong năm 2011, lạm phát sẽ vẫn ở mức vừa phải với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,3%. Chính sách kinh tế vĩ mô của nước này sẽ vẫn ổn định, trong khi đầu tư tài sản cố định có thể tăng trưởng chậm lại, khoảng 20% trong năm 2011, từ tốc độ ước tính khoảng 23,5% trong năm nay.

Ông Trần Giai Quý, một chuyên gia kinh tế nổi tiếng của Trung Quốc và là chủ biên “Sách xanh kinh tế”, nhận định, 2011 không chỉ là năm đầu tiên Trung Quốc triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm lần thứ 12 mà còn là năm đặc biệt quan trọng đối với việc đẩy nhanh chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế, duy trì kinh tế tăng trưởng cao và ổn định, trong khi kết hợp kiềm chế lạm phát tiếp tục được xác định là những nhiệm vụ chủ yếu.

Tuy nhiên, ông Trần Giai Quý cũng cảnh báo rằng, mặc dù đạt được thành tựu lớn trong đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua, Trung Quốc vẫn cần củng cố hơn nữa cơ sở tăng trưởng ổn định, kết hợp giải quyết một loạt vấn đề như đẩy mạnh cải cách, thiết lập cơ chế tăng trưởng bền vững, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, một số nhà kinh tế không đồng tình với báo cáo của CASS, dự đoán kinh tế Trung Quốc có thể đối mặt với việc giảm nhẹ tốc độ tăng trưởng vào năm tới, trong khi lạm phát có thể tăng nhanh hơn dự kiến. Ngân hàng Thế giới vào tháng 10/2010 cho biết, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể chậm lại, còn khoảng 8,7% trong năm tới. Goldman Sachs cũng đã dự báo tỷ lệ lạm phát của Trung Quốc sẽ tăng 4,3% trong năm 2011, cao hơn dự báo 3,3% của CASS.

Còn theo một số nhà phân tích khác, kinh tế Trung Quốc có thể phải đối mặt với “những luồng gió ngược” vào năm tới do các biện pháp và chính sách thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát và bong bóng tài sản. Tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ lên tốc độ tăng trưởng có thể bắt đầu xuất hiện vào tháng 3/2011 và trở nên rõ rệt hơn trong quí 2/2011.

Thời của vàng, dầu

Theo dự đoán của ngân hàng Goldman Sachs, kinh tế Mỹ sẽ có tốt hơn trong năm 2011 và thị trường chứng khoán Phố Wall sẽ chứng kiến năm tăng trưởng thứ 3 liên tiếp. Chỉ số S&P 500 sẽ tăng gần 25% lên mức 1.450 điểm trong 12 tháng tới, với sự hỗ trợ của lợi nhuận kinh doanh khả quan, chính sách tiền tệ nới lỏng và sự cải thiện của kinh tế Mỹ.

Ngoài ra, Goldman cũng cho rằng sự phát triển của thị trường chứng khoán sẽ gắn liền với sự tăng trưởng từ 2,5% đến 4% của nền kinh tế Mỹ tính tới cuối năm 2012. Tuy nhiên, tổ chức tài chính này cho biết các nhà đầu tư vẫn đang tỏ ra thận trọng. “Bất chấp những tín hiệu tích cực, triển vọng đầu tư chứng khoán rất khó đoán định”.

Với lãi suất thấp như hiện nay, Goldman Sachs tin rằng giá hàng hóa cơ bản như vàng sẽ tiếp tục có nền tảng vững chắc để nới rộng mức tăng. Tính tới cuối năm 2011, giá vàng tương lai có thể đạt 1.690 USD/ounce và sẽ tiếp tục xu hướng gia tăng, Goldman Sachs nhận định. Giá vàng sẽ đạt đỉnh 1.750 USD/ounce trong năm 2012, khi sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ đi kèm với việc nâng lãi suất.

Các chiến lược gia của Goldman cũng cho rằng giá dầu có thể tăng lên 105 USD/thùng vào năm 2011 và nhu cầu về mặt hàng này sẽ gia tăng cùng với sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ.

Một trong những vấn đề được thị trường đặc biệt quan tâm là cặp tỷ giá USD/Nhân dân tệ, Goldman Sachs cho rằng lãi suất thấp tại Mỹ sẽ tiếp tục duy trì một đồng USD yếu. Trong khi đó, Trung Quốc sẽ phải để đồng nội tệ của mình tăng giá trong năm sau khi thực hiện những biện pháp kiểm soát tăng trưởng.

Đông Á chậm lại

Theo báo cáo công bố ngày 7/12 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), các nền kinh tế mới nổi tại Đông Á sẽ tăng trưởng 8,8% trong năm nay, trước khi chậm lại ở mức 7,3% vào năm 2011. Mức tăng trưởng này được điều chỉnh lại, cao hơn mức dự đoán mà ADB đưa ra hồi tháng 9. Trước đó, trong báo cáo cập nhật về Triển vong Tăng trưởng châu Á 2010 công bố hồi tháng 9, ADB đã dự đoán tăng trưởng của khu vực đạt 8,4% trong năm nay, sau khi chỉ tăng 5,4% trong năm 2009.

Báo cáo quan sát kinh tế châu Á do ADB công bố ngày 7/12 nhận xét có sự hồi phục vượt bậc tại các nền kinh tế mới nổi ở Đông Á trong năm nay và nhiều thị trường chứng khoán trong khu vực đang khởi sắc trở lại.

Tuy nhiên, dự đoán của ADB cho năm 2010 vẫn dưới mức tăng trưởng kỷ lục 9,6% trong năm 2007. “Sau khi giảm mạnh trong năm 2008 và 2009, các nền kinh tế Đông Á hồi phục mạnh mẽ trong năm 2010, đưa mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đến gần mức tăng trưởng năm 2007” - theo báo cáo của ADB.

Cũng theo ADB, tăng trưởng kinh tế của khu vực Trung Á hiện được dự kiến ở mức 5,9% trong năm nay, tăng hơn so với mức dự báo trước đây là 5,1%. ADB vẫn giữa nguyên mức tăng trưởng dự kiến của khu vực Nam Á là 7,8%, trong đó Ấn Độ sẽ tăng trưởng 8,5%. Tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế khu vực Thái Bình Dương cũng được giữ nguyên mức dự báo cho năm 2010 là 4,3%.

ADB cảnh báo nhu cầu tại Mỹ giảm, khủng hoảng nợ tại châu Âu và mức giảm phát lớn tại Nhật Bản sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của khu vực. Trong khi đó, các biện pháp nới lỏng tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đang đe dọa gây bong bóng tài sản và lạm phát cao hơn trong vùng.

Nhìn chung: Ảm đạm

Trong báo cáo "Tình hình kinh tế thế giới và triển vọng năm 2011" (WESP 2011), Liên hợp quốc cảnh báo kể từ giữa năm nay, đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu đã bắt đầu chững lại và có nhiều dấu hiệu cho thấy tốc độ tăng trưởng trong hai năm tới sẽ yếu đi. Tỷ lệ thất nghiệp cao, các chính sách thắt chặt tài chính và nguy cơ chiến tranh tiền tệ là những yếu tố đe dọa quá trình phục hồi sau khủng hoảng của các nước, trong đó việc làm không tăng trưởng là điểm yếu nhất.

WESP 2011 dự đoán năm nay, nền kinh tế thế giới sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 3,6%, song sẽ lần lượt giảm xuống còn 3,1% và 3,5% trong hai năm tiếp theo. Dự kiến trong năm 2011, tốc độ tăng trưởng của Mỹ sẽ chỉ đạt 2,2%, giảm so với tốc độ 2,6% dự kiến cho năm nay, trước khi tăng lên mức 2,8% vào năm 2012. Tỷ lệ thất nghiệp của nước này có thể sẽ lên mức 10% vào năm tới.

Các cường quốc kinh tế mới nổi là Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil tiếp tục là đầu tàu thúc đẩy đà tăng trưởng của thế giới. Tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc năm tới dự kiến đạt 8,9%, giảm so với mức tăng trưởng 10,1% trong năm nay. Song, sẽ tăng trở lại và đạt mức mục tiêu 9,0% trong năm 2012.

Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng của Ấn Độ trong các năm từ 2010-2012 lần lượt là 8,4%, 7,1% và 7,3%. Brazil, một trong những nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ, sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 7,6% trong năm nay trước khi giảm xuống lần lượt còn 4,5% và 5,2% trong hai năm tiếp theo.

Báo cáo của Liên hợp quốc dự báo, các nước đang phát triển tại châu Á sẽ tạo nên một khu vực tăng trưởng cao nhất thế giới - khoảng 7% trong hai năm tới. Mức tăng trưởng năm tới ở Mỹ Latin là 4%, Trung Đông và Tây Á là khoảng 4,7%, trong khi châu Phi nhỉnh hơn một chút (5%). Trong khi đó, Nhật Bản sẽ chỉ đạt tốc độ tăng trưởng khiêm tốn 2,7% trong năm 2010. Tình hình hai năm sau tại nền kinh tế này khá ảm đạm khi chỉ đạt các mức tăng trưởng 1,1% và 1,4%.

Triển vọng kinh tế tại 16 nước thành viên Khu vực đồng tiền chung châu Âu cũng không khả quan khi Liên hợp quốc dự báo tốc độ tăng trưởng 1,6% trong năm nay, và con số này sẽ rơi xuống còn 1,3% vào năm tới trước khi tăng lên mức 1,9% trong năm 2012.

Nguồn: Vneconomy

ĐỌC THÊM