Hầu hết các động thái kinh tế quốc tế đầu tuần qua đều xoay quanh hội nghị thượng đỉnh G-20, nhưng thực tế sự chi phối cuối cùng lại “nằm trong tay” nỗi lo nợ công châu Âu và dự báo Trung Quốc thắt chặt tín dụng.
Hôm 12/11, Hội nghị thượng đỉnh nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) đã kết thúc tại Hàn Quốc, với việc ra tuyên bố chung tập trung vào một số thách thức đối với nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là vấn đề phát triển.
Tuyên bố khẳng định, các nước thành viên G-20 sẽ thúc đẩy việc thiết lập các hệ thống hối đoái dựa trên thị trường nhiều hơn và tăng cường sự linh hoạt về tỷ giá hối đoái theo hướng phù hợp với những nguyên tắc kinh tế cơ bản và ngăn chặn việc phá giá nội tệ vì mục đích cạnh tranh.
G-20 cam kết hạn chế thực hiện và phản đối việc thực hiện những hoạt động thương mại mang tính bảo hộ dưới mọi hình thức, đồng thời công nhận tầm quan trọng của việc kết thúc nhanh chóng Vòng đàm phán Doha về tự do hóa thương mại toàn cầu.
Mặc dù đạt được những kết quả nhất định như trên, nhưng theo giới phân tích, những kỳ vọng về G-20 thực tế vẫn còn quá chung chung. Trong khi đó, những thông tin mới nhất về Ireland và lời đồn Trung Quốc sẽ thắt chặt tín dụng đã ảnh hưởng trực tiếp tới kinh tế quốc tế trong tuần.
Hôm 12/11, Chủ tịch Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) Jean-Claude Juncker đã phải lên tiếng khẳng định, Ireland chưa xin bảo lãnh vỡ nợ, nhằm ngăn chặn sự lây lan tin đồn rằng Ireland có thể trở thành nước thứ hai trong khu vực xin viện trợ khẩn cấp từ Liên minh châu Âu (EU).
Phát biểu tại Luxembourg, ông Juncker nói rõ nếu xin bảo lãnh vỡ nợ, Ireland sẽ nhận được sự giúp đỡ từ Quỹ ổn định tài chính châu Âu (EFSF), được thành lập từ tháng 5 vừa qua để bảo vệ các nước thành viên Eurozone đang nợ chồng chất. Tuy nhiên, Chính phủ Ireland cho đến nay "chưa đưa ra đề nghị như vậy."
Ông Juncker thừa nhận các cuộc đàm phán sơ bộ về bảo lãnh vỡ nợ cho Ireland phải được giữ kín theo quy định của EU, nhưng khẳng định "tình hình không có gì nghiêm trọng".
Chính phủ Ireland và Ủy ban châu Âu (EC) cũng bác bỏ những đồn đoán về việc nước này xin bảo lãnh vỡ nợ. Thủ tướng Ireland Brian Cowen và Bộ trưởng Tài chính nước này Brian Lelihan đều tuyên bố Ireland có đủ nguồn lực tài chính cho đến giữa năm 2011 nên không cần đưa ra bất kỳ đề nghị bảo lãnh nào.
Ngày 10/11 vừa qua, Chính phủ của Ireland phát hành trái phiếu thời hạn 10 năm với mức lãi suất tới 8,64% để huy động 1,25 tỷ euro (1,74 tỷ USD). Mức lãi suất này cao hơn các đợt phát hành cách đây 2 tháng và lần đầu tiên tăng hơn 8% kể từ khi thành lập Eurozone năm 1999.
Quyết định tăng lãi suất trái phiếu chính phủ của Ireland khiến dư luận lo ngại quốc gia vốn đã chìm trong nợ nần này khó có thể thúc đẩy kinh tế phát triển đủ nhanh để có tiền trả nợ.
Tin đồn về Ireland vỡ nợ càng rộ lên sau khi Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha và Anh ra tuyên bố chung khẳng định việc EU áp dụng cơ chế mới giúp các nước thành viên cơ cấu lại nợ sẽ không tác động đến những người giữ trái phiếu chính phủ bằng đồng euro.
Trong khi đó, theo ông Mã Đức Luân, Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) phát biểu trên tờ Shanghai Securities News hôm 14/11, nhằm ngăn chặn dòng tiền nóng xuất phát từ động thái nới lỏng tín dụng của Mỹ, Trung Quốc có thể điều chỉnh dự trữ bắt buộc, quản lý vị thế ngoại hối, và các hoạt động thị trường mở…
Theo thông báo trên trang web của PBOC, từ ngày 16/11 tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại sẽ được điều chỉnh tăng thêm 50 điểm và sẽ là lần tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc lần thứ tư trong năm nay.
Mới tháng trước PBOC cũng đã yêu cầu sáu ngân hàng lớn tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm 50 điểm lên 17,5% và sẽ áp dụng trong vòng hai tháng. Ngoài ra, PBoC còn nâng lãi suất tiền gửi và tiền cho vay kỳ hạn một năm thêm 25 điểm, lần tăng đầu tiên trong gần ba năm qua.
Một báo cáo khác của tổ chức nghiên cứu Capital Economics có trụ sở ở London (Anh) cũng đưa ra nhận định, Trung Quốc sẽ đưa ra nhiều biện pháp thắt chặt tiền tệ trước khi kết thúc năm nay, chủ yếu do sự tăng trưởng nhanh chóng các khoản cho vay của ngân hàng dẫn đến lạm phát.
Capital Economics cho rằng, điều đáng lo ngại là sự tăng trưởng của các khoản cho vay không chậm lại, bất chấp Chính phủ Trung Quốc đã phát đi những tín hiệu mạnh mẽ cho biết sẽ thắt chặt chính sách tín dụng.
Trước đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) cho biết trong tháng 10/2010, các khoản cho vay của ngân hàng đạt 587,7 tỉ Nhân dân tệ (tương đương 88,5 tỷ USD), trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt 253 tỷ Nhân dân tệ.
Mặc dù PBOC đã nỗ lực kiềm chế các khoản cho vay của ngân hàng nhưng trong 10 tháng đầu năm nay, tổng vốn cho vay của ngân hàng vẫn đạt 6.890 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 1.030 tỷ USD), gần bằng mục tiêu cho vay cả năm 2010 của Trung Quốc là 7.500 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 1.100 tỉ USD).
Hôm 11/11, Cơ quan Thống kê Trung Quốc thông báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 nhảy vọt 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức cao 25 tháng và đánh bật dự báo 4% của các nhà kinh tế.
Giá thực phẩm leo thang mạnh là nguyên nhân khiến CPI tháng 10 bỏ xa mức 3,6% trong tháng 9. Theo các số liệu được công bố cùng lúc, chỉ số giá sản xuất tháng 10 tăng 5%, cao hơn dự báo tăng 4,6% và mức 4,3% trong tháng 9.
Tuy nhiên, theo Capital Economics, CPI tháng 10 tăng lên 4,4% không phải là vấn đề và CPI sẽ giảm xuống trong tháng 11/2010. Capital Economics cho biết thêm tín dụng của Trung Quốc mở rộng trong thời gian gần đây có thể làm hỏng nỗ lực kiềm chế giá nhà và lạm phát của Trung Quốc trong năm tới.
Capital Economics dự đoán trước cuối năm nay, Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng tỷ lệ dự trữ vốn của ngân hàng. Cơ quan này ước tính nếu các khoản cho vay tiếp tục tăng đáng kể, lãi suất cơ bản cũng sẽ tăng lên.
Nguồn: Vneconomy