Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thế giới tuần qua: Kinh tế và Cạnh tranh

Trong tuần, kinh tế thế giới tiếp tục vận động theo hướng cắt giảm chi tiêu, thắt chặt tiền tệ, tái cơ cấu, điều chỉnh và cạnh tranh giữa các khối, các cường quốc kinh tế.

Mỹ: Nền kinh tế lớn nhất thế giới đang ở giai đoạn không rõ ràng, tăng trưởng có dấu hiệu chững lại, các chỉ số chứng khoán hay các đơn hàng lâu bền đều giảm liên tiếp. Tuy nhiên, dường như để trấn an dư luận, các quan chức Mỹ cho rằng sẽ không xảy ra suy thoái kinh tế lần hai.

Thậm chí Bộ trưởng Bộ Tài chính Geithner ngày 25/7 khẳng định, kinh tế Mỹ sẽ không quay trở lại tình trạng suy thoái, nhưng việc chấm dứt chương trình giảm thuế dành cho người giàu là cần thiết để chứng tỏ Mỹ đã cắt giảm thâm hụt ngân sách.

Được biết, đây là chương trình giảm thuế cho người giàu được ban hành thời cựu Tổng thống George Bush.

Trung Quốc: Kinh tế nước này đã có bước tiến dài và dần khẳng định là một trong những "trung tâm" của kinh tế thế giới. Vài năm trở lại đây, sự hiện diện của Trung Quốc tại các Hội nghị quốc tế lớn về kinh tế đã xác nhận điều này.

Cũng như mọi nền kinh tế khác, kinh tế Trung Quốc cũng gặp nhiều vấn đề cần giải quyết trước mắt cũng như sau này. Trong bản nghiên cứu về Trung Quốc gần đây, Citigroup - tập đoàn tài chính lớn của Mỹ, nhận xét “kinh tế Trung Quốc bắt đầu có nhiều dấu hiệu suy giảm vào cuối quý II năm 2010, với tỷ lệ tăng trưởng thấp hơn và cũng bớt bị đe dọa bởi vấn đề lạm phát hơn”.

Các dấu hiệu này còn bao gồm sự sụt giảm trong xây dựng, bất động sản, đầu tư và sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp nặng.

Điều này cũng dễ hiểu, sau hơn 30 năm cải cách, cùng với mức tăng trưởng ấn tượng, kinh tế Trung Quốc cũng cần phải chuyển "lượng thành chất" mới đảm bảo sức cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu.

Nhật Bản: Trong khi các nước đang lo lắng giải quyết vấn đề đồng nội tệ lên giá, ảnh hưởng đến xuất khẩu thì đồng Yên của Nhật vẫn lên giá trong khi xuất khẩu vẫn thặng dư trong 13 tháng liên tiếp. Theo số liệu của Bộ Tài chính Nhật Bản, tính trong 6 tháng đầu năm 2010, kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản đạt trên 33.000 tỷ Yên, tăng 37,9% so với cùng kỳ năm 2009.

Có điều đặc biệt trong xuất khẩu của Nhật Bản là xuất siêu vào các thị trường lớn chứ không phải vào các nước đang phát triển. Hàng hóa tạo cho Nhật Bản xuất siêu đều là những mặt hàng có gía trị gia tăng cao.

Thông thường, để khuyến khích xuất khẩu, các quốc gia thường nới lỏng biên độ tỷ giá giữa đồng nội tệ với một hoặc nhiều ngoại tệ chủ chốt (theo hướng đồng tiền yếu). Nếu áp dụng vào Nhật Bản, điều này lại không đúng, hay Nhật Bản là "ngoại lệ"?

Có thể giải thích như sau: chuyển động cùng chiều của hai chỉ số thặng dư xuất khẩu và tỉ giá chỉ cùng "pha" trong thời điểm nhất định. Nhưng thặng dư thương mại trong thời gian tương đối dài, trong điều kiện đồng Yên cao so với các ngoại tệ chủ chốt (Mỹ, Trung Quốc, Châu Âu) đã phản ánh sức cạnh tranh của hàng hoá Nhật Bản (về chất lượng, chủng loại, mặt hàng...) là vô cùng lớn; và trong thời điểm nhất định có thể vượt qua áp lực tỷ giá. Đây có thể là bài học cho các nước G7?

Châu Âu: Cắt giảm thâm hụt ngân sách và xử lý nợ công có lẽ đang là chiến lược cơ bản của Liên minh Châu Âu (EU) hiện nay. Với thành công trong việc đưa nội dung cắt giảm thâm hụt ngân sách vào Hội nghị G20 vừa qua, EU đã tích cực khởi xướng nội dung này thông qua việc thanh tra tại 91 tổ chức tài chính.

Theo công bố của Ủy ban Giám sát Ngân hàng châu Âu (CEBS) ngày 23/7 vừa qua, đã có 7/91 tổ chức tài chính nằm trong diện kiểm tra không đáp ứng được các điều kiện của đợt thanh tra ngân hàng tại khu vực. Trong danh sách trên, đầu tiên có tên 5 ngân hàng của Tây Ban Nha, tiếp theo là ngân hàng của Đức Hypo Real Estate và cuối cùng là ATEbank của Hy Lạp.

Đây là đợt thanh tra cần thiết nhằm đánh giá thực trạng ngân hàng trong bối cảnh EU đang quyết liệt xử lý nợ công của Hy Lạp và những hệ luỵ của nó đối với Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha nói riêng và toàn khối EU nói chung.

Tích cực xử lý nợ công như vậy, nhưng EU tiếp tục nhận thêm thông tin không mấy vui vẻ. Danh sách nợ công có vấn đề đã điền tên nước Bỉ vào diện cần theo dõi.

Cạnh tranh: Hợp tác kinh tế và cạnh tranh giữa Mỹ, Trung Quốc và Liên minh Châu Âu có ảnh hưởng lớn đến kinh tế quốc tế.

Cạnh tranh kinh tế Mỹ - Trung Quốc: Là một trong những đối tác thương mại lớn nhất, thương mại hai chiều của hai quốc gia này đã đạt con số khoảng 400 tỷ USD.

Dưới góc nhìn của Mỹ, Trung Quốc luôn duy trì đồng Nhân dân tệ yếu để đẩy mạnh xuất khẩu, hàng hoá có vấn đề về chất lượng, có vấn đề về sở hữu trí tuệ...

Đối với Trung Quốc, Mỹ hay dùng rào cản thương mại, tăng thuế, giảm giá đồng USD (Trung Quốc đang sở hữu nhiều trái phiếu của Mỹ)... Do vậy, xung đột kinh tế Mỹ - Trung Quốc là không tránh khỏi.

Cạnh tranh kinh tế Mỹ - Châu Âu: Là đối tác thương mại truyền thống, là hai cạnh của tam giác kinh tế Mỹ - Châu Âu - Nhật Bản trước kia.

Trong thời điểm hiện nay, hợp tác và cạnh tranh giữa hai bên cũng không kém phần quyết liệt. Mặc dù hai bên nhận thấy cần phải phục hồi kinh tế thế giới, tuy nhiên phương pháp phục hồi lại khác nhau rất nhiều.

Chính sự khác nhau đó tạo nên mâu thuẫn về chính sách giữa Mỹ và Châu Âu. Trong khi Mỹ kiên quyết tiếp tục chính sách nới lỏng tài chính thì châu Âu lại theo đuổi chính sách thắt chặt tài chính chưa từng có, theo sau châu Âu còn có Nhật Bản, Canada, Úc…

Điều khác biệt này có tạo ra xung đột trong một thời điểm nhất định hay không, câu hỏi thật khó có lời giải đáp trọn vẹn.

Nguồn: Tamnhin

ĐỌC THÊM